Khi tranh cãi, người khôn ngoan luôn biết cách tránh xa 7 câu nói này

Nguyễn Hường - Ngày 19/06/2021 18:58 PM (GMT+7)

Dưới đây là 7 câu nói mà theo các chuyên gia trị liệu tâm lý thì bạn không bao giờ nên thốt ra khi tranh cãi với đối tác, bạn bè, thành viên gia đình hay bất kỳ ai khác.

1. "Bạn không bao giờ..." hoặc "Bạn luôn..."

Khi tranh cãi, người khôn ngoan luôn biết cách tránh xa 7 câu nói này - 1

Những cụm từ chỉ tất cả hoặc không có gì thường là sự phóng đại và được sử dụng khá phổ biến trong các cuộc tranh cãi. Và thường thì chúng không chính xác (ví dụ như: “Anh không bao giờ lắng nghe em cả!”).

Câu nói này dễ khiến đối phương bỏ lỡ thông điệp mà bạn muốn nói ở đoạn sau và tập trung vào việc chứng minh rằng bạn đã sai. Cuộc tranh luận sẽ ngày càng lớn hơn và không đến đâu cả.

"Thay vào đó, hãy cụ thể và khách quan về những gì đang làm bạn bận tâm. Bắt đầu câu nói với “Tôi” và bám sát sự thật. Ví dụ: “Em cảm thấy tổn thương và bị coi thường khi hôm qua anh lờ đi, không giúp đỡ lúc đồng nghiệp của em đến chơi. Lần tới khi có khách, em rất muốn cả hai cùng làm việc”, Tara Griffith, chuyên gia tư vấn hôn nhân, người sáng lập Wellspace SF chia sẻ.

2. "Bạn đang hành xử giống hệt mẹ/bố của bạn"

Winifred M. Reilly, chuyên gia tư vấn hôn nhân, tác giả của cuốn “It Takes One to Tango” chia sẻ rằng: “Việc bạn nói rằng đối phương đang hành xử giống cha mẹ, anh chị em hay người thân nào đó của họ thực sự tệ. Động thái này khiến căng thẳng không dừng lại ở vấn đề đang vướng mắc mà là bạn đang tấn công thẳng vào đối phương. Ai đó có thể hành xử giống người thân của mình nhưng đó không phải là vấn đề.”

3. "Tôi sẽ nói chuyện với bạn khi bạn còn vô lý thế”

Khi tranh cãi, người khôn ngoan luôn biết cách tránh xa 7 câu nói này - 2

Đây thực sự không phải là một câu nên nói. Nó gây tổn thương đối phương nhiều hơn là chuyển tải thông điệp cần thời gian chờ đợi.

Theo các chuyên gia, khi các cuộc tranh đến đoạn cao trào, dành thời gian chờ để cortisol và adrenaline lắng xuống (trong khoảng 20 phút) là một ý tưởng hay. Bạn sẽ thấy mình bình tĩnh hơn và nhận ra mọi thứ không thực sự tệ như mình đã tưởng.

4. "Ok! Chúng ta chấm dứt! Tôi đi, được chưa!”

Người ta nói rằng: “Lời nói không là dao mà cắt lòng đau nói; Lời nói không là khói mà nghe mắt cay cay”. Đừng vô tâm nói ra những lời khiến bạn có thể phải hối tiếc sau này. Đe dọa rằng ai đó bị bỏ rơi có lẽ là điều tổn thương nhất mà bạn có thể nói hoặc làm đối với người thương của mình, đặc biệt nếu bạn thực sự không cố ý.

Khi cảm thấy căng thẳng, hãy tìm cho mình không gian riêng để hạ nhiệt và bình tĩnh hơn để suy nghĩ. Về cơ bản, câu nói trên mang hàm ý rằng: “Anh/em không còn yêu em/anh nữa và sự lựa chọn của anh/em là ra đi”. Những lời nói này dễ hủy hoại lòng tin, khiến đối phương tổn thương và tạo ra những vết sẹo khó có thể lành theo năm tháng.

