Thông tin về việc HĐND tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỉ đồng là một tin “thật không thể tin nổi”.
Không thể tin nổi bởi đó là một con số lớn trong bối cảnh mà nói như ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch là đất nước đang phải thắt lưng buộc bụng, không thể tin nổi khi đồng bào Quảng Ninh đang phải oằn mình chống lũ dữ và không thể tin nổi khi Quỹ Cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng đang phải nỗ lực làm một việc giản đơn đó là đưa vào bữa ăn của trẻ em nghèo vùng cao những miếng thịt, thứ vẫn còn là xa xỉ với những công dân nhí quanh năm đối mặt với sự thiếu thốn từ cơm ăn đến áo mặc.
GS Ngô Bảo Châu cũng phải thốt lên rằng: “Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Trong nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La, cũng như trong một số phát biểu gần đây của lãnh đạo tỉnh, đều nhấn mạnh đến yếu tố “xuất phát từ tình cảm của nhân dân các tỉnh Tây Bắc đối với Bác”.
Nói đến tình cảm của nhân dân với Bác thì không chỉ riêng nhân dân các tỉnh Tây Bắc mà ở đâu trên đất nước ta đó là một tình cảm hiển nhiên, có thật. Nhưng một trong những điều nhân dân yêu kính Bác đó chính là bởi đức tính giản dị, cầm kiệm, liêm chính của người.
Tỉnh Sơn La vừa thông qua Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại TP. Sơn La với tổng vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng. (ảnh minh họa)
Bác từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước(…) Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”.
Sơn La cũng như cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, lãnh đạo tỉnh Sơn La chắc chắn cũng từng đi nói ở đâu đó, vận động người dân, các đơn vị thực hiện cuộc vận động đó bằng những việc làm thiết thực, nhưng như Bác đã chỉ ra, muốn dân bắt chước mình phải tiết kiệm trước đã, Tỉnh xây tượng đài ngàn tỉ, không biết dân nên bắt chước như thế nào.
Mỗi công trình, tượng đài hay bảo tàng đều có những ý nghĩa riêng của nó, thực tế trên thế giới nhiều tượng đài đã trở thành biểu tượng bất hủ gắn với vùng miền đất nước, nhưng xây ở đâu, xây lúc nào, kinh phí ra sao lại là một chuyện khác. Hơn nữa, tính thẩm mỹ cũng cần phải được đề cao.
Dễ thấy, ở ta thiếu những công trình tượng đài nghệ thuật, thiên nhiều hơn về tượng đài danh nhân, lịch sử. Điều đó cần đề giáo dục, nhắc nhớ cho thế hệ sau, nhưng đồng bào nhân dân sẽ nhớ hơn nhiều nếu như những tình cảm đó được cụ thể hóa bằng những gì có ích cho dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đồng bào, nhân dân Tây Bắc phần lớn ở những nơi địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, dù giao thông gần đây có được phát triển, nhiều điểm được thông suốt, nhưng việc người dân “cả đời chưa ra đi qua khỏi quả núi bản mình”, suốt ngày phải đối mặt với thiên tai và lo cơm ăn, áo mặc liệu có thể lặn lội đến Sơn La để chiêm ngắm tượng Bác, để bày tỏ “tình cảm của nhân dân đối với Bác hay không ?”.
Nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ “Bác ơi !” có viết:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…
Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu chắc đã nói hộ tâm trạng của nhiều người.