Một cuộc ly hôn tốn thời gian hay giấy mực, thường liên quan đến những thứ chúng ta còn nuối tiếc chưa muốn trả để kết thúc cho nhanh hơn, gọn hơn. Người ta thường mắc kẹt và làm khổ nhau ở chính chỗ này: ràng buộc thì muốn cắt đứt, nhưng quyền lợi thì chưa nỡ buông!
“Nhiều người nói rằng: “Ly thân rồi thích làm gì thì làm vì đâu còn tình cảm nữa". Tôi cứ băn khoăn mãi, chẳng biết như thế là đúng hay là sai? Băn khoăn chán chê thì rốt cuộc, tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi chỉ biết một điều rằng: cưới xin có thể là sự gắn kết của hai trái tim yêu nhau, có thể là một bữa tiệc thật lãng mạn hay hoành tráng nhưng đăng kí kết hôn lại là sự cam kết về mặt quyền lợi lẫn trách nhiệm giữa hai cá nhân trưởng thành.
Khi người ta lựa chọn kết hôn, rõ ràng là họ làm vì điều đó mang lại một lợi ích nào đó cho bản thân. Lợi ích đó có thể là có được người mà mình yêu thương, lợi ích đó có thể là sở hữu một gia đình ổn định nơi mà con cái mình sẽ được bảo đảm nhiều quyền lợi về tinh thần rồi cả vật chất nữa, quyền lợi đó đôi khi còn là sự đồng sở hữu những giá trị hữu hình (như của cải, tài sản) hay vô hình (như danh tiếng, hình ảnh, địa vị xã hội). Nói chung là mỗi nhà mỗi cảnh. Thậm chí, ngay cả khi một ai đó quyết định lấy một người nghèo khó, xấu xí, vụng về thì chí ít, người đó vẫn khiến họ yêu, họ vui, hoặc mang lại cho họ một cảm xúc nào đó đủ để khiến họ muốn gắn bó cả đời, đó cũng là một thứ quyền lợi chứ sao!
Thế còn khi li hôn thì sao? Thì đó lại là câu chuyện của trách nhiệm. Lúc quyết định gắn bó với nhau, chúng ta nhìn vào những thứ ta sẽ được, vậy thì khi cắt đứt sợi dây ràng buộc đó, chúng ta cũng phải nhìn vào và chấp nhận những thứ ta sẽ mất chứ.
Giống như kết hôn, ly hôn không phải câu chuyện chỉ liên quan đến tình cảm. Một cuộc ly hôn tốn thời gian hay giấy mực, thường liên quan đến những thứ chúng ta còn nuối tiếc chưa muốn trả để kết thúc cho nhanh hơn, gọn hơn. Đó có thể là con cái, là tài sản, là cái nhà này, cái xe kia, với những người giàu thì có lẽ còn là cổ phần, là quyền sở hữu các doanh nghiệp hay thứ gì đó chỉ họ mới biết. Người ta thường mắc kẹt và làm khổ nhau ở chính chỗ này: ràng buộc thì muốn cắt đứt, nhưng quyền lợi thì chưa nỡ buông!
Có người gay gắt nói rằng "Thế nếu như một cuộc li hôn dây dưa vài năm thì anh ta cũng phải “giữ thân” vài năm à, hay cô ta cũng phải thủ tiết vài năm à?". Thực tế thì đúng như vậy. Đó chính là cái giá chúng ta phải trả và chúng ta nên biết mình có thể phải trả khi ký vào tờ giấy đăng kí kết hôn.
Bởi mới nói, đó là chuyện trọng đại cả đời người, trọng đại đâu phải chỉ ở cái tình, mà còn ở cái lí nữa. Khi hưởng những quyền lợi từ hôn nhân đâu mấy ai kêu ca, phàn nàn. Vậy thì khi trả giá cho ly hôn cũng vậy, chúng ta cũng nên bớt oán trách lại.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng, theo chủ quan của tôi, thuận tình ly hôn rồi thì có thể gặp gỡ người khác trong thời gian chờ đợi tờ giấy sau cùng của toà án không? Tôi thì tôi nghĩ không nên, bởi vì điều đó phạm pháp, thế thôi! Tôi là người sợ luật nên cứ cái gì sai luật thì tôi rén, không dám xúi bẩy.
Nhưng nếu giả sử, cả hai bên đều vui vẻ chúc người kia tìm được hạnh phúc mới đi chăng nữa thì cũng hãy tém tém cái hạnh phúc mới đấy lại, đừng phô trương nó quá. Bởi vì ít nhất giữa bạn và "hạnh phúc cũ" kia vẫn còn tí ti ràng buộc mà. Bởi vì ít nhất bạn vẫn đang còn hưởng một chút xíu gì đó quyền lợi từ cuộc hôn nhân đang trên đà kết thúc đó mà. Bởi vì dù cho bạn bè, gia đình, con cái đều biết hai bạn không đi chung đường nữa nhưng vẫn còn nhiều người khác chưa biết. Khi những người khác đấy thấy bạn phô trương bên "hạnh phúc mới" thì họ vẫn ít nhiều xì xào và tỏ vẻ thương hại cho "hạnh phúc cũ" mà.
Suy cho cùng, lòng dạ, tâm tính của con người, đặc biệt là những người đang đứng trước ngưỡng cửa của ly hôn khó nói, khó đoán lắm. Thế nên tôi chẳng mấy khi dám phán xét họ. Có điều, có những thứ trên đời không có đúng sai, chỉ có nên hay không nên, hợp lý hay không hợp lý mà thôi. Tôi thì luôn nghĩ rằng: nếu có thể thì con người đừng nên làm đau nhau, nhất là những người đã từng thương, và cả những người dù chỉ đứng về mặt lí trí cũng chưa hoàn toàn cũ!”
Tác giả Kim Oanh.
Tác giả của những dòng chia sẻ trên là nhà văn Kim Oanh, người thích chia sẻ quan điểm của mình về phụ nữ, tình yêu, hôn nhân gia đình được đông đảo độc giả yêu thích. Những chia sẻ của cô mang đến cái nhìn đa chiều hơn về hôn nhân và về tình yêu, để người ta có thể thấy được góc khuất nào đó mà người trong cuộc đang bị che lấp đi bởi những bộn bề, tình cảm rối ren.
Hôn nhân không phải chuyện thích là đến, không thích thì rời đi như chưa từng có gì. Khi tờ hôn thú còn hiệu lực, chưa có bản tuyên cho ly hôn của toà án, xin đừng ngộ nhận rằng mình đã là người độc thân. Luật pháp không chấp nhận hành vi ngoại tình khi tờ giấy đăng ký kết hôn vẫn còn giá trị.