Sống bên những người luôn thích kìm kẹp, buộc tội người nhà, năng lượng của bạn sẽ ngày càng tiêu hao, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng.
Gia đình là nơi yêu thương và là nơi trú ẩn an toàn của mỗi người trên thế giới này. Gia đình là ngôi nhà của tâm hồn, là bến cảng của hạnh phúc và là thiên đường về tinh thần cho mỗi chúng ta. Khi các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc, có thể coi nhau là chỗ dựa, quan tâm, động viên và hỗ trợ lẫn nhau, trái tim mỗi người sẽ tràn đầy sức mạnh và họ có thể dũng cảm vượt qua khó khăn.
Ngược lại, nếu trong gia đình có một người mang đầy năng lượng tiêu cực, luôn chỉ trích, đàn áp các thành viên trong gia đình, bắt mọi người phải tuân theo mệnh lệnh của mình, không cho phép người khác có những ý kiến khác biệt thì gia đình đó sẽ ngày càng trở nên khó khăn, như chiến trường dù không có tiếng súng.
Điều đáng buồn nhất của một gia đình không phải là nghèo khó mà là tình trạng kìm kẹp người thân. Gia đình còn gặp khó khăn không quan trọng bởi chỉ cần các thành viên đều thực tế và sẵn sàng làm việc chăm chỉ thì mọi việc đều có thể.
Trong xã hội này, muốn tiến xa hơn, bạn cần có đủ năng lượng để đối phó với mọi khó khăn bất ngờ trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người luôn thích chỉ trích, giỏi tạo ra mâu thuẫn nội bộ thì những mâu thuẫn nhỏ nhặt sẽ bị phóng đại lên, khiến gia đình trở nên hỗn loạn, bất an; kết quả là các thành viên trong gia đình rơi vào trạng thái bất hòa, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng.
Các thành viên kìm kẹp trong gia đình mang những đặc điểm sau:
1. Mong muốn kiểm soát mạnh mẽ
Trong mắt người đó, ý thức trật tự quan trọng hơn bất cứ điều gì khác và tổ ấm phải nằm trong lòng bàn tay họ. Mọi việc từ sắp xếp đồ đạc đến mua đồ, nấu nướng đều phải theo sự hướng dẫn của họ. Một khi có điều gì không vừa ý, người này sẽ nổi cơn thịnh nộ và mắng nhiếc người nhà đã làm sai.
Người như vậy có thể làm ầm ĩ những vấn đề dù là bình thường nhất, như hàng tạp hóa quá đắt, lũ trẻ không cất giày gọn gàng mỗi khi về nhà... Họ thậm chí muốn cả thế giới biết rằng người thân phải nằm trong sự kiểm soát của họ.
2. Trút những cảm xúc tiêu cực lên người nhà
Thành viên kìm kẹp người thân rất thích trút những cảm xúc tiêu cực vào chính mái ấm của họ. Dù là công việc không suôn sẻ, trên đường gặp vấn đề giao thông hay sai lầm nhỏ ở quầy tính tiền siêu thị... họ đều sẽ trút những thất vọng, bất mãn và bi quan về cuộc sống lên người nhà của mình. Ngay khi đặt chân về nhà, họ đã tỏa ra năng lượng tiêu cực, không ngừng phàn nàn và hoàn toàn phớt lờ cảm xúc của bạn.
Nhưng trước mặt người ngoài, họ lại thường cư xử rất lịch sự, nhiệt tình, biết điều và tích cực. Họ thực sự truyền đi những cảm xúc tốt đẹp của mình cho người ngoài và vứt bỏ mọi cảm xúc tiêu cực ở nhà, giống như một người hai mặt.
Người này rất giỏi đổ lỗi trong nhà và làm hài lòng ngoài ngõ. Khác với sự điềm đạm và tích cực bên ngoài, khi về nhà họ không ngại đổ "rác" lên người nhà, khiến người thân bị tiêu hao năng lượng. Cuối cùng, các thành viên trong gia đình đều kiệt sức vì sự tiêu hao nội tâm của người này.
3. Thích lôi lại chuyện cũ
Việc buộc tội các thành viên trong gia đình là cách tốt nhất với họ để giải quyết chuyện cũ. Dù nhiều chuyện đã qua lâu, thỉnh thoảng họ sẽ khơi lại và chỉ trích bạn; khi cãi nhau, họ sẽ càng khiến chuyện cũ trở nên nghiêm trọng hơn.
“Nếu bạn nghe lời tôi thì mọi chuyện đã không như thế này” là câu nói ưa thích của những người như vậy. Họ nhớ lại những chuyện cũ của mấy tháng trước, thậm chí mấy năm trước một cách rõ ràng, đến từng chi tiết, mặc cho thời gian trôi qua vẫn giữ nguyên cảm xúc.
4. Thiếu khoan dung với các thành viên trong gia đình
Người kìm kẹp, luôn đổ lỗi cho người thân trong gia đình thiếu bao dung với chính người nhà. Họ cho rằng đã là người thân của mình thì phải xuất sắc, phải có thành tích tốt, phải là gương mặt tỏa sáng.
Nếu con cái học hành không tốt, họ sẽ không ngừng chỉ trích, mắng mỏ không thương tiếc; nếu bạn đời mắc lỗi hay hoàn thành việc gì đó không chu toàn, họ sẽ mỉa mai và hoàn toàn không nhìn thấy sự đóng góp bấy lâu nay của đối phương dành cho gia đình.
Không ai trên đời này là hoàn hảo.
Sự trưởng thành cần có thời gian, người vợ cần nhận được sự quan tâm và yêu thương, người chồng cần nhận được sự tôn trọng và động viên, cha mẹ cần nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ.
Những người chuyên kìm kẹp, đổ lỗi cho người nhà hoàn toàn không để tâm đến điều này. Họ không biết ơn cha mẹ; chỉ phê bình, ức hiếp con cái; thường kén chọn, khó khăn với bạn đời nhưng lại rất bao dung với bản thân. Ở cùng một nhà với người như vậy, năng lượng của bạn sẽ dần bị tiêu hao, khó tập trung vào việc học và việc làm; theo thời gian, điểm số và thành tích sẽ sa sút, khó có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc.
Một thành viên buộc tội xuất hiện trong ngôi nhà có thể nói là khởi đầu của thảm họa. Sống bên cạnh người như vậy đủ lâu, bạn sẽ dần có sự tương đồng với họ, dễ mất kiểm soát cảm xúc và trở thành người giống họ. Từ góc độ tâm lý học, việc buộc tội mọi người thực chất là biểu hiện của sự thiếu thốn tình yêu thương trong lòng. Điều này có thể bắt nguồn từ gia đình ban đầu của họ.
Với những người như vậy, cách tốt nhất là tránh xa bởi con người dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Nếu có thể thì tránh xa về mặt không gian là tốt nhất, nhưng thực tế khó thực hiện nên bạn cần giữ khoảng cách về mặt tinh thần.
Trước hết, bạn phải giữ cho mình trái tim mạnh mẽ, đừng để tâm đến lời nói của họ. Hãy cố gắng giữ những lời nói tiêu cực đó vào tai trái rồi ra tai phải. Sau đó, học cách khẳng định bản thân, chấp nhận bản thân, đánh giá cao bản thân và không ngừng hoàn thiện mình.
Đừng quên kết bạn nhiều hơn với những người tích cực, để được lan tỏa năng lượng tích cực. Hãy dành thời gian để thưởng cho mình những bài nhạc hay, đọc nhiều hơn và nghiên cứu nhiều hơn, xây dựng lại thế giới nội tâm phong phú của mình.
Với những thành viên gia đình thích buộc tội, sẽ tốt hơn khi bạn lựa chọn im lặng, tránh xung đột trực tiếp. Đừng cố chứng tỏ bản thân khi bạn bị hiểu lầm. Dù sao đó cũng là người thân, là gia đình của bạn nên hãy khéo léo làm những gì phù hợp nhất.