"Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!"

Ngày 11/03/2020 10:40 AM (GMT+7)

Dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, chúng ta không nên chủ quan và không nên quá sợ hãi, bởi sự sợ hãi sẽ làm ảnh hưởng công tác phòng chống bệnh.

Sau khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17 và là ca đầu tiên ở Hà Nội, nhiều người đổ xô đi mua sắm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm…, không ít người đã và đang tính chuyện dọn đồ đi “sơ tán” hay nhiều cách khác để bảo vệ gia đình mình.

Trước những thông tin trên, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề: Dịch bệnh COVID-19 có đáng sợ hay không?.

Dịch bệnh Covid-19 có đáng sợ không? Tôi nghĩ rằng đáng sợ. Thế nhưng sợ cái gì và cái gì làm cho chúng ta sợ?

Thứ nhất: Sợ chết

Hiện nay, tỷ lệ chết chung của dịch bệnh này theo WHO là 1% và chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế muộn. Song tỷ lệ này có sự thay đổi ở các quốc gia khác nhau và cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.

amp;#34;Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!amp;#34; - 1

Tỷ lệ tử vong trên thế giới do COVID-19 là 1%.

Một quốc gia dù có trình độ y khoa cao nhưng không đủ số giường bệnh, không đủ nhân viên y tế phục vụ trong bối cảnh số bệnh nhân tăng vọt thì khó tránh khỏi tỷ lệ tử vong tăng cao.

Một quốc gia không giàu nhưng cương quyết thực hiện những biện pháp phòng chống dịch tốt, không có số bệnh nhân tăng vọt, mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng thì tỷ lệ tử vong rất thấp thậm chí là không có tử vong.

Ở Việt Nam tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông còn cao hơn nhiều do bệnh dịch này. Vậy thì chết do bệnh dịch này không phải cái đáng sợ nhất.

Thứ hai: Mắc bệnh phải tốn nhiều tiền điều trị, phải nằm viện lâu dài

Theo quy định, toàn bộ chi phí điều trị cho một bệnh nhân nhiễm bệnh đều được nhà nước chi trả, đây là điều chúng ta nên mừng vì là công dân Việt Nam. Ở một số quốc gia khác bệnh nhân phải là người chi trả chi phí điều trị và số tiền này không hề nhỏ.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam không nằm viện lâu. Nếu bệnh nhân hết triệu chứng bệnh và xét nghiệm vi sinh liên tục âm tính, đảm bảo không còn là nguồn lây bệnh cho cộng đồng thì sẽ được ra viện tiếp tục tự theo dõi tại nhà. Có những bệnh nhân được xuất viện sau 5-7 ngày nằm viện. So với rất nhiều bệnh khác thì đây là thời gian khá ngắn.

amp;#34;Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!amp;#34; - 2

Những người dân ở trong khu vực cách ly được nhà nước lo các nhu yếu phẩm cần thiết.

Thứ ba: Sợ bị cách ly, kỳ thị, xa lánh

Không ai trong chúng ta muốn những người thân yêu của mình bị bệnh. Vậy nếu bạn bị một căn bệnh có thể lây truyền cho người khác thì chính bản thân bạn phải nên tự cách ly để đầu tiên tránh cho người thân và sau đó là cộng đồng mình bị lây bệnh. Có gì mà phải sợ.

Thứ tư: Sợ lây nhiễm bệnh trong khu cách ly

Sợ bị lây bệnh trong khi cách ly cùng với những người khác là mối lo của không ít người dân. Tuy nhiên, mọi người yên tâm, ngành y tế biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly.

ĐIỀU SỢ NHẤT LÀ GÌ?

Tôi sợ bởi vì bất cứ quốc gia nào không kiểm soát tốt để dịch bùng phát trong cộng đồng thì hàng loạt người sẽ mắc bệnh dẫn tới số bệnh tăng vọt vượt qua sự kiểm soát của y tế, khi đó tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao.

Khi đó xã hội bất chợt mất đi một lượng lớn người làm việc, số người bệnh đông làm gia tăng chi phí điều trị, giảm thu nhập quốc gia. Người bị tử vong không chỉ còn tập trung ở một nhóm đối tượng đặc biệt mà còn lan rộng ở tất cả những người mắc bệnh…vv. Cùng với đó là hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội và con người sẽ còn ảnh hưởng trong một thời gian dài sau đó. Hãy nhìn vào Vũ Hán – Trung Quốc bạn sẽ thấy tất cả.

amp;#34;Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!amp;#34; - 3

Điều bác sĩ Hùng sợ nhất là không kiểm soát được dịch bệnh, khiến bệnh bùng phát trên diện rộng.

Sợ sao cho đúng mới là quan trọng

Đáng sợ như vậy thì chúng tôi phải tự lo, sao bác sĩ cản? Vâng tôi cũng xin chia sẻ nỗi lo của các bạn nhưng sợ như thế nào cho đúng mới là quan trọng.

Các bạn đổ xô đi mua hàng, là vô tình các bạn đang “cố gắng” đi vào nơi đông người trong một không gian kín. Ở nơi đó nếu có một người đang trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng bạn bị nhiễm bệnh sẽ rất cao. Và khi đó không biết có bao nhiêu người sẽ trở thành nguồn nhiễm mới.

Nếu mỗi gia đình chúng ta đều đi mua đồ dự trữ với số lượng lớn và tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nào đó thì chắc chắn sẽ tạo ra một “kho ảo” cực lớn trong xã hội. Các công ty sản xuất đã có kế hoạch sản xuất định kỳ và khả năng cung ứng cũng có giới hạn theo công suất xây dựng nhà máy dẫn tới khó bù đắp nhu cầu trong thời gian ngắn. Khi đó không ít người “chậm chân” không mua được, không có đồ dùng (trong khi có nhiều người khác quá dư) dẫn tới rối loạn trong xã hội.

amp;#34;Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!amp;#34; - 4

Việc đi vơ vét đồ là tuyệt đối không nên vì nhà nước vẫn đảm bảo nguồn cung cấp.

Nếu chúng ta sợ dịch mà tự ý “sơ tán” ra khỏi vùng dịch, các bạn có chắc rằng trong số những người “sơ tán” ấy (hay chính bản thân bạn) không có người đã nhiễm bệnh trong giai đoạn ủ bệnh hay không. Khi đó vô tình các bạn sẽ trở thành một nguồn nhiễm mới như người trở về từ nước Anh. Công cuộc phòng chống dịch sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Mặc dù thông tin về dịch bệnh đã được công bố rất minh bạch, rõ ràng trên các phương tiện truyền thông chính thống. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người nhẹ dạ cả tin vào những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ và sau đó chia sẻ với nhiều người khác gây ra những hậu quả không nhỏ và vô tình làm cản trở công tác phòng chống dịch của cả nước….vv.

Chính vì vậy xin các bạn hãy bình tĩnh. Hãy đặt niềm tin vào y tế nước nhà và những biện pháp quyết liệt của nhà nước. Trong lúc này đây, sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết của mỗi người dân chính là mỗi viên gạch xây nên sự thành công của cuộc chiến.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Corona nguy hiểm nhưng không làm được gì có ích thì hãy im lặng thay vì chửi bới
"Dịch nguy hiểm, nhưng hãy tìm hiểu để biết cách phòng tránh đúng đắn, chứ đừng quá hoang mang, lo sợ. Đừng chia sẻ những thông tin thất thiệt gây...
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Góc nhìn