Đó là người phụ nữ gần bước sang tuổi 70 nhưng lại có chất giọng trẻ như phụ nữ trung niên. Bà đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện vui buồn về xét nghiệm ADN.
Hơn 10 năm làm Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT), bà Nguyễn Thị Nga đã chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện của những khách hàng đã tìm đến trung tâm để làm xét nghiệm. Chuyện buồn có mà vui cũng có, mỗi câu chuyện đều gắn liền với mỗi gia đình, mỗi phận đời, mỗi hoàn cảnh cụ thể không ai giống ai và đều để lại trong lòng người nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau. |
Chuyện vui về những vị khách “nhầm vai”
Nếu chỉ qua điện thoại và nghe giọng nói thì ít ai ngờ rằng giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT) là một người phụ nữ đã ở tuổi thất thập. Giọng nói trẻ trung và truyền cảm của bà đã khiến nhiều khách hàng là nam giới còn trẻ sau này gặp mặt đã phải nói lời xin lỗi..
Tiếp chúng tôi tại văn phòng số 278 Thụy Khuê (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội) cho biết đây là cơ sở thứ hai vừa được trung tâm thuê lại và là văn phòng chính, còn cơ sở thứ nhất vẫn ở khu tập thể Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Nhưng khách hàng vẫn quen tìm đến cơ sở ở KTT Vĩnh Phúc dù ở đó đường đi lại lòng vòng. Với họ, trong nhiều năm qua, số nhà 108-E3 Vĩnh Phúc đã trở thành một địa chỉ quen thuộc và tin cậy mỗi khi họ cần đến xét nghiệm và giám định ADN.
Giọng nói truyền cảm, vị nữ giám đốc trung tâm này khiến ít ai nghĩ rằng năm nay bà đã ở tuổi thất thập (bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1945). Về điều này, bà Nga cười và kể: “Hầu hết các khách hàng khi gọi điện đến cho tôi đều nhầm thế cả, ai cũng nghĩ tôi còn trẻ, chắc chỉ khoảng độ trung niên là cùng. Có lẽ là do giọng nói của mình vẫn còn giữ được sự trẻ trung”.
“Tôi nhớ có lần có một khách hàng là một thanh niên gọi điện đến Trung tâm nhờ tư vấn. Theo lời của anh ta kể trong câu chuyện thì anh ta đang gặp rắc rối về chuyện gia đình, anh ta nghi ngờ vợ ngoại tình và đứa con không phải là con của mình. Tôi bảo nếu anh nghi ngờ thì nên đến trung tâm và làm xét nghiệm ADN, chúng tôi sẽ giúp anh giải tỏa những mối nghi ngờ của mình. Nhưng anh ta lại bảo mình sợ không đủ can đảm để đối diện với sự thực vì anh ta rất yêu vợ và con”, bà Nga nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội.
Bà Nga kể: “Thế rồi liên tiếp những ngày sau đó, anh thanh niên nọ liên tục nhắn tin và gọi điện cho tôi. Anh ta tâm sự với tôi rất nhiều điều về cá nhân mình, về gia đình mình, về tình yêu dành cho gia đình, vợ con và nỗi hoài nghi lẫn sợ hãi khi nghĩ rằng vợ mình ngoại tình và đứa con không phải là con mình… Những lời anh ấy tâm sự, tôi đều lắng nghe và lựa lời để thể hiện sự cảm thông của mình.
Có điều đặc biệt là trong cách xưng hô khi nói chuyện, có lúc anh ấy xưng hô là tôi với chị, rồi thậm chí cả anh với em. Tôi rất buồn cười nhưng vẫn trả lời lịch sự và xưng hô tôi với anh.
Cuối cùng thì anh ấy cũng đem mẫu của mình và đứa con đến Trung tâm để làm xét nghiệm ADN. Khi gặp tôi, anh ấy ngẩn người ra và sau đó rối rít nói lời xin lỗi vì… không biết tôi nhiều tuổi thế. Tôi bảo không sao đâu, cháu chỉ bằng tuổi con trai cô thôi, nhưng qua điện thoại, nhầm lẫn là chuyện bình thường mà”.
“Còn nhiều trường hợp khác nữa, hầu hết đều nhầm lẫn như thế. Nhưng tôi thấy đó cũng vui, vì hóa ra mình vẫn còn giữ được một chất giọng trẻ trung. Quan trọng hơn là trong khi trả lời tư vấn khách hàng, mình phải biết lắng nghe, phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để từ đó có thể tư vấn cho họ để họ tự lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề phù hợp nhất. Nhiều lúc, tôi cũng không hiểu là mình từ một giám đốc trung tâm về xét nghiệm ADN lại trở thành một nhà tư vấn tâm lý từ lúc nào”, bà Nga cười nói.
