Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa

Bảo Anh. - Ngày 31/07/2021 12:00 PM (GMT+7)

Mắc nợ thì dễ, thoát ra khỏi cảnh nợ nần mới khó. Dưới đây là những lý do khiến bạn có thể rơi vào cảnh nợ nần và cách tránh mắc kẹt với nó mãi mãi.

Bạn tin rằng nợ nần là một phần của cuộc sống

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 1

Debbi King, chủ của công ty tài chính cá nhân The ABC's of Personal Finance, cho biết một trong những lý do lớn nhất khiến mọi người mắc kẹt trong nợ nần là vì họ tin rằng nợ chỉ là một phần của cuộc sống. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2015 cho thấy cứ 10 người thì có 7 người nói rằng nợ nần là điều cần thiết trong cuộc sống của họ.

“Tuy nhiên, nợ là kết quả của việc bạn muốn hoặc cần một thứ gì đó mà bạn không có tiền để mua vào lúc này,” King nói.

Giải pháp

Nếu bạn quyết tâm thoát khỏi nợ nần, bạn có thể thoát khỏi những mong muốn này. Bạn cũng cần cảnh tỉnh bản thân bằng cách theo dõi chặt chẽ cách chi tiêu của mình để xem bạn đang phụ thuộc vào nợ đến mức nào để duy trì lối sống của mình. Bruce McClary, phó chủ tịch của National Foundation for Credit Counseling (NFCC), cho biết: “Bạn có thể đang sử dụng thẻ tín dụng của mình nhiều hơn những gì bạn nhận ra".

Khi đã xác định được mình nợ bao nhiêu, hãy lập kế hoạch trả hết nợ. Việc có mục tiêu thoát khỏi nợ nần có thể giúp bạn có động lực để ngừng dựa dẫm vào nó.

Bạn cho phép chi phí tăng theo thu nhập

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 2

Andy Brantner, một nhà hoạch định tài chính, cho rằng kỷ luật tài chính là không hề dễ dàng. Ông nói: “Thật khó để không đổi một chiếc xe hơi tốt hơn hoặc một ngôi nhà lớn hơn khi bạn được tăng lương. Nhưng việc không giữ được chi phí ổn định khi thu nhập của bạn tăng lên sẽ khiến bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn."

Điều đó có thể đặc biệt nguy hiểm nếu bạn vẫn đang gánh nợ từ những ngày bạn kiếm được ít tiền. Sau khi được tăng lương, thay vì bạn có nhiều tiền tiết kiệm hơn thì bạn lại lao vào lạm phát lối sống và vay thêm nhiều nữa để trang trải cho căn nhà lớn hơn hay chiếc xe tốt hơn. Khoản nợ của bạn sẽ tăng lên dù tiền lương đã tăng lên đáng kể. 

Giải pháp

Để tránh điều này, hãy xác định mục tiêu và xem xét cách chi tiêu của mình hiện tại có phù hợp với các ưu tiên của bản thân hay không. Nếu câu trả lời là không, bạn cần phải lập một kế hoạch chi tiêu để điều chỉnh các khoản chi tiêu phù hợp với giá trị của mình.

Bạn không theo dõi tài chính của mình

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 3

Nếu bạn không biết tiền của mình đang đi đâu, bạn sẽ dễ dàng chi tiêu quá mức vào một số lĩnh vực nhất định và sau đó không còn đủ cho những khoản khác. Điều này khiến bạn mắc nợ và khoản nợ sẽ kéo bạn lại ở đó nếu bạn không thay đổi. 

Giải pháp

Hãy luôn cập nhật tài chính của bạn bằng cách kiểm tra tài khoản hàng ngày, ghi chép chi tiêu. Khi bạn biết mình đang chi tiêu bao nhiêu cho một lĩnh vực, việc cắt giảm sẽ dễ dàng hơn.

Nhớ rằng bạn không thể thay đổi những gì bạn không nhìn thấy. Vì vậy điều quan trọng là phải thực sự xem xét tiền của bạn thường xuyên để đảm bảo chi tiêu của bạn phù hợp với ngân sách và mục tiêu. 

Bạn không tối đa hóa tiềm năng kiếm tiền của mình

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 4

Andrea Woroch, chuyên gia tiêu dùng và tiết kiệm cho rằng: “Những cách để bạn có thể cắt giảm chi tiêu hàng ngày và hàng tháng của mình có hạn. Đôi khi bạn phải kiếm nhiều tiền hơn để thực sự vượt trội lên về mặt tài chính và thoát khỏi nợ nần."

Điều đó có nghĩa là nếu nguồn thu nhập duy nhất của bạn là công việc hàng ngày, bạn có thể đang chưa làm hết khả năng của mình. Như Woroch chia sẻ: “Mọi người thường hạn chế khả năng kiếm nhiều tiền hơn vì họ không suy nghĩ thấu đáo".

Giải pháp

Woroch nói: “Nếu bạn không thể yêu cầu tăng lương hoặc tìm một công việc được trả lương cao hơn thì hãy bắt tay vào một công việc phụ”. Bạn có thể làm rất nhiều công việc để gia tăng thu nhập, từ việc bán hàng online đến bán đồ ăn, sản phẩm thủ công... 

