Chuyện Chánh Tín và kế hoạch phòng ngự tuổi 70

Ngày 20/03/2014 09:36 AM (GMT+7)

Ở thời điểm đặt 10 đầu ngón tay gõ lạch cạch những dòng này, tôi mới chưa đầy 30 tuổi và cũng chưa lên kế hoạch nghĩ xem ngày mai sẽ ăn gì, bởi vì còn đang bận chuẩn bị kỹ lưỡng cho những điều to tát hơn thế – sẽ ra sao ở tuổi 70?

Tôi tạm hình dung như trong những bộ phim Hàn Quốc từng xem, chúng ta tuy già nhưng khi cười ngời lên ánh sáng phúc hậu. Và phải luôn luôn cười, nhất là trong những cuộc hội thoại với con cháu, tiếng cười là thành quả của sự chiêm nghiệm và chắt chiu suốt 70 năm trong đời. Tôi sẽ cười, ngồi bên cháu trai và cùng ăn trái cây.

Muốn thế, không gì phù hợp hơn là ngay bây giờ phải lập gia đình và sinh con để phòng ngự từ xa cho tuổi 70. Giống như hầu hết những cô bạn của tôi, tốt nghiệp Đại học là lũ lượt lập gia đình, sinh con đẻ cái và coi đó là mục tiêu to tát hơn chuyện sẽ làm gì và đi chơi đâu.

Nhưng những gì tôi mơ tưởng là trong phim Hàn Quốc, còn phim Mỹ thì lại khác. Các ông bà già trong phim Mỹ luôn sống trong viện dưỡng lão – nơi là nỗi ám ảnh của tất cả những người trẻ tuổi. Nếu bây giờ không lập gia đình, không sinh con thì nên chăng để dành tiền sau này dưỡng già?

Tài tử điện ảnh Chánh Tín lấy vợ khi ông 21 tuổi, một người vợ cũng là nghệ sỹ và còn hơn ông 1 tuổi. Sau nhiều năm tháng bươn trải, không thể phủ nhận ông là người thành công và giàu có. Chánh Tín có hai người con, một trai, một gái, có nhà lầu xe hơi, có người vợ chăm chiều hết mức. Nhưng trước năm 70 tuổi, tai họa vẫn ập đến, ông lên báo chia sẻ tình cảnh đến độ sắp không còn mái nhà nương thân.

Chuyện Chánh Tín và kế hoạch phòng ngự tuổi 70 - 1

Có phải Chánh Tín mải làm ăn mà quên mất chuyện… để dành cho tuổi 70 không nhỉ?
(ảnh minh họa)

Có phải Chánh Tín mải làm ăn mà quên mất chuyện… để dành cho tuổi 70 không nhỉ? Tôi chắc chúng ta đa phần nghĩ rằng quãng thời gian không phải lo nghĩ về tài chính lại là quãng thời gian không cần đi làm nữa. Hay nói cách khác, chúng ta càng già thì càng trở nên giàu có, đến độ không còn phải lo nghĩ về tiền nữa, bởi vì đã có một sổ tiết kiệm đủ để nuôi thân và hưởng thụ.

Hoặc tất cả chúng ta đều đang phấn đấu vì một sổ tiết kiệm ở tuổi 70.

Đến đây, bản kế hoạch cho tuổi 70 của tôi bắt đầu xuất hiện một nghịch lý. Ở tuổi dưới 30, khi mà muốn đi chơi và đủ sức để làm mọi thứ, cái cần nhất là tiền thì lại không có. Chỉ đến khi đôi chân đã mỏi, cái duy nhất một người bắt buộc phải có – đó là tiền. Tiền để chữa bệnh, tiền đi đám cưới, tiền mừng tuổi cháu, tiền sinh hoạt câu lạc bộ dưỡng sinh – thế là hết!

Nếu ngược lại quy luật kể trên, ít nhiều trong số chúng ta sẽ trở thành Chánh Tín. Dùng tiền thả ga để thỏa thích những đam mê, vẫy vùng những hoài bão, và xui rủi kiệt quệ khi đời sống hãy còn dang dở.

