Để có một buổi sáng khởi đầu tuần mới đầy thuận lợi, có những chuyện, chủ đề bạn nên tránh nói tới hay tham gia vào sáng thứ Hai.
Sáng thứ Hai là điều gây ám ảnh với không ít người chúng ta khi phải tạm biệt hai ngày cuối tuần và trở lại guồng quay công việc. Không còn được ngủ nướng, không còn được nằm dài trên ghế đọc cuốn sách mình yêu thích hay chỉ đơn giản là đi tản bộ và ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc sống. Bạn trở lại với guồng quay đầy hối hả.
Để có một buổi sáng khởi đầu tuần mới đầy thuận lợi, có những chuyện, chủ đề bạn nên tránh nói tới hay tham gia vào. Dưới đây là những điều mà người thông minh luôn biết cách tránh nói trong sáng thứ Hai.
1. "Trông cậu có vẻ mệt mỏi"
Không có thời điểm nào là tốt để bạn bàn luận về việc ai đó trông mệt mỏi thế nào và đặc biệt càng không bao giờ nên là sáng thứ Hai. Câu nói này khiến người nghe không biết phải phản ứng sao cho hợp lý.
Tốt nhất, bạn đừng bao giờ bắt đầu tuần mới của mình và ai đó với câu nói này, ngay cả khi đó hoàn toàn là sự thật. Nếu muốn thể hiện sự quan tâm, bạn có thể tế nhị đề cập đến vào một thời điểm khác.
2. "Cậu đã nghe thấy gì chưa?"
Nói chuyện phiếm, “buôn dưa lê” không phải là cách tốt để bạn bắt đầu một tuần mới. Nó không chỉ khiến tinh thần thêm mệt mỏi mà còn khiến bạn dễ tồi tệ mà còn có thể gây mất tập trung.
Hãy tiết kiệm năng lượng tinh thần của bạn cho những nhiệm vụ quan trọng trong tầm tay thay vì say mê những câu chuyện phiếm mới nhất vốn chẳng liên quan gì đến mình. Bạn cũng không muốn một ngày nào đó mình trở thành chủ đề bàn tán của người khác phải không.
3. "Tôi thực sự mệt mỏi”
Nói về việc bạn kiệt sức như thế nào không nên được xem là một cuộc trò chuyện. Nó giống như việc bạn đang kéo người khác vào một mớ ca thán về bản thân mình.
Bạn nghĩ sao khi vừa bắt đầu ngày mới của một tuần mới, người đồng nghiệp nào đó đã chạy đến than thở với bạn rằng họ cảm thấy quá mệt mỏi? Bạn không chỉ bị chùng tinh thần xuống mà còn loay hoay không biết phải làm sao giúp họ thoát khỏi mớ rắc rối đó. Đây không nên là câu chuyện bắt đầu một tuần mới.
4. "Cậu không biết rằng cuối tuần vừa rồi tôi đã ốm thế nào đâu”
Hãy nhớ một sự thật là, hầu hết mọi người (trừ vợ/chồng của bạn, người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết) đều không quan tâm đến việc phải nghe một cách chi tiết về lần ngộ độc thực phẩm, dị ứng hay bất kỳ vấn đề nào khác đã đến với bạn trong ngày cuối tuần.
Nếu bạn đã có những ngày cuối tuần thật tệ, bạn có thể chia sẻ với họ vào thời điểm khác trong ngày và không quá chi tiết. Có thể, đồng nghiệp của bạn sẽ cho bạn những lời khuyên về chứng ngộ độc hay dị ứng thực phẩm kia. Song tốt nhất thì những chuyện này không nên kể quá chi tiết với người khác.
5. "Tôi đã “cháy túi””
Thảo luận về tài chính cá nhân không chỉ là một sự lựa chọn sai lầm mà còn khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Khi bạn bắt đầu ngày thứ Hai bằng cách than vãn với ai đó rằng bạn đang “cháy túi”, đối phương có thể nghĩ rằng bạn đang muốn truyền đi thông điệp: “Cậu sướng thật, không hết tiền như tôi”.
Khi bạn muốn có những lời khuyên về tiền bạc, bạn có thể tìm những lời khuyên song khi bạn chỉ không ngừng than vãn về vấn đề của mình, bạn đang khiến mọi người tránh xa mình.
6. "Cuối tuần vừa rồi tôi chỉ có ăn, ăn và ăn"
Giống như tài chính, chế độ ăn uống và cân nặng là những vấn đề cá nhân mà bạn không nên chia sẻ để khởi đầu tuần mới. Sẽ không phải là khôn ngoan khi bạn đem chủ đề ăn uống của một người ra để trò chuyện. Câu chuyện hoàn toàn có thể chuyển hướng sang tiêu cực và có nguy cơ gây khó chịu cho chính bạn hoặc người nghe. Tốt nhất những câu chuyện này chỉ nên là chủ đề cá nhân.
7. "Cậu có tin những gì cái Hoa nói không?"
Không ai muốn mình bị thử thách niềm tin khi đang ở trong phòng nghỉ ở văn phòng, trên chuyến tàu điện ngầm hoặc trong bãi đậu xe, đặc biệt là khi họ mới bắt đầu một ngày mới. Sẽ thật là không hay khi bạn đưa mọi người vào vị trí như vậy.
Nếu bạn vẫn thắc mắc, vậy đâu là chủ đề chúng ta nên nói vào sáng thứ Hai thì thời tiết là một lựa chọn không tồi. Đó là chủ đề chung mà ai cũng có thể nói chuyện và quan tâm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nói đến các chủ đề như giao thông, những điều phổ biến và không gây căng thẳng. Nếu không biết phải nói chuyện gì, bạn có thể đơn giản là gật đầu, nở nụ cười với đối phương và chào nhau bằng cái bắt tay hay ôm tuỳ thuộc vào mối quan hệ và văn hoá nơi bạn sống.