"Dịch nguy hiểm, nhưng hãy tìm hiểu để biết cách phòng tránh đúng đắn, chứ đừng quá hoang mang, lo sợ. Đừng chia sẻ những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận và tốt nhất nếu không làm được gì có ích thì hãy im lặng thay vì chửi bới hay nói những thứ giáo điều".
Sau khi Bộ Y tế chính thức thông tin về 3 trường hợp người Việt Nam đầu tiên dương tính với virus corora nCoV - 2019, người dân không khỏi bàn tán xôn xao về dịch bệnh này. Bộ Y tế liên tục cập nhật các thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, tình trạng cũng như cách phòng chống căn bệnh này.
Tuy nhiên, xuất hiện trên các mạng xã hội là rất nhiều nguồn thông tin không được kiểm chứng khiến người dân không khỏi xôn xao. Có những người không hiểu về căn bệnh này nhưng sẵn sàng chia sẻ, thậm chí xuyên tạc thông tin bịa đặt, gây hoang mang thêm trong dư luận chỉ để kiếm thêm lượng tương tác hay phục vụ việc bán hàng online.
Trước tình hình dịch corona diễn biến phức tạp, xin được chia sẻ bài viết của chị Phạm Bích Trang, nhân viên y tế của Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, người từng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 để quý bạn đọc có thêm góc nhìn về dịch viêm phổi cấp do virut corona nCoV.
Xin được đăng tải nguyên văn bài viết:
"NHỚ DỊCH SARS NĂM 2003
Vậy là Việt Nam đã có trường hợp dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, khiến những nhân viên y tế như chúng tôi lại nhớ về dịch SARS của hơn 1 thập kỉ trước. Tôi là dân y tay ngang, nên bài viết này không nói về lĩnh vực chuyên môn, mà chỉ là những cảm nhận và một góc nhìn khác về dịch SARS muốn chuyển tới mọi người, để chúng ta cùng bước vào cuộc chiến lần này theo cách nhẹ nhàng nhất mà thôi.
Khoảng tháng 3 năm 2003, nhân viên Viện Y học Lâm sàng Nhiệt đới chúng tôi bắt đầu nghe phong thanh về một thứ bệnh lạ, mới, rất nguy hiểm, có thể lây từ người sang người của những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Việt Pháp. Mới đầu cũng hoang mang, lo lắng, bởi đã là bệnh lây thì kiểu gì cũng sẽ chuyển sang Viện Y học Lâm sàng Nhiệt đới điều trị. Bởi sự nguy hiểm của loại vi rút đó, bởi nhân viên Viện chúng tôi sẽ là những người tiếp xúc trực tiếp nhất với nguồn bệnh, trong khi chưa có phác đồ điều trị, chưa có thuốc đặc trị. Và còn bởi chúng tôi cũng là những con người bằng xương bằng thịt, đằng sau chúng tôi còn chồng, con, còn gia đình, người thân... Nhưng những lo lắng đó chỉ kịp thoáng qua thôi, vì ngay sau đấy bệnh nhân được chuyển hết sang điều trị cách li tại Viện Y học Lâm sàng Nhiệt đới.
Chị Phạm Bích Trang, người từng được nhận bằng khen của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch SARS năm 2003.
Đường Phương Mai vắng hoe, lối đi trước cửa Viện không một bóng người qua lại, ngoài nhân viên y tế. Người ta nhắc đến Viện Y học Lâm sàng Nhiệt đới với một nỗi khiếp sợ... Vợ chồng tôi cùng làm tại Viện nên phải gửi con về quê nhờ ông bà nội trông giúp.
Viện được đặc biệt quan tâm hơn từ Bộ Y tế, từ Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ lãnh đạo Viện, từ các cơ quan đoàn thể cũng như các tổ chức quốc tế. Chúng tôi được trang bị những thiết bị bảo hộ chuyên dụng, được quan tâm đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và cả tinh thần nữa, khiến những lo lắng ban đầu dần tan biến hết. Mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân, khoác lên người bộ quần áo, mũ, kính phòng chống dịch, chúng tôi hay đùa với nhau rằng, cứ như phi hành gia chuẩn bị bay vào vũ trụ vậy.
Ngày ấy, Lây 8-9 (giờ là khoa Cấp cứu) là khu vực cách li trực tiếp điều trị những bệnh nhân dương tính với SARS. Khi đỡ rồi sẽ chuyển lên lây 1-4 (giờ là khoa Viêm gan) điều trị tiếp cho đến khi có xét nghiệm âm tính mới được xuất viện. Rất nhiều những sáng kiến từ lớn đến nhỏ của những chuyên gia đầu ngành được đưa ra, nhằm khống chế dịch và một trong những sáng kiến đó mà tôi vẫn nhớ, đó là đốt quả bồ kết của BS Tường Vân. Mùi thơm của bồ kết như xua đi cái lạnh lẽo, ẩm ướt của tiết trời cuối xuân, làm cho mọi người tĩnh tâm hơn, ấm áp hơn...
Cuối cùng thì dịch SARS cũng được khống chế và dập tắt thành công mà không một nhân viên y tế nào lây bệnh. VTV Đài truyền hình Việt Nam đã làm hẳn một chương trình "Người đương thời" để vinh danh những y, bác sĩ, những nhân viên y tế trực tiếp tham gia chống dịch. Những tên tuổi mãi sẽ là niềm tự hào không chỉ riêng với ngành Y tế nước nhà, mà còn cả với bạn bè quốc tế như: GS.TSKH. AHLĐ. Lê Đăng Hà, PSG.TS Cao Văn Viên, PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, BS. Nguyễn Hồng Hà, PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc, BS. Nguyễn Tường Vân, ĐDT Viện Nguyễn Thị Thục, ĐDT lây 8-9 Nguyễn Bích Ngọc và còn nhiều, nhiều những con người thầm lặng chưa có dịp được nhắc đến nữa.
Khi nghe thông tin về những ca bệnh đầu tiên dương tính với vi rút Corona tại bệnh viện, lòng chợt chùng xuống với bao suy nghĩ. Nhân viên y tế chúng tôi không lo sợ, không nao núng, không lùi bước. Cái chúng tôi cần bây giờ là sự động viên, chia sẻ, cảm thông và tin tưởng của mọi người dành cho ngành Y tế.
Dịch nguy hiểm, nhưng hãy tìm hiểu để biết cách phòng tránh đúng đắn, chứ đừng quá hoang mang, lo sợ. Đừng chia sẻ những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận và tốt nhất nếu không làm được gì có ích thì hãy im lặng thay vì chửi bới hay nói những thứ giáo điều. Nhiệt đới ơi, cố gắng nhé, chúng ta đã từng làm được mà!".