Mỗi người sẽ có mức độ thoải mái khác nhau khi nói về cách họ tiếp cận tài chính với bạn bè, gia đình… song có một số hành vi, thói quen nhìn chung không lịch sự mà tốt nhất bạn nên sớm từ bỏ.
Tiền bạc có thể là một chủ đề nhạy cảm nên cách bạn đề cập hay sử dụng tiền khi có liên quan đến người khác cần được suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng hơn. Mỗi người sẽ có mức độ thoải mái khác nhau khi nói về cách họ tiếp cận tài chính với bạn bè, gia đình… song có một số hành vi, thói quen nhìn chung không lịch sự mà tốt nhất bạn nên sớm từ bỏ.
Hỏi ai đó đã trả bao nhiêu cho thứ mà bạn không có ý định mua
Jennifer Porter, chuyên gia về phép xã giao và là giáo viên về giao tiếp ở Seattle cho biết: “Sẽ là không lịch sự khi bạn luôn hỏi về giá của mọi thứ. Hãy nhớ, đó là thông tin cá nhân”.
Trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc này là khi bạn hỏi về giá cả của sản phẩm mà bạn đang muốn mua.
"Bạn có thể mở một cuộc trò chuyện và chia sẻ rằng bạn đang tìm hiểu, muốn mua sản phẩm X nào đó. Nếu người trò chuyện cùng bạn đã mua sản phẩm đó, bạn có thể hỏi xem họ đã mua với giá bao nhiêu", Porter nói.
Hỏi vay tiền từ bạn bè
Không ai muốn rơi vào cảnh khó khăn song nếu điều đó xảy ra, hãy nghĩ đến việc vay tiền từ ngân hàng hoặc hỏi vay từ ai đó trong gia đình bạn trước khi hỏi vay bạn bè. Theo chuyên gia giao tiếp Porter, trong trường hợp bạn không thể làm điều gì khác ngoài hỏi vay tiền bạn bè, hãy đảm bảo rằng bạn có kế hoạch trả nợ rõ ràng và đề nghị gửi họ một khoản lãi suất nhất định.
Thảo luận về tiền lương
Sẽ thật là thiếu tế nhị khi bạn hỏi ai đó đã kiếm được bao nhiêu tiền. Bạn cũng không nên chia sẻ thu nhập của mình trừ khi có lý do chính đáng để làm như vậy, ví dụ như ai đó đang tìm việc trong lĩnh vực của bạn và muốn biết mức lương thực tế. Theo Porter, câu hỏi về mức thu nhập là điều nên tránh trong giao tiếp vì chúng có thể khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Nói với ai đó rằng họ đã chi quá nhiều tiền
Việc mọi người tiêu tiền như thế nào không cần bạn phải đánh giá và phán xét. Bởi vậy, bạn không nên chê trách ai đó vì họ đã chi quá nhiều tiền vào quần áo hay ai đó đã chi quá nhiều cho món đồ chơi dành cho con cái.
“Có thể hàng xóm của bạn có rất nhiều món đồ giải trí nhưng đó không phải là việc của bạn. Mỗi người có thói quen chi tiêu khác nhau cũng như có điều kiện tài chính không giống nhau. Một số người thích tiêu tiền vào thú vui giải trí, những người khác lại thích dành cho các kỳ nghỉ, số khác nữa lại thích đầu tư cho ăn uống… Không có gì là đúng hay sai cả", Arden Clise, người sáng lập và chủ tịch của Clise Etiquette chia sẻ.
Không trả tiền cho bữa ăn mà bạn đã mời người khác
Nếu bạn chủ đồng đề nghị mời ai đó ăn tối hoặc ăn trưa, bạn nên là người thanh toán hoá đơn. Nếu bạn muốn bữa ăn đó mọi người sẽ cùng chia nhau tiền, hãy nói trước và thực hiện điều đó khi tất cả cùng đồng ý.
"Ai mời thì người đó sẽ là người thanh toán hóa đơn, trừ khi bạn đã nói trước và được người kia đồng ý chuyện chia tiền", Clise nói.
Gọi những món ăn thật đắt tiền khi biết rằng người khác sẽ chia tiền hoá đơn với mình
Có nhiều người khi biết rằng bữa ăn đó sẽ được chia tiền liền gọi những món ăn đắt đỏ cho mình để lợi hơn. Tuy nhiên điều nay không hay chút nào. Khi các bạn đã đồng ý chia tiền hoá đơn, tốt hơn bạn nên giữ cho phần đặt món của mình phù hợp với những gì bạn đồng hành của bạn đang gọi.
Clise chia sẻ: "Gọi món đắt nhất trong thực đơn hay gọi đồ uống có cồn khi người đi cùng bạn không dùng rồi sau đó đòi chia đều hoá đơn những thói quen tiền bạc thô lỗ. Điều này cũng tương tự như trường hợp bạn được người khác mời đi ăn hàng, bạn biết người đó sẽ thanh toán toàn bộ hoá đơn và bắt đầu gọi những món ăn đắt nhất mà bình thường mình không gọi cũng như các đồ uống có cồn. Nếu ai đó mời bạn và sẽ thanh toán hóa đơn, hãy gọi món có giá vừa phải và không nên gọi đồ uống có cồn trừ khi chủ bữa tiệc uống cùng bạn".
Không đóng góp công bằng khi đến buổi ăn chung
Cuối tuần hay vào các dịp lễ tết, chúng ta thường tổ chức các buổi ăn uống, tụ họp bạn bè. Sẽ thật tuyệt khi mọi người được gặp gỡ giao lưu và cùng nhau chuẩn bị cho bữa tiệc. Mỗi người sẽ mang đến những món ăn ngon của mình và góp vào để chung vui.
Tuy nhiên, tại những bữa tiệc đó lại có một số người chỉ mang vừa đủ thức ăn cho bản thân mình hoặc một món đồ nào đó với giá thật rẻ. Điều đó quả thực không lịch sự chút nào.
"Sẽ lịch sự hơn khi bạn mang thứ gì đó có giá trị và mọi người đều có thể thưởng thức. Việc chỉ đến ăn tay không hoặc chỉ mang theo một túi khoai tây chiên đều là hành động thô lỗ khi người khác mang đầy đủ các món ăn", Clise chia sẻ.
Không đề nghị trả tiền xăng khi đi nhờ xe ai đó
Vì phương tiện cá nhân gặp trục trặc hay vì tiền đường hoặc bất kỳ lý do nào khác, bạn có thể phải đi nhờ xe của người khác. Điều này là hết sức bình thường xong hãy luôn nhớ những quy tắc lịch sự tối thiểu.
Sẽ thật thô lỗ khi bạn đi nhờ ai đó trong một chuyến đi dài mà không có lấy một lời cảm ơn và đề nghị được trả tiền xăng. Với những chuyến đi ngắn hơn, nếu bạn thường xuyên đi nhờ họ thì cũng đừng quên chủ động thể hiện sự muốn chia sẻ chi phí.
Maryanne Parker, chuyên gia về giao tiếp cho rằng: “Một người nào đó đòi đi nhờ xe của bạn nhưng lại không bao giờ đưa bất kỳ khoản tiền nào để chia sẻ tiền xăng thực sự là hành động thô lỗ”.