Chiểu theo luật, vụ "con ruồi" khi chưa có thỏa thuận bồi thường chính thức thì về mặt luật pháp mà nói, chưa thể nói doanh nghiệp đã "lật kèo", phản bội giao ước, "dìm chết" khách hàng.
Kết quả giám định chai nước ngọt có nhãn hiệu Tân Hiệp Phát được Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định, được công bố vào sáng 8/2 vừa qua hầu như chưa giúp sáng tỏ sự việc.
Theo đó, thượng tá Đinh Văn Thảnh - Trưởng Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang - cho biết, chai có nhãn Number One có dấu hiệu can thiệp của con người vào phần nắp và làm cho nó bị biến dạng, cụ thể là có dấu tác động theo chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, do công cụ sắc nhọn tạo ra. Bên trong chai nước có xác ruồi không còn nguyên vẹn.
Thế nhưng, điều mà dư luận mong muốn được biết không đơn giản như vậy. Họ cần biết: chai nước ngọt mang nhãn Number One của hãng Tân Hiệp Phát là quả thực bị lỗi (có ruồi), hay đây là sản phẩm ngụy tạo? Nếu sản phẩm có lỗi thật thì lô hàng đó đã được tung ra thị trường chưa? Bao nhiêu chai? Ở thị trường nào? Đã được thu hồi hay chưa? Người phát hiện hay lỡ sử dụng rồi sẽ được bồi thường thế nào?
Đó là mong muốn chính đáng của người tiêu dùng để tránh gặp phải sản phẩm bị khuyết tật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc khả năng sinh lợi (nếu là đại lý, đối tác bán hàng... của Tân Hiệp Phát).
Rất tiếc những thắc mắc trên chưa được làm rõ. Do vậy, vụ việc "chai nước có ruồi" quay sang gây xôn xao dư luận theo một chiều hướng khác: cách hành xử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng/đối tác bán hàng.
Trong suốt một tuần, dư luận vẫn hết sức nóng bỏng và tựu trung chia thành hai luồng khác nhau về bản chất: một bên lên án hành động của ông Minh, cho rằng đó là hành vi tống tiền doanh nghiệp và ủng hộ sự cương quyết không thỏa hiệp của Tân Hiệp Phát. Bên kia cho rằng Tân Hiệp Phát bẫy người đưa vào tù, là hành động vô đạo đức, đồng thời dẫn chứng các vụ người tiêu dùng/tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị Tân Hiệp Phát "gài bẫy" để đưa vào tù thời gian qua, qua đó kết luận đại ý Tân Hiệp Phát không có thiện ý sửa lỗi khi sản phẩm bị lỗi. Các sai lỗi khác trong quá khứ của công ty này cũng được mang ra để chứng minh như việc phát hiện kho nguyên liệu có lô hàng quá hạn, ý nói công ty đã có lỗi hệ thống từ lâu, từ đó kết luận hàng hóa của họ dĩ nhiên có chất lượng không đúng với nhãn hiệu.
Ý kiến nói trên theo tôi mang nặng tính suy diễn cảm tính, thiếu cơ sở. Bởi vì pháp luật có nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần, một sai lỗi trong quá khứ không thể được mang ra để chứng minh hiện tại, vì sai lỗi đó đã được phát hiện trong quá khứ và đã bị xử phạt trong quá khứ. Nếu muốn chứng minh họ vẫn tiếp tục sai thì phải đưa ra các chứng cứ hiện tại mới là đúng đắn. Còn uy tín của nhà sản xuất lại là câu chuyện khác.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Việt Nam có hẳn một bộ luật bảo vệ người tiêu dùng, có Luật chất lượng hàng hóa, trong đó quy định rất rõ các trình tự, quyền lợi, nghĩa vụ... của người tiêu dùng (hoặc tổ chức/cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như ông Minh), có hẳn một bộ máy Hội bảo vệ người tiêu dùng các cấp. Thế nhưng mỗi khi có chuyện liên quan đến người tiêu dùng thì hầu như tổ chức này lại là người biết cuối cùng.
Cách đây nhiều năm, tôi đến trụ sở của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ở TP HCM nhiều ngày để chờ gặp người khiếu nại về chất lượng hàng hóa. Trong thời gian đó tôi lục sổ ghi chép các trường hợp người tiêu dùng đến đây nhờ cậy. Than ôi, tôi chẳng gặp một người tiêu dùng nào đến khiếu nại cả. Còn trong sổ, số vụ khiếu nại ít đến lạ lùng, đến phản cảm khi đối chiếu với thực tế vô vàn trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm... người tiêu dùng gặp phải.
Con ruồi trong chai nước ngọt Number One của Tân Hiệp Phát.
Dĩ nhiên, câu hỏi phải đặt ra là người tiêu dùng của ta không biết luật, không biết đến sự hiện diện của tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ, hay họ không thèm để ý đến vì chúng quá thiếu hiệu quả?
Từ quan sát thực tế, theo tôi có cả hai lý do.
Việc hoàn thiện các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, đó là việc của Nhà nước, tôi xin không đề cập đến. Còn về việc phải nắm được luật trong một chừng mực đủ để khi cần thì tra cứu nó nhằm bước đầu tự bảo vệ mình, tôi cho rằng đó là nghĩa vụ tối thiểu của một công dân biết đọc, biết viết.
Quay lại với vụ chai nước có ruồi, một điểm mấu chốt đang được tranh cãi là THP đã thỏa thuận bồi thường cho ông Minh, qua đó thừa nhận sản phẩm của họ có lỗi. Phải thừa nhận rằng mới nhìn qua thì lý luận này rất chặt chẽ. Thế nhưng luật pháp lại quy định khác.
Theo hướng dẫn về xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 (nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ người tiêu dùng) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường hàng hóa khuyết tật nói riêng phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: (I) Phải có thiệt hại xảy ra; (II) Phải có hành vi trái pháp luật; (III) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; và (IV) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Nghĩa là, do chưa chứng minh được chai nước có ruồi là ngụy tạo hay sản phẩm khuyết tật của THP thật, chưa chứng minh được hành vi trái pháp luật (tức là quy trình sản xuất của THP để cho con ruồi lọt vào hoặc đã có sẵn trong chai hay không), chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật (tức giả sử quy trình sản xuất của THP có làm ra chai nước có ruồi thật, thì đây có phải chính là chai nước đó hay không.
Doanh nghiệp sản xuất nào cũng sản xuất ra rất nhiều đơn vị sản phẩm và phải lưu sản phẩm theo từng lô trong một thời gian quy định để đối chiếu với sản phẩm bán ra thị trường. Trên mỗi sản phẩm đều có các thông số kỹ thuật cho phép lập lại quy trình sản xuất của từng sản phẩm một. Do vậy, giả sử có chai nước của Tân Hiệp Phát có ruồi thật, nhưng nếu sau khi tra lại quy trình và phát hiện chai nước đó vẫn chưa được tung ra thị trường thì họ cũng không phải bồi thường, vì chưa gây ra thiệt hại).
Dĩ nhiên điều này cũng không dễ vì số lượng sản phẩm tung ra thị trường rất lớn, chính vì vậy mà kết quả giám định phải chi tiết hơn rất nhiều.
Yếu tố cuối cùng là phải có lỗi, điều này thì khá rõ ràng.
Căn cứ theo quy định trên, khi yếu tố đầu tiên là có vi phạm hay không vẫn chưa được kết luận rõ ràng (hiện Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Sở Y tế Bình Dương thanh tra điều kiện an toàn thực phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát) thì chưa thể nói các biên bản cuộc gặp giữa Công ty Tân Hiệp Phát với ông Minh chính là thỏa thuận bồi thường.
Chưa có thỏa thuận bồi thường chính thức thì về mặt luật pháp mà nói, chưa thể nói họ đã "lật kèo", phản bội giao ước, "dìm chết" khách hàng. Điều này có thể gây trái tai vì người Việt thường vẫn đặt chữ tình lên trên chữ lý nên dễ cảm thấy "bị tổn thương" khi cho rằng doanh nghiệp này bẫy đối tác vào tù. Nhưng luật là luật!
Một khía cạnh khác được dư luận quan tâm là nếu đúng chai nước của Tân Hiệp Phát là sản phẩm khuyết tật (tức là có vi phạm) thì Tân Hiệp Phát và ông Minh có thể thỏa thuận bồi thường không? Bao nhiêu?
Đây chính là khía cạnh thiết thực nhất của sự kiện nói trên do sự phổ biến của hành vi này trong thực tế, nhưng tiếc thay, luật pháp hiện tại lại quy định thiếu rõ ràng.
Có ít nhất ba bộ luật điều chỉnh hành vi này. Thứ nhất, theo Bộ luật Dân sự (khoản 3 điều 422), mức phạt vi phạm do hai bên tự thỏa thuận. Nếu hiểu theo cách này thì khoản tiền 500 triệu đồng mà ông Minh yêu cầu là không sai.
Nhưng Luật thương mại lại quy định khác. Tại khoản 2, điều 302, Luật thương mại quy định mức bồi thường cụ thể gồm "giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm" và "không quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm".
Còn tại mục 2, chương V của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng thì mức bồi thường cũng theo các bên thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài.
Cụ thể hơn, người sản xuất phải bồi thường bốn khoản như sau: Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Nếu căn cứ vào hai bộ luật trên thì vụ việc bồi thường có thể hình dung như sau: ông Minh trước tiên phải bồi thường cho khách hàng đã trả tiền mua chai nước nghi là có khuyết tật. Sau đó, ông tiếp tục thỏa thuận với Công ty Tân Hiệp Phát và có thể được bồi thường theo đúng bốn khoản như nêu trên. Tuy nhiên, do chưa có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe (chai nước chưa được sử dụng) nên khoản bồi thường này ông sẽ không được nhận.
Và có thể nhận xét mà không sợ cách quá xa sự thật là, tổng giá trị bồi thường của ba khoản còn lại cho một chai nước sẽ hết sức cách biệt với con số 500 triệu đồng.
Tóm lại, quy định không thống nhất giữa các bộ luật hiện hành khiến cho việc xác định bồi thường cụ thể thật khó có thể nói rõ khi vụ việc chưa ra đến tòa án. Song, thực tế xét xử cho thấy chỉ có những con số hợp lý mới là con số khả thi.
Trong những trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, cách mà những nền pháp luật tiên tiến hơn Việt Nam vẫn sử dụng là thỏa thuận theo đúng pháp luật, hoặc chọn giao việc đó cho tòa án xét xử. Trong khi thỏa thuận, người bị thiệt hại còn nên chủ động mời trọng tài là các cơ quan báo chí, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng... hỗ trợ cho mình.
Việc báo chí thông báo về hàng hóa khuyết tật là để bảo vệ người tiêu dùng rộng rãi, cũng như giúp nhà sản xuất kịp thời sửa chữa, thu hồi sản phẩm bị lỗi. Báo chí tử tế không bao giờ tự hạ mình làm công cụ để che đậy, tiếp tay cho những hành vi mang hơi hướng đe dọa kiểu nếu không đáp ứng yêu cầu, "đổi lấy sự im lặng" thì sẽ "loa" lên cho báo chí biết. Điều đó vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản nhất của báo chí là trung thực và bảo vệ xã hội.