Bạn có các ưu tiên tài chính lộn xộn 

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 5

Nếu bạn không phân bổ tiền một cách khôn ngoan, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để trả nợ. Roi Tavor, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập tại Nummo, một nền tảng quản lý tài chính cá nhân cho biết: “Sai lầm phổ biến nhất khi nói đến nợ ngắn hạn (nợ thẻ tín dụng) là ai đó cho rằng mình càn đồng thời tiết kiệm và đầu tư. Đừng trì hoãn việc trả nợ với lý do mình đang tiết kiệm. 

Giải pháp

Tavor nói: “Trước khi gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm có lãi suất 1% hoặc 2%, hãy đảm bảo bạn đã trả hết các thẻ tín dụng tính phí 10% trở lên trên số tiền chưa thanh toán".

Bạn đặt ra cho mình những mục tiêu không thực tế 

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 6

Nếu bạn đã mắc nợ một thời gian, có thể bạn đang liên tục tự nhủ rằng tháng này mình sẽ trả hết nợ. Nhưng nếu số tiền bạn nợ khá lớn, mục tiêu này có thể không thực tế.

Leslie Tayne, người sáng lập công ty luật về giải pháp nợ Tayne Law Group cho biết: “Có kế hoạch trả nợ là một điểm khởi đầu tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bạn đặt mục tiêu của mình quá cao, bạn sẽ tự dẫn mình đến thất bại. Bạn sẽ dễ nản chí và thậm chí nhanh chóng bỏ cuộc."

Giải pháp

Việc bạn muốn trả hết nợ càng nhanh càng tốt là suy nghĩ tốt song giữ cho mục tiêu phù hợp sẽ giúp bạn có động lực và đi đúng hướng hơn để nhanh chóng trả hết nợ. Có nhiều phương pháp giúp bạn nhanh chóng trả hết nợ và một trong số đó là ưu tiên trả nợ theo lãi suất giảm dần, tức trả các khoản nợ từ lãi suất cao nhất đến thấp nhất cho đến khi chúng được trả hết.

Bạn không phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 7

Đôi khi có thể có một ranh giới nhỏ giữa mong muốn và nhu cầu. Giả sử TV của bạn bị hỏng và bạn cần một cái mới. Bạn đến cửa hàng và xem một chiếc TV 65 inch mới tinh, cho rằng đó chính là thứ mà mình cần.

"Chắc chắn sẽ rất tuyệt nếu có nó trong phòng khách của bạn. Nhưng bạn có cần một món đồ trị giá 2.000 đô la để giải trí không? Đặc biệt nếu bạn định mua trả góp và tổng số tiền phải trả gồm cả lãi suất đến thời điểm trả hết là 3.000 đô la?", Brandon Neth, chuyên gia tín dụng tại FinanceBuzz cho biết .

Khi ở cửa hàng điện tử, bạn có thể nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa màn hình 55 và 65 inch khi chúng được gắn ngay cạnh nhau. Tuy nhiên khi về nhà, bạn sẽ nhận ra rằng mình vẫn hoàn toàn ổn với một chiếc TV nhỏ hơn.

Giải pháp

Hãy đặt ra ngân sách cho bản thân trước khi bước vào một cửa hàng và cân nhắc đến việc mua các mặt hàng không thuộc thương hiệu đình đám.

Trọng tâm của bạn là ngắn hạn thay vì dài hạn

Bỏ ngay những thói quen này để nợ nần mãi tránh xa - 8

Nhiều người không nghĩ về lâu dài mà chỉ tập trung vào hiện tại và tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức. Nếu bạn có thường xuyên tặc lưỡi rằng món này món kia chẳng đáng là bao, lâu dần số tiền bạn chi sẽ tăng lên nhanh chóng. Mọi thứ sẽ tệ hơn khi bạn dùng thẻ tín dụng để chi trả cho những thứ không cần thiết đó. Dù bạn có thể thấy sản phẩm, dịch vụ đó hay hay, khá tiện nhưng hãy nhớ đến số tiền mình có, khả năng chi trả của mình và bạn có thể làm nhiều việc quan trọng hơn với cùng số tiền đó. 

Giải pháp

Thay đổi tư duy chi tiêu là giải pháp có thể giúp bạn. Một thứ mà chúng ta không thể có nhiều hơn chính là thời gian. Vì vậy hãy xem xét chi phí của bạn theo thời gian mà mình phải bỏ ra.

Hãy tính xem thu nhập sau khi trừ các loại thuế của bạn trong 1 giờ là bao nhiêu tiền. Sau đó mỗi khi định chi tiền cho thứ gì ngay cả 1 cốc trà sữa hay cà phê, hãy nghĩ xem liệu nó có xứng đáng với ngần ấy thời gian làm việc của mình. 

Đây là một bài tập tinh thần đặc biệt quan trọng, phát huy hiệu quả khi bạn mua sản phẩm có giá trị lớn. Đừng trì hoãn tương lai tài chính của bạn bằng cách đưa ra những quyết định bốc đồng. Hãy đặt mục tiêu cho tương lai và nhắc nhở bản thân về chúng hàng ngày. 

Lương 6 triệu vẫn sống thoải mái, có trăm triệu tiết kiệm nhờ phương pháp 6 cái lọ
Nhiều bạn trẻ loay hoay với việc tiết kiệm và cho rằng lương thấp khi mới ra trường là điều thật tệ. Với tôi, điều này đã giúp mình học được cách chi...

Bí quyết chi tiêu

Bảo Anh. (Theo GObankingrates)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu