Vì thà tranh cãi về em Huyền Chip, còn hơn là cứ nhắc đến em Tưng, đến Andrea, đến cái cậu Yanbi…
Ai đó nói trên facebook: “Giờ con người ta rảnh thật”, rảnh nên cứ thích áp đặt ý kiến các nhân, thích làm “anh hùng bàn phím”, thích “ném đá” tranh cãi với nhau trên facebook. Thôi cũng chẳng sao, facebook vốn là chỗ để đưa ra ý kiến cá nhân, mà đã là ý kiến cá nhân, mỗi người một kiểu, chẳng ai có quyền bắt người khác phải suy nghĩ giống mình.
Những ngày gần đây, nhân vật hot trên các status facebook là em Huyền Chip, nữ tác giả của cuốn sách “Đừng chết ở châu Phi”, ghi lại hành trình của em đến nhiều nước trên thế giới. Lí do gây tranh cãi là liệu em có thực sự đi đến được 25 nước, với số tiền khởi điểm là 700 đô. Em đi chui, lao động bất hợp pháp, em xin visa bằng cách “ăn vạ”. Liệu hành trình của em có có thật hay không…?, rất nhiều câu hỏi nghi vấn. Cũng phải thôi, chúng ta đang sống với quá nhiều những sự hoài nghi, và khi một người có thể (hoặc không) làm được một điều tưởng như không thể thì luôn được chú ý nhiều.
Cá nhân tôi chẳng đưa ra phán xét nào cả. Tôi chỉ nghĩ rằng: thà cứ tranh cãi về em Huyền Chip đi, còn hơn là cứ nhắc đến em Tưng, đến cô người mẫu Andrea, đến cái cậu Yanbi, đến những cô người mẫu, hot-girl xì-căng-đan lộ hàng đi kèm những tuyên bố quái chiêu, quái dị, vớ vẩn khác, đến cái cậu người mẫu trẻ mổ thẩm mĩ cho giống Lý Hùng và cặp kè với một bà già 60 tuổi nhăn nheo nhằn nhèo.
Ít ra, em Huyền là một thanh niên dũng cảm. Rằng có xách ba-lô lên vai, và lên đường, mới thực sự hiểu được cảm giác trải nghiệm những cung đường, những vùng miền mới là tuyệt vời như thế nào. (ảnh internet)
Vì sao? Vì ít ra, em Huyền là một thanh niên dũng cảm. Rằng có xách ba-lô lên vai, và lên đường, mới thực sự hiểu được cảm giác trải nghiệm những cung đường, những vùng miền mới là tuyệt vời như thế nào. Những bài học bổ ích, giúp chúng ta trưởng thành, luôn ở ngoài kia, bên ngoài cánh cửa. Hãy cứ xách ba-lô lên và đi, còn hơn ngồi ru rú một xó, tự kỉ với cái bàn phím là bên mạng làm anh hùng chém gió. Em Huyền, ít ra còn mang đến cho những bạn trẻ cùng thế hệ em cái khát vọng lên đường, khát vọng khám phá thế giới và khám phá chính bản thân mình. Tất nhiên, cuộc sống không phải màu hồng và mọi thứ không hề dễ dàng.
Hãy cứ nói đến em Huyền, còn hơn là nhao nhao lên nhắc đến em Tưng. Em Tưng đã mang đến những cái gì? Toàn những hình ảnh lộ hàng, những phát ngôn gây sốc, và còn không biết các chiêu gì em sẽ bày ra sau đây. Có thể con người em ấy không thế, nhưng em ấy đã thành một thứ con rối cho người ta giật dây. Em là thứ “sản phẩm”, là nạn nhân của một e-kíp muốn tạo ra một thứ gọi là “hiện tượng bà Tưng”.
Em Huyền Chip, và những điều em ấy làm, có gây tranh cãi, nhưng theo tôi, còn có tính giáo dục thanh niên hơn vô số những cái nhân vật sô bít, sô chậu khác. (ảnh internet)
Hãy cứ nói đến em Huyền, còn hơn việc hình ảnh một cô người mẫu và một cậu ca sĩ trẻ, đánh nhau, kéo áo dứt tóc nhau, sỉ vả nhau trên hè phố, và ngay hôm sau, lại diễn một trò như trò hề là lại cười phớ lớ bên nhau. Hãy cứ nói đến em Huyền, còn hơn nhắc đến một cậu ca sĩ đã vi phạm luật giao thông, bị lực lượng 141 xử lí, vẫn còn buông lời thách thức bất cần đời.
Hãy cứ nhắc đến em Huyền, còn hơn nhắc đến một cậu mang danh người mẫu trẻ mà chỉ nổi bằng duy nhất một cách khoe những hình ảnh nhí nhố bên một người phụ nữ sắp bằng tuổi bà nội cậu ta.
Em Huyền Chip, và những điều em ấy làm, có gây tranh cãi, nhưng theo tôi, còn có tính giáo dục thanh niên hơn vô số những cái nhân vật sô bít, sô chậu khác. Hãy cứ tranh cãi về em ấy đi, các bạn trẻ.