Cách ly xã hội, người dân hạn chế ra ngoài, làm việc ở nhà trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên bên cạnh việc có nhiều thời gian để chăm sóc con cái, gia đình hơn là những tình huống dở khóc dở cười với nhân vật mang tên "hàng xóm".
Khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nước ta đã và đang thực hiện cách ly xã hội. Người dân tham gia khai báo y tế tự nguyện, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, khi buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Các công ty không sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng tạo điều kiện cho nhân viên làm việc ở nhà để đảm bảo an toàn. Khoảng thời gian này cũng là lúc trên mạng xã hội có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười về nhân vật có tên "hàng xóm".
Người người karaoke, nhà nhà karaoke
Chị Nguyễn Thanh Hường (26 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ: "Thời gian này công ty mình cho làm việc ở nhà và may mắn là lĩnh vực mình làm việc không chịu ảnh hưởng nhiều của dịch nên thu nhập vẫn ổn định. Ở nhà đồng nghĩa với việc mình có thời gian để chăm sóc con cái, gia đình hơn song cũng là lúc phát sinh những chuyện dở khóc dở cười.
Chuyện là trưa hôm đó, khi mình vừa nhón chân ra đóng cửa để con ngủ thì tiếng nhạc nhà hàng xóm phát lên inh ỏi. Thằng bé đang ngủ thì giật mình khóc ré, bác hàng xóm đã U60 vẫn miệt mài "Phận là con gái, chưa một lần yêu ai". Lúc đó đang bực mà nghe thấy bác cất giọng lên mình đã phì cười".
Chuyện luyện giọng mùa dịch trở nên rất phổ biến ở khắp các gia đình. Dạo một vòng qua các trang mạng xã hội, rất dễ bắt gặp những tâm sự phiền não khi bị hàng xóm làm phiền.
Trở thành "khán giả bất đắc dĩ" là nỗi niềm của không ít người khi hàng xóm "luyện thanh" bất chấp giờ giấc.
Anh Nam Khánh (Đống Đa, Hà Nội) bực bội kể: "Cách nhà mình 2 nhà có một gia đình rất thích chơi loa. Ừ thì cách ly xã hội, ở nhà càng đa dạng hoạt động thì càng đỡ cuồng chân cuồng tay, thế nhưng làm phiền đến người khác thế này thì thật sự là không chịu được".
Anh Khánh kể, trước đây anh thường đi bộ đi làm để tập thể dục, nay làm việc ở nhà nên anh thường dậy sớm hơn để tập rồi còn tranh thủ giúp vợ làm bữa sáng. Tuy nhiên gần đây vì tiếng loa nhà hàng xóm mà anh thậm chí không cần đặt chuông đồng hồ.
"Cứ 6 rưỡi sáng là bên nhà đó bắt đầu "luyện thanh". Dòng nhạc thì vô cùng đa dạng, từ nhạc trữ tình, dân ca đến nhạc trẻ. Ban đầu là các giọng ca lớn, đến giờ muộn hơn thì có giọng ca nhí cùng tham gia. Mỗi người hát một tông, đoạn nào khó quá thì đọc. Có lần mình cũng nói ý tứ thì họ bảo đó là quyền của họ, họ hát ở nhà họ mà".
Cùng chung nỗi niềm phải nghe "liveshow của hàng xóm", nhiều người cũng than thở ngay trên trang cá nhân của mình với nội dung hết sức bi hài. Vẫn biết làm theo sở thích là quyền của mỗi người song để việc của mình làm ảnh hưởng đến người khác thì là không nên phải không.
Không ít người cùng chung cảnh ngộ, phải thưởng thức "liveshow" của hàng xóm.
"Hàng xóm nhà mình uống rượu đến say khướt rồi lè nhè hát: "Xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em". Xin lỗi gì mà ngày này qua ngày khác vẫn say rồi xin lỗi thế không biết".
"Có ai bất mãn với giọng ca nhà hàng xóm như mình không? Cứ "vùng lá me bay" mà bay từ sáng đến bây giờ vẫn chưa hết".
"1 giờ trưa rồi vẫn "Cho con gánh mẹ một lần". Trưa rồi không cho mẹ ngủ mà cứ đòi gánh đi đâu không biết nữa!".
Mỗi người một cổng, tám chuyện cho đỡ nhớ
Nhiều người vẫn hay đùa nhau, các bà hàng xóm chính là những "người đưa tin" thực thụ với tốc độ lan truyền tin siêu nhanh. Khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tiếp xúc gần, hội "các bà tám" đã rất sáng tạo nghĩ ra cách để vừa có thể nói chuyện với nhau, vừa an toàn trong mùa dịch.
Thay vì túm năm tụm ba, các bà hàng xóm chọn cách "lập chốt" mỗi người một cổng, vừa đeo khẩu trang vừa say mê kể chuyện. Có người còn chu đáo mang cả ghế ra để ngồi lâu cho đỡ đau chân.
Để đảm bảo an toàn, nhiều người chọn cách nói chuyện đứng cách nhau trên 2 mét.
Cô Trương Thanh Hiền (52 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa cười vừa kể: "Giờ chỉ ở nhà thôi nên cô cũng nhớ mọi người lắm. Ở khu cô, cách mấy hôm là mấy chị em lại "họp hội". Bọn cô ngồi ở cửa nhà mình thôi, đều cách nhau phải 3-4 mét, ai nấy đều đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Nhiều lúc nhìn nhau mà cũng thấy buồn cười".
Trên mạng xã hội, những bức hình chụp cảnh các "bà tám" mùa dịch thu hút được rất nhiều sự quan tâm cũng như thích thú của mọi người.
"Đúng là không gì ngăn cản được đam mê. Dù phải đứng cách nhau vài ba mét, đeo khẩu trang nhưng vẫn không ngăn được tinh thần tám chuyện".
"Buôn kiểu này chắc không thể nói xấu được đâu nhỉ. Thế thì lộ hết!".
Tình người ấm áp hơn bao giờ hết
Hai vợ chồng đều làm việc cho công ty nước ngoài, cường độ làm việc cao mà nhà lại có con nhỏ nên chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn cách thuê người giúp việc. Tuy nhiên sau Tết, khi bác giúp việc chưa kịp lên vì bận việc thì dịch diễn biến phức tạp hơn nên bác xin vợ chồng chị cho bác nghỉ việc luôn. Vừa làm việc ở nhà vừa trông con, chị Hương cảm thấy rất áp lực những ngày đầu.
"Con mình mới 3 tuổi, rất hiếu động và đang ở độ tuổi khủng hoảng, nhiều lúc khó bảo. Những ngày đầu mình cũng stress lắm nhưng giờ thì mọi chuyện đã đâu vào đấy. Nếu như trước đây, ở chung cư hầu như mình chỉ biết mọi người chứ không quen thân ai, đi qua chỉ chào nhau thì giờ đây mọi người thân thiết với nhau hơn, giúp đỡ nhau rất nhiều", chị Hương kể.
Vì chưa quen với việc vắng người giúp việc, vừa làm việc vừa trông con nên chị Hương không tránh khỏi những phen nhớ nhớ quên quên. Lúc đi chợ mua chất kín tủ rồi thì đến bữa mới phát hiện nhà hết gạo. Chỉ một tin nhắn vào trong nhóm, chị đã được hàng xóm tặng ngay một túi gạo để trước cửa nhà.
Những lời động viên, sự giúp đỡ nhau trong mùa dịch khiến tình người trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
Không chỉ ở chung cư của chị Hương mà ở rất nhiều nơi, các nhóm chat nội bộ trong chung cư trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Mọi người thành lập các hội để giúp đỡ những trường hợp khó khăn, chị em giúp nhau cùng chống dịch.
"Đợt cách ly xã hội này, mọi người hạn chế tiếp xúc gần song tôi thấy tình người mùa dịch trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Đó là sự giúp đỡ nhau mỗi khi khó khăn, lời động viên nhau cùng cố gắng", chị Hương xúc động kể.