Nhưng ấy là do anh Chánh Tín điển trai, có tài nên mới được vẫy vùng. Còn phần đông bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là tìm một công việc ổn định, có đóng bảo hiểm hàng tháng và lập gia đình. Chắc ngày tôi lên xe hoa, sau đó đóng sập cửa xe rước dâu cũng là lúc bố mẹ tôi thở cái “phù” dài hơi như vừa trút được một gánh nặng to nhất cuộc đời: Thế là xong, an phận!

Một cô bạn của tôi ở tuổi 24 vẫn chưa yêu bất cứ một ai, trong một phút giây nổi loạn quyết định xăm một hình linh tinh lên cánh tay, kết quả là cô ấy và mẹ giận nhau một tháng trời. Nghĩ xa ra, một bà già Việt Nam ở tuổi 70, trong lúc bồng cháu để lộ ra một hình xăm trên cánh tay nhăn nheo, quả nhiên trông phản cảm và thiếu truyền thống. Hẳn nhiên là cô bạn tôi chưa từng phòng ngự xa đến thế, nhưng mẹ cô ấy chắc đã kịp nhẩm hình dung trong đầu về một tương lai mù mịt của cô gái xăm mình – “mà nó lại là con mình”!

Hay chẳng nói đâu xa, chính bản thân tôi ở lứa tuổi mơ mộng hẹn hò trăng gió, khao khát được ăn ngon mặc đẹp và làm những công việc mình thích, thì bố mẹ lại có định hướng xa hơn là xin cho đi làm ở một cơ quan nghe có vẻ khá hàn lâm. Tôi còn chưa chán những việc mình đang theo đuổi, thậm chí còn muốn được tiếp tục học những nghề tay trái không liên quan đến chuyên môn, nhưng bố mẹ tôi lại muốn con mình có một hành trình thẳng tắp theo đúng ngành học. Có nghĩa là cũng giống như bố mẹ tôi, từ giờ đến hết đời chỉ làm đúng 1 nghề, thậm chí đúng 1 nơi làm việc!

“Lo ổn định dần đi là vừa, lông bông mãi sao được, rồi còn lo chuyện vợ chồng…”.

Dám cá rằng câu nói của bố mẹ tôi cũng là câu nói của hàng triệu bậc phụ huynh khác. Xét một cách trầm trọng hóa, lứa tuổi gần 30 vẫn lông bông, xem như không có gì đảm bảo cho tương lai, là đàn ông thì đừng hòng cô nào lấy (trừ khi lấy một cô tầm tầm). Mà cái tương lai ở đây, không phải là thực tại, không phải là 5, 10 năm tới, mà nó được tính bằng đơn vị hàng chục năm trời.

Chuyện Chánh Tín và kế hoạch phòng ngự tuổi 70 - 2

Như một cách để chống lại tuổi 70, đạo diễn phim đưa Na Moon Hee quay lại thời 20 tuổi. Bạn có biết lúc này bà ấy làm gì không? (ảnh minh họa)

Bởi vì xét một cách công bằng, bố mẹ lo cho tôi cũng là lo cho tương lai của họ ở lứa tuổi 70.

Gần đây, tôi có xem một bộ phim Hàn Quốc có sự góp mặt của nữ diễn viên gạo cội Na Moon Hee. Ở tuổi 70, bà vẫn đi làm ở một tiệm cà phê, vẫn đi hai chiếc dép lạch cạch dù có con trai là giáo sư, vẫn tằn tiện chắt bóp để có một sổ tiết kiệm. Quả nhiên một ngày kia, bà bị tống vào trại dưỡng lão.

Như một cách để chống lại tuổi 70, đạo diễn phim đưa Na Moon Hee quay lại thời 20 tuổi. Bạn có biết lúc này bà ấy làm gì không? Rút toàn bộ tiền tiết kiệm để ăn mặc thật thời trang và trải nghiệm những giây phút tình yêu lãng mạn với một anh chàng điển trai bậc nhất Hàn Quốc.

Tôi tạm khép lại bản kế hoạch cho tuổi 70 của mình, không phải vì đã hoàn tất, mà vì không bao giờ có thể trở thành Na Moon Hee. Vậy nên, điều đầu tiên cần làm cho ngày mai là ăn mặc thật đẹp và ăn một món thơm ngon đã đời…

Hà Mạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện