Chuyến hồi hương định mệnh đã cướp đi sinh mạng chồng, con, cháu của người phụ nữ Việt Kiều. Nhưng bà đã quyết định tha thứ cho người gây tai nạn.
Chỉ một phút lơ lãng, chỉ nhấn nhầm chân ga với chân thắng mà tài xế Võ Văn Răng, lái chiếc xe đầu kéo đã đâm nát chiếc xe 4 chỗ đang dừng chờ đèn đỏ, làm 5 người thiệt mạng.
Trong giây phút, bà Huỳnh Thị Cẩn (Việt kiều Mỹ) mất luôn cả chồng, con gái, con rể và con nuôi. Hai cháu ngoại của bà Cẩm còn quá nhỏ đã sớm mồ côi cha và mẹ. Đau hơn nữa là bà tận mắt chứng kiến cái chết thảm thương của chồng, con.
Thế nhưng, xã hội như vỡ òa khi bà Cẩn nói lời tha thứ cho tài xế đã làm chết những người thân yêu nhất của bà. Sau khi lo xong hậu sự cho chồng, con bà Cẩm sẽ viết giấy bãi mại cho ông Răng, rằng “Tai ương giáng xuống, gia đình tôi khổ lắm rồi. Tôi không muốn tài xể container phải chịu cảnh tù tội nữa”.
Ông Răng có phải nhận án hình phạt tù thì những người thân của bà Cẩn cũng không sống lại được. Bà Cẩn biết, ông Răng sẽ đối mặt với phiên tòa lương tâm còn đau đớn, khoắc khoải hơn phán quyết của luật pháp.
Mất chồng, mất con nhưng bà Cẩn vẫn rất bao dung cho người ra tai nạn
Nghĩa cử bao dung, vị tha của bà Cẩn bất chợt tôi nhớ đến phiên tòa ngày 24.3.2010, xét xử tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn- cho xe ba lần cán qua nạn nhân, bởi “Thà chết, đi tù còn hơn bị thương tật để phải nuôi suốt đời”.
Những người tham dự phiên tòa như nổi giận, phẫn nộ khi nghe nhân chứng Lê Phước Tươi thuật lại: Cô gái ấy còn trẻ lắm, bánh xe cán qua đùi, cô ấy kêu thét lên “chú ơi, cứu cháu với”. Anh Tươi dùng xe máy chặn đầu xe tải, yêu cầu tài xế lùi xe để cứu cô gái. Tài xế nhấn ga, cán qua chân cô gái. Chưa hết, tài xế lại cài số lùi, lần nữa cán qua chân, lại nhấn ga…chân cô gái phải chịu ba lần cán qua. Cô gái đã chết thảm dưới bánh xe của tài xế máu lạnh.
Thật bất ngờ, bà ngoại của nạn nhân đã nói lời xin giảm án cho Tuấn “Tai nạn đã xảy ra, gia đình tôi khổ, gia đình Tuấn cũng khổ, cháu tôi đã chết không thể sống lại”.
Phiên tòa im phăng phắc trước tấm lòng nhân hậu của bà cụ. Một cái kết thẫm đẫm nhân ái, vị tha, vượt qua thù hận để cuộc sống thanh thản hơn.
Thế nhưng, thật tiếc, ở đâu đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng như cha, mẹ, con cái vứt bỏ cả tình máu mủ, đưa nhau ra tòa chỉ vì một căn nhà, một mảnh đất. Anh em giết nhau cũng chỉ vì những tranh chấp nho nhỏ. Một gia đình trí thức ở Hà Nội đã đẩy bố già vừa xuất viện ra nằm ở vỉa hè căn nhà đang tranh chấp với chị dâu. Có gia đình danh giá cũng bêu nhau trên phương tiện truyền thông cũng chỉ vì mấy mét vuông đất nằm ở mặt tiền.
Vợ chồng giết nhau, nam thanh, nữ tú tuổi đang yêu, không được yêu cũng giết, chỉ một cái gọi là nhìn đểu, một câu nói, va chạm nhỏ… mà người ta sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác không một chút đắn đo, suy nghĩ để rồi người thì giã từ cuộc sống, người thì dính vòng lao lý.
Thành ngữ có câu “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Nhiều người đã ân hận, hối lỗi với hành vi của mình thì mọi chuyện đã quá muộn, có muốn chuộc lại lỗi lầm cũng không còn cơ hội.
Hòa thượng Thích Trí Quảng viết rằng: Chúng ta thấy rất rõ, cuộc sống hận thù sẽ làm con người tràn ngập khổ đau và dẫn họ ngày càng xa rời cuộc sống an lạc, giải thoát. Vì vậy, hóa giải hận thù là đi ngược chiều sinh tử, trở về cuội nguồn là Niết bàn.
Hóa giải hận thù là hóa giải tâm xấu ác trong chính mình, sẵn sàng tha thứ những người cố ý hay vô tình tác hại mình, làm mình khổ.
Hãy nhớ, lời Phật từng nhắc nhở trong nhiều kinh điển rằng “Tâm bình, thế giới bình” mãi mãi có giá trị hữu ích cho nhân loại, xây dựng nếp sống an lạc, hạnh phúc, hòa hợp- và đã có những nỗi đau đã vượt qua thù hận.