Cảm hứng nghề nghiệp từ người chồng
Có lẽ cũng ít ai biết rằng, dù giữ cương vị Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội nhưng nghề nghiệp ban đầu của bà Nguyễn Thị Nga lại không hề liên quan gì đến y học. Bà là thạc sĩ về chuyên ngành tự động hóa. Bà đến với công việc quản lý trung tâm và xét nghiệm ADN là do được truyền cảm hứng từ người chồng – GS.TS Lê Đình Lương (Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam hiện nay).
Về cái “duyên” để mình đến với nghề này, bà Nga cho biết: “Tôi tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa, một lĩnh vực thuần túy về kỹ thuật, không hề liên quan đến y học. Nhưng rồi, cũng từ mối lương duyên với chồng mà tôi cũng gắn bó với lĩnh vực của chồng mình làm. Anh Lương là một người rất đam mê khoa học. Tôi nhớ vào khoảng năm 1968, khi đi học từ Liên Xô về, anh ấy nói ước mơ lớn nhất của mình là được ở một ngôi nhà mà có hai bên là phòng thí nghiệm và trường đại học. Anh ấy đã viết rất nhiều sách và soạn nhiều từ điển về các thuật ngữ di truyền học Anh – Việt, Nga – Việt,… Ngoài ra, anh lại còn phải đi giảng bài ở trường nữa.
Khi đó chồng tôi rất bận nên tôi thường giúp việc chồng mình bằng cách vẽ các bảng biểu, đồ họa,… để chồng đi giảng bài.
Năm 1988, chồng tôi đi dự hội nghị về di truyền học ở Canada. Khi về anh ấy đã ghé qua Moscow (Liên Xô cũ). Tại đây, anh ấy đã tự bỏ tiền túi ra mua một chiếc máy PCR (nhân ADN) do Liên Xô sản xuất. Khi về nước anh ấy bảo với tôi: “Đây là chiếc máy rất quan trọng với chúng ta”. Giờ đây, chúng ta có thể nhìn thấy máy PCR ở bất kì một phòng thí nghiệm nào liên quan đến lĩnh vực di truyền, nhưng khi đó thì hiếm và quý lắm. Giờ thì tôi đã hiểu chồng tôi đã nói đúng”.
Mỗi ngày, có hàng chục lượt khách hàng tìm đến trung tâm để nhờ giám định ADN. Hầu hết đều liên quan đến chuyện quan hệ gia đình.
“Đến năm 2004 thì Trung tâm này được thành lập. Khi đó tôi cũng vừa nghỉ hưu ở cơ quan và tôi về làm giám đốc ở đây. Tôi không bỡ ngỡ bởi vì thực ra tôi đã sống với chồng mấy chục năm, tôi hiểu công việc này và cũng rất đam mê nó. Khi trung tâm mới thành lập chỉ có 2 nhân viên thôi, cơ sở ở 108-E3 Vĩnh Phúc là cơ sở đầu tiên và cũng chính là nhà của chúng tôi”, bà Nga nói.
Về kỷ niệm của những ngày đầu mới thành lập trung tâm, bà Nga vui vẻ kể: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất đó là vị khách hàng đầu tiên tìm đến trung tâm để xét nghiệm ADN là một anh bộ đội. Anh biết đến trung tâm thông qua một người quen giới thiệu. Khi đến anh ta đem theo mẫu của đứa con và yêu cầu xét nghiệm ADN vì nghi ngờ đây không phải là con mình. Nguyên nhân thì anh ấy bảo rằng: “Em là bộ đội, thường xuyên xa nhà, em nghi ngờ vợ em…”.
Chúng tôi vui vẻ nhận lời. Kết quả giám định cho thấy đứa bé chính là con ruột anh ta. Nhưng mà anh ta vẫn nghi ngờ, anh ta bảo liệu có tin được không? Thực ra lúc ấy lĩnh vực giám định ADN vẫn còn khá mới mẻ ở ta. Tôi trả lời: “Tin hay không thì tùy anh, chúng tôi là những người làm khoa học, chúng tôi chỉ tin vào khoa học. Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người thì chỉ có 2 người là có ADN giống nhau, anh giải thích xem?” Cuối cùng anh ấy xin lỗi. Về sau tôi được biết gia đình này sống rất hạnh phúc và đứa bé ấy năm nay cũng đã 11 tuổi rồi”.
Mời độc giả đón đọc kỳ 2 "Xét nghiệm ADN: Đa phần đàn ông đều nghi ngờ vợ ngoại tình" vào sáng thứ 4 ngày 28-5 trên Eva tám của Eva.vn |
Xem thêm tin bài liên quan hấp dẫn tại đây: Bà nội và "cuộc chiến" giành lại cháu nhờ ADN Xét nghiệm ADN, nhầm tóc ông hàng xóm ADN và chuyện vui của người không "phải" làm bố Chuyện ADN của đứa cháu nội... |