Cuộc đời ngắn lắm, hãy nói lời yêu thương

Ngày 29/10/2015 10:24 AM (GMT+7)

Rất tiếc, khi tâm hồn được nghỉ ngơi, ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp, nhưng áo cơm rồi sẽ cuốn ta đi với những chật vật lo toan.

Buổi sáng một ngày thu đầu tuần có lẽ sẽ đẹp nếu như trên facebook không hiện lên dòng chia sẻ của một người bạn báo tin về một cái chết. Đó là một anh chàng tôi chưa từng gặp mặt, anh ra đi ở tuổi còn rất trẻ và đương nhiên ở tuổi ấy người ta có nhiều điều dang dở ở lại.

“Ai rồi cũng sẽ chết, chỉ là không thực sự sống thôi”, đó là lời của nhân vật hiệp sĩ William Wallace trong bộ phim “Trái tim dũng cảm” trước giây phút cận kề cái chết của mình.

Người ta có thể tiên liệu được nhiều thứ, tiên liệu được tương lai, tiên liệu được hậu quả của những lửa chọn sai lầm…nhưng mấy ai tiên liệu được cái chết.

Hiệp sĩ William Wallace ai rồi cũng sẽ chết, cái chết đó với ông là điều cận kề đang đến, còn chúng ta, chúng ta vẫn đang sống với thực tại sinh động của mình. Nhưng liệu đó có phải là cuộc sống với đầy đủ nghĩa của nó không, hay đơn giản đó chỉ là một sự tồn tại trên cõi nhân gian mà thôi?

Nhà văn Y Ban trong cuốn “Sống ở đời biết khi nào ta khôn?” trong truyện ngắn Bệnh thận của mình, có kể về một giáo sư nghiên cứu về bệnh thận và ông vẫn thường nói với sinh viên của mình một câu chuyện về một cậu con trai có mẹ bị bệnh thận. “Một buổi sáng, cậu tỉnh dậy hơi trễ, cậu sợ đến trường muộn, vì vậy cậu đã không rẽ vào chào mẹ, cũng là để hỏi thăm mẹ thế nào. Đến chiều, cậu đi học về. Cậu vào phòng của mẹ. Mẹ đã chết từ lâu mà không ai biết, đến nỗi chuột đã ăn hết cả môi mẹ”, vị giáo sư trong truyện ngắn kể lại.

“Có nhiều điều mà sai lầm của chúng ta có thể sữa chữa được, nhưng có những yêu thương chúng ta không bao giờ có thể trao nó cho người đáng được nhận yêu thương…”, tôi đã viết như thế trong một bài báo của mình.

Cuộc đời ngắn lắm, hãy nói lời yêu thương - 1

Tôi và chúng ta đã bao giờ tự thức tỉnh, ngủ dậy sau một cơn ngủ sâu và tự nhủ: Hôm nay ta sẽ nói một lời yêu thương cho một người yêu thương. (Ảnh minh họa)

Chúng ta thường có thói quen đong hạnh phúc của mình bằng bất hạnh của người khác, đong giá trị sự sống của mình bằng cái chết của người khác, nhưng có những lúc ta chỉ nhìn nhận nó như một sự may mắn nhất thời mà không chuyển hóa cuộc sống bản thân thành một hành động có giá trị.

Marco Van Aggele là một doanh nhân và là nhà đầu tư người Hà Lan. Trong hành trình du ngoạn nhiều nước trên thế giới, ông đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân để phát triển sự nghiệp và cuộc sống gia đình gần 10 năm qua. Công việc bận rộn ở Việt Nam khiến ông không thể thường xuyên bay về Hà Lan thăm gia đình và gia đình bố mẹ vợ ở Columbia hay tạo cơ hội cho hai con ở bên cạnh ông bà nhiều hơn vì khoảng cách địa lý.

Một ngày năm 2011, trong chuyến đi đến Cuba cùng với vợ, do thời tiết xấu, máy bay của ông rung lắc dữ dội khiến tất cả hành khách vô cùng hoảng sợ. Khi cận kề giữa sống và chết, ông nghĩ đến các con mình, đứa con gái 3 tuổi và đứa con trai khoảng 1 tuổi đang ở cùng ông bà ở Columbia.

“Các con tôi còn quá nhỏ. Nếu có chuyện gì xảy đến với tôi, các con sẽ không biết cha mẹ đã yêu thương chúng nhiều đến nhường nào. Liệu lớn lên, các con có còn nhớ hay biết được tình yêu của cha mẹ. Tôi cũng lo bố mẹ gia đình ở hai bên, một ở Hà Lan, một ở Columbia cũng ít khi gặp nhau, nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, làm sao để hai gia đình có thể gắn kết với nhau và nhất là các con tôi. Tôi cũng lo công việc và các cộng sự ở Việt Nam. Tôi nhận ra rằng mỗi người đã để cuộc đời mình bị chi phối bởi nhiều việc, khiến chúng ta lơ đãng những người thân thuộc nhất với mình. Có quá nhiều khoảng cách giữa người thân trong gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái – và chúng ta mặc nhiên xem đó là điều đương nhiên”, Marco Van Aggele nhớ lại.

May mắn với ông, cái chết đã buông bỏ người đàn ông vẫn còn dang dở nhiều yêu thương. Cái gợn sóng sinh mệnh ấy đã thức tỉnh ông và ông bắt tay xây dựng một không gian trên mạng có tên là Lief, với phiên bản website www.lief.com và ứng dụng Lief.

Ông hi vọng đây là nơi ai cũng có thể sẻ chia và lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa cùng người thân, và chia sẻ ngay ở cả hiện tại và tương lai. Không gian này sẽ đóng vai trò là cầu nối giúp tất cả những người thân yêu thêm gần gũi và yêu thương nhau hơn.

Marco Van Aggele ít nhất đã nói được lời yêu thương của mình bằng một cách như thế, nhưng tôi và chúng ta đã bao giờ tự thức tỉnh, ngủ dậy sau một cơn ngủ sâu và tự nhủ: Hôm nay ta sẽ nói một lời yêu thương cho một người yêu thương.

Rất tiếc, khi tâm hồn được nghỉ ngơi ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp, nhưng áo cơm rồi sẽ cuốn ta đi với những chật vật lo toan. May mắn làm sao, tôi có câu chữ để nói lời yêu thương.

Thịnh Hồ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện