Những kẻ thao túng cảm xúc là những kẻ lừa dối điêu luyện. Họ biết quan sát, nắm bắt để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của người khác. Sau khi tìm được cách hạ gục bạn, họ sẽ sử dụng các chiêu của mình để chiếm ưu thế hơn.
Bạn đã bao giờ ở trong một mối quan hệ khiến mình cảm thấy kiệt quệ, bối rối và thấy không đáng chưa? Rất có thể bạn đang đối phó với một kẻ thao túng cảm xúc. Họ là những bậc thầy trong việc lén lút ép người khác làm gì. Thường thì bạn sẽ làm điều họ muốn mà không hề biết rằng bản thân đã bị thao túng làm điều đó.
Những kẻ thao túng cảm xúc là những kẻ lừa dối điêu luyện. Họ thường có trí thông minh cảm xúc cao và có thể “bẻ cong” bất kỳ tương tác xã hội nào có lợi cho mình. Họ biết quan sát, nắm bắt để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của người khác. Sau khi tìm được cách hạ gục bạn, họ sẽ sử dụng các chiêu của mình để chiếm ưu thế hơn.
Kẻ thao túng thường có khá nhiều cách để thực hiện điều này, từ đưa ra nhận xét châm biếm được ngụy trang thành trò đùa, cho đến việc đánh lừa bạn và cố gắng thuyết phục bạn rằng hạnh phúc của họ là trách nhiệm của bạn. Họ sẽ đóng vai nạn nhân và muốn bạn cảm thấy có lỗi với họ. Những kẻ thao túng cảm xúc biết biết điều này sẽ làm tăng cơ hội đạt được những gì họ muốn và đôi khi điều họ muốn chỉ là cảm thấy hài lòng về bản thân, khiến bạn thấy tội lỗi.
Có một chiến lược nữa mà những người này dùng để thao túng cảm xúc của người khác chính là dồn đối phương đến đường cùng. Có cặp vợ chồng nọ sau khi gặp nhiều mâu thuẫn trong việc nuôi dạy đứa con 1 tuổi với bố mẹ đã lựa chọn cách cùng ngồi xuống nói chuyện để giải quyết vấn đề, tránh làm rạn nứt tình cảm. Họ đã nói với bố mẹ về ranh giới của mình bao gồm việc đứa bé sẽ không ở nhà ông bà nếu không có một trong hai vợ chồng họ.
Sau đó, người mẹ chồng đã lên kế hoạch, đề nghị trông cháu cho hai con, hẹn trước vài tuần rồi đột ngột huỷ trước giờ hẹn chỉ 30, 15 và thậm chí là 10 phút. Sau khi đưa hai con vào thế khó, người mẹ chồng bắt đầu nói rằng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu đứa bé đến nhà bà. Đây là một ví dụ điển hình về cách kẻ thao túng dùng những bất ngờ tiêu cực làm vũ khí chống lại bạn.
Và một trong những chiến thuật phổ biến và rõ ràng nhất mà những kẻ thao túng hay sử dụng chính là bóp méo sự thật. Có nhiều người thường xuyên nói dối bạn đời, người yêu của mình và khi bị đối phương bắt gặp, họ sẽ không ngại thay đổi cục diện, cố biến nó thành lỗi của người kia.
Vậy bạn sẽ làm gì khi chạm trán với một kẻ thao túng cảm xúc như vậy? Chỉ một từ thôi, đó là: Ranh giới.
Đúng vậy! Bạn cần phải biết ranh giới của mình. Trong một bài chia sẻ trên tờ Psychology Today, chuyên gia truyền thông Preston Ni đã thảo luận về các quyền cơ bản của con người. Những quyền này chính là ranh giới của chúng ta và khi một trong những quyền này là bị vi phạm, chúng ta có trách nhiệm với bản thân để bảo vệ quyền đó. Không có mối quan hệ lành mạnh nào, dù là gia đình, cá nhân hay công việc, có thể được duy trì nếu những ranh giới này bị vượt quá.
1. Bạn có quyền được đối xử tôn trọng
Cho dù đó là việc gì, giữa hai bên là mối quan hệ gì, bạn cũng xứng đáng được đối xử tôn trọng. Điều này có nghĩa là đối phương cần thể hiện sự chu đáo, lịch sự, công bằng và cởi mở; không phải thái độ coi thường. Khi bạn thể hiện sự tôn trọng với ai đó, bạn đang thực hành lòng biết ơn, chân thành và ủng hộ.
2. Bạn có quyền bày tỏ cảm xúc, ý kiến và mong muốn của mình
Mọi người không nhất thiết phải đồng ý với mọi điều bạn nói và điều đó không sao hết. Ngay cả khi họ nói thẳng với bạn như vậy hoặc đưa ra quan điểm, lập luận khác cũng không sao. Thường thì những quyết định tốt nhất sẽ được đưa ra sau khi lắng nghe những lập luận đối lập và tìm ra điểm hợp lý nhất.
Tuy nhiên, nếu ai đó cố gắng nói với bạn rằng ý kiến của bạn là sai lầm hoặc bạn không có quyền nói chúng, đó sẽ là vấn đề. Không ai có thể nói với bạn rằng ý kiến của bạn, cảm xúc của bạn, nhu cầu và mong muốn của bạn không quan trọng hoặc không quan trọng bằng của họ. Tất cả chúng ta đều bình đẳng.
3. Bạn có quyền đặt ra các ưu tiên của mình
Điều quan trọng, cần ưu tiên của bạn phải thực sự do chính bạn quyết định. Không ai có thể cho bạn biết điều gì là quan trọng đối với bạn. Những người khác sẽ không thể biết giá trị, nguyên tắc và niềm tin của bạn. Họ không ở trong đầu bạn và trải qua những điều như bạn, vậy làm sao họ có thể biết bạn nên sống cuộc sống như thế nào?
Bạn có thể nghe người khác tư vấn, hướng dẫn mình. Họ có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên và ý kiến về điều mà họ cho là tốt nhất, nhưng chỉ bạn mới biết điều gì là thực sự tốt nhất cho chính mình.
4. Bạn có quyền nói không mà không cần cảm thấy tội lỗi
Dù đó là tình huống nào, bạn cũng có quyền được nói lời từ chối mà không cần cảm thấy có lỗi. Có thể hội bạn khăng khăng muốn bạn phải tham gia bữa tiệc, sếp ép bạn làm thêm giờ đột xuất trong khi bạn có hẹn trước, người hàng xóm một mực bắt bạn phải tham gia tổ quản trị của khu phố hoặc tệ hơn là nửa kia ép bạn quan hệ tình dục, đồng nghiệp ép bạn uống rượu…
Bất kể bối cảnh và những người có liên quan, không có nghĩa là không. Nếu đối phương tôn trọng bạn, họ sẽ không cố làm cho bạn cảm thấy tội lỗi khi nói lời từ chối. Còn nếu họ trách móc bạn, chắc chắn đã đến lúc bạn cần phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình.
5. Bạn có quyền bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa
Cho dù mối đe dọa đó là tình cảm, tinh thần hay thể chất, bạn có quyền tự bảo vệ mình trước nó. Nếu ai đó đã hoặc đang cố gây hại cho bạn, bước đầu bạn cần phải tránh xa họ và tìm kiếm sự trợ giúp nhanh nhất có thể.
6. Bạn có quyền tạo dựng nên cuộc sống hạnh phúc và khoẻ mạnh
Cuộc sống của bạn là của riêng bạn và không ai có quyền ngăn cản bạn tạo dựng nên cuộc sống đó theo cách mà bạn thấy phù hợp. Miễn là bạn không làm hại đến người khác, bạn có quyền sống hạnh phúc và khoẻ mạnh.
Khoẻ mạnh không có nghĩa chỉ là tập thể dục đều đặn và nước đủ uống mà nó còn bao gồm đảm bảo sức khỏe tâm lý và tình cảm. Không ai được đe dọa những điều này hay có quyền tước đoạt chúng khỏi bạn. Đó là quyền cơ bản của con người .