Bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình nếu bạn đang cố gắng trở thành tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người. Ngừng hy sinh phúc lợi của bạn và vượt qua nhu cầu của bạn để làm hài lòng.
(*) Bài viết là chia sẻ của Sharon Martin, một nhà trị liệu tâm lý đã được cấp phép hành nghề tại San Jose, California.
Quan tâm đến suy nghĩ của người khác và không làm tổn thương họ là điều nên làm song hy sinh những gì mình có chỉ để làm vừa lòng người khác thì không. Khi bạn luôn thỏa hiệp với chính mình để xếp bản thân xuống ưu tiên thấp nhất, việc làm hài lòng mọi người đã vượt qua ranh giới tử tế và hào phóng sang từ bỏ bản thân. Có thể là bởi bạn sợ người khác sẽ phản đối, sẽ chỉ trích hoặc từ chối bạn.
15 dấu hiệu cho thấy bạn là người luôn cố làm hài lòng mọi người
Bạn luôn muốn mọi người thích bạn.
Bạn rất hay nói lời xin lỗi.
Bạn khao khát sự xác nhận của mọi người.
Bạn để cho mọi người lợi dụng bạn.
Bạn cảm thấy tội lỗi khi bản thân đặt ra những ranh giới.
Bạn sợ xung đột.
Bạn luôn là một “cô gái tốt” (hoặc một chàng trai), người tuân theo các quy tắc.
Bạn nghĩ rằng tự chăm sóc bản thân là điều xếp sau trong thứ tự ưu tiên.
Bạn dễ cảm thấy căng thẳng, lo lắng.
Bạn mong đợi bản thân trở nên hoàn hảo và luôn giữ mình ở những tiêu chuẩn cao.
Bạn đặt mình xuống cuối cùng và không biết làm thế nào để đề nghị sự giúp đỡ thứ mình cần.
Bạn nhạy cảm với những lời chỉ trích.
Bạn cho rằng cảm xúc, nhu cầu, quan điểm của mình không quan trọng bằng của những người khác.
Bạn ghét phải nhìn thấy bất kỳ ai bị tổn thương, sợ hãi hay khó chịu.
Bạn bực bội khi luôn bị yêu cầu làm nhiều hơn và mong muốn mọi người sẽ xem xét cảm xúc và nhu cầu của bạn.
Mẹo giúp bạn vượt qua tình trạng này
Để vượt qua được tâm lý luôn muốn làm vừa lòng người khác, bạn phải cân bằng lại suy nghĩ của mình và cân nhắc những gì bạn và người khác cần làm.
1. Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ
Hãy nhớ rằng, tự chăm sóc bản thân là một điều cần thiết, không phải là điều xa xỉ. Đó không phải là điều bạn nên làm nếu bạn có thời gian hoặc nếu bạn xứng đáng. Chăm sóc các nhu cầu về tình cảm, tinh thần và cả thể chất sẽ giúp bạn khỏe mạnh về mọi phương diện.
Lời khuyên:
- Đặt các hoạt động tự chăm sóc bản thân (tập thể dục, giao lưu, thời gian dành cho sở thích, nghỉ ngơi...) vào lịch của bạn để đảm bảo rằng chăm sóc bản thân luôn được ưu tiên.
- Mỗi ngày hãy tự hỏi bản thân: “Mình cảm thấy thế nào? Mình cần những gì?". Điều này sẽ giúp bạn nhớ rằng mọi người đều có nhu cầu riêng và tự chăm sóc bản thân là một cách lành mạnh để bạn đáp ứng chính nhu cầu của mình.
2. Không phải ý kiến của mọi người đều quan trọng
Một trong những sai lầm lớn mà chúng ta hay mắc phải chính là hành động như những gì mọi người nói. Chúng ta cố gắng làm cho tất cả mọi người cùng vui vẻ mà không phân biệt ý kiến của ai quan trọng nhất và ý kiến của ai có thể bỏ qua.
Bạn càng thân thiết ai thì bạn càng coi trọng ý kiến của họ và muốn làm hài lòng họ. Tất cả các mối quan hệ lành mạnh đều liên quan đến sự thỏa hiệp này và cảm giác muốn những người thân yêu hạnh phúc, vui vẻ là điều hết sức tự nhiên.
Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải như vậy với tất cả mọi người. Một sự khác biệt quan trọng khác giữa các mối quan hệ chỉ để đẹp lòng đối phương và mối quan hệ lành mạnh là sự thỏa hiệp và hành động có qua có lại (bạn không nên là người duy nhất cho đi).
Lời khuyên:
Khi thực hiện một thỏa hiệp hoặc làm điều gì đó để làm hài lòng người khác, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như: "Tại sao mình lại thỏa hiệp? Có phải mình sợ xung đột, khiến ai đó thất vọng, không thích mình? Mối quan hệ này có ý nghĩa như thế nào đối với mình? Cả hai đang thỏa hiệp hay mình là người duy nhất?".
3. Xung đột lành mạnh có thể cải thiện các mối quan hệ
Nhiều người trong chúng ta đã trải qua những xung đột gây đau đớn và từ đó nảy sinh cảm giác bất an rằng xung đột, bất đồng quan điểm sẽ phá hủy các mối quan hệ của chúng ta, rằng đối phương sẽ tức giận và rời bỏ chúng ta.
Đó là lý do không ít người luôn tìm cách tránh né xung đột, kìm nén cảm xúc, mong muốn và nhu cầu của mình. Chúng ta không thể hiện cảm xúc của mình và mất dần kết nối với chính mình và với những người khác. Bởi vậy mà những người sống vì người khác thường phụ thuộc và cảm thấy như mình không biết bản thân là ai, muốn gì. Bạn sẽ dễ trở nên bực bội, cáu kỉnh hơn, dễ có những dấu hiệu căng thẳng về thể chất như đau nhức, mất ngủ...
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng xung đột lành mạnh có thể giúp cả hai hiểu thêm về nhau. Đó là khi hai bên bày tỏ và tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và đối phương. Xung đột không nhất thiết phải ầm ĩ, phải cãi nhau. Mục tiêu của chúng ta là tôn trọng bản thân mỗi người và cởi mở với quan điểm của người khác.
Lời khuyên:
Đừng sợ những xung đột và hãy chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm, lối sống cũng như suy nghĩ của người khác. Nhìn và đón nhận mọi việc với thái độ tích cực, bạn sẽ thấy vấn đề phát triển theo hướng tốt hơn.
4. Cảm xúc, quan điểm và ý tưởng của bạn rất quan trọng
Khi bạn không hiểu rõ mình là ai và điều gì quan trọng đối với bản thân, bạn sẽ dễ dàng hạ thấp cảm xúc, quan điểm và ý tưởng của mình và đặt người khác lên trên ưu tiên.
Lời khuyên:
Hãy thử lặp lại một câu thần chú thường xuyên, chẳng hạn như “Cảm xúc và ý kiến của mình rất quan trọng” để củng cố niềm tin tích cực về bản thân. Khi bạn nhận thấy một ý nghĩ tự phê bình, hãy tìm lý do vì sao thay vì chỉ công nhận điều đó là sự thật.