Theo Sheri Meyers, chuyên gia tư vấn hôn nhân, thay vì la hét, bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi để bình tĩnh hơn tập trung và lấy lại sự cân bằng trong mình. Hãy nói với đối phương rằng bạn sẽ quay lại sau. Khi đó cả hai đều đã bình tĩnh hơn và biết rằng mình nên làm gì để giải quyết vấn đề.

5. “Đúng là đồ…”

Khi tranh cãi, người khôn ngoan luôn biết cách tránh xa 7 câu nói này - 3

Theo Gina Delucca, nhà tâm lý học lâm sàng tại Wellspace SF: "Không hề có tính xây dựng khi bạn gọi tên hoặc sử dụng bất kỳ loại ngôn ngữ nào thể hiện sự hạ thấp hay xúc phạm. Những loại lăng mạ này thường được sử dụng như một cách để thể hiện sự tức giận và khiến người khác cảm thấy tồi tệ. Song chúng có thể phá hỏng mối quan hệ của bạn, khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì những cảm xúc, lời nói tiêu cực của chính mình trước đó. Hãy cố gắng tập trung vào vấn đề hoặc hành động cụ thể mà người đó khiến bạn tổn thương thay vì tìm cách tấn công họ”.

6. "Tại sao có thể chuyện bé xé ra to như vậy?”

Câu nói này khá phổ biến, được nhiều người sử dụng trong các cuộc tranh cãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì dù xuất phát với ý tưởng gì, câu nói này cũng như thể bạn đang bảo đối phương vì sao lại cáu trong khi chẳng có gì đáng để cáu. Trong hầu hết các trường hợp, điều này sẽ chỉ đổ thêm xăng vào lửa. Khi một người có tâm trạng tệ, điều chúng ta muốn là được lắng nghe và thấu hiểu, không phải người khác nói rằng chúng ta đang cư xử lố bịch hoặc phản ứng thái quá. Sẽ tốt hơn khi bạn hỏi người ấy rằng: “Sao bạn lại khó chịu vì điều đó?".

7. "Đừng có lại như thế!”

Bất cứ cách nói nào gửi đi thông điệp rằng quan điểm của đối phương là vô lý, phản ứng của họ thật sai lầm đều là điều không nên có trong một cuộc tranh cãi. Những câu nói như: “Thật nực cười", "Bạn chắc là đang điên rồi", "Bình tĩnh, bạn đang phản ứng thái quá đấy!" như nói với đối phương rằng: "Này! Chắc chắn đang có điều gì đó không ổn với bạn. Tôi không tôn trọng những gì bạn nói đâu và tôi cũng không sẵn sàng lắng nghe, giao tiếp hay thay đổi bất cứ điều gì”.

Tất nhiên, mỗi cuộc cãi vã, tranh luận khó có thể tránh khỏi không khí căng thẳng. Việc bạn muốn cắt đứt nhanh chóng mọi thứ chỉ sau vài câu nói cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên nói ra những câu tương tự thế này thực sự là cách chắc chắn sẽ biến một cuộc tranh cãi từ tồi tệ thành tồi tệ hơn.

Thay vào đó, hãy thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau. Hãy để cho đối phương cảm nhận được rằng bạn thiện chí. Theo chuyên gia Meyers, bạn có thể nói rằng: “Hãy cho tôi biết thêm về cảm giác của bạn và lý do vì sao bạn cảm thấy tệ. Tôi thực sự muốn hiểu. Chúng ta hãy cùng nhau tìm cách giải quyết bởi chúng ta là một đội."

Không phải xin lỗi, đây mới là cách ứng xử khôn ngoan hơn trong 8 tình huống này
Nhiều người thường sử dụng câu nói "xin lỗi" như một cách nói lịch sự. Tuy nhiên sự thật là trong nhiều tình huống, lời xin lỗi không giúp mọi chuyện...
Nguyễn Hường (Theo Huffpost)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh