Kịch tính hành trình lên làm hoàng đế của Võ Tắc Thiên

Ngày 23/02/2016 09:23 AM (GMT+7)

Trong những năm huy hoàng nhất của triều đại nhà Đường, có một người phụ nữ đã làm trái lại những nguyên tắc xã hội và đứng lên cai trị toàn thiên hạ. Bà chính là Võ Tắc Thiên.

Nho giáo là một tín ngưỡng cực kì trọng nam khinh nữ. Sinh một đứa con trai được cho là có, sinh mười đứa con gái cũng bị xem như không (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Bên cạnh đó người phụ nữ còn bị xem là bẩn thỉu, ngu ngốc và phải chịu tam tòng tứ đức, không bao giờ có được quyền quản lý hay đứng đầu. Tuy nhiên, trong những năm huy hoàng nhất của triều đại nhà Đường, đã có một người đã làm trái lại những nguyên tắc xã hội và đứng lên cai trị toàn thiên hạ.

Bà là Võ Tắc Thiên, người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã cai trị quốc gia này với vai trò như một hoàng đế. Đối với một số người, bà là một người độc tài, tàn nhẫn trong việc thỏa mãn mong muốn của mình để đạt được và duy trì quyền lực. Tuy nhiên, nếu đứng từ một góc độ khác, thì những gì mà bà đã làm cũng không hề khác biệt với những thủ đoạn tàn nhẫn của các vị hoàng đế là nam khác trong xuyên suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa. Vì sao khi đàn ông dùng những thủ đoạn tàn độc để bảo vệ ngai vàng thì được tung hô vạn tuế, còn người phụ nữ lại bị xem là thâm độc và bạo tàn? Đó chính là vì thành kiến của xã hội. Tuy có rất nhiều sự phản đối của cánh mày râu trước sự cai trị của Võ Tắc Thiên, thế nhưng họ không thể nào phủ nhận rằng dưới sự cai trị của bà, đất nước Trung Hoa đã có một giai đoạn khá dài sống trong hòa bình và phát triển văn hóa vô cùng đa dạng.

Triều đại nhà Đường (618-906 TCN) là khoảng thời gian mà phụ nữ được phép hoạt động tương đối tự do hơn hẳn so với các thời kì trước. Họ không bị bắt buộc phải làm theo tục “bó chân” và cũng ít bị phụ thuộc vào nam giới như trước. Trong giai đoạn này, đã có khá nhiều người phụ nữ có những đóng góp đặc biệt vào sự phát triển của văn hóa và chính trị.

Kịch tính hành trình lên làm hoàng đế của Võ Tắc Thiên - 1

Tuy nhiên, cuộc tình đẹp đẽ mặn nồng của họ không kéo dài được lâu. Sau khi lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu được 5 năm, hoàng đế Cao Tông đột nhiên bị đột quỵ và liệt toàn thân.
(Ảnh minh họa)

Võ Tắc Thiên (hay còn được gọi là Võ Chiếu, Võ Mị Nương) là một phụ nữ được sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có. Gia đình quyền quý và xã hội đương thời không quá khắt khe đã khiến cho bà được dạy các loại nhạc cụ, viết và đọc những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Vào năm 13 tuổi, bà đã trở nên nổi tiếng với sự hóm hỉnh thông minh và tài sắc vẹn toàn của mình. Vì thế bà đã nhanh chóng được tuyển vào hậu cung của hoàng đế Đường Thái Tông và sớm trở thành một trong những người vợ lẽ mà vua hết lòng yêu quí. Tuy nhiên, bi kịch bắt đầu khi ngay cả con trai của vua là Đường Cao Tông cũng bắt đầu trở nên mê đắm nhan sắc của Võ Tắc Thiên.

Sau cái chết của Thái Tông hoàng đế, bà bị ép phải xuất gia tại chùa Cảm Nghiệp. Khi Đường Cao Tông lên ngôi, ông nhớ lại mối duyên tinh lén lút vụng trộm ngày trước và tìm cách cho rước bà về cung. Cuối cùng, bất chấp sự phản đối của toàn thiên hạ, Cao Tông lập Võ Tắc Thiên làm Chiêu Nghi.

Lúc này, Võ Tắc Thiên đã 27 tuổi. Bà nhanh chóng trở thành người thiếp yêu của Cao Tông và hạ sinh cho ông ta đứa con trai đầu tiên (trưởng nam). Là mẹ của Thái tử, bà trở nên vô cùng quyền lực.

Bằng cách sử dụng nhiều tâm kế và mưu mô chốn hậu cung, bà đã hãm hại những người vợ khác của Đường Cao Tông là Dương hoàng hậu và Tiêu thục phi cho tới chết. Võ Tắc Thiên cáo buộc Dương hoàng hậu đã giết đứa con gái vừa mới sinh của mình. Cao Tông tin bà và phế truất Dương hậu, chính thức đưa Võ Tắc Thiên lên làm vợ chính. Thậm chí, bà còn được Cao Tông cho ngồi cùng ngai vàng để bàn luận việc nước với quần thần. Sử sách gọi là “Nhị Thánh”, một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Tuy nhiên, cuộc tình đẹp đẽ mặn nồng của họ không kéo dài được lâu. Sau khi lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu được 5 năm, hoàng đế Cao Tông đột nhiên bị đột quỵ và liệt toàn thân. Trong thời gian này, Võ Tắc Thiên ngay lập tức chiếm quyền của Bộ nội các, nắm toàn bộ quyền hành của đất nước. Bà đã tạo ra một lực lượng cảnh vệ mật chuyên do thám và sát hại những kẻ đối nghịch với mình, bao gồm cả các đại thần như Bùi Viêm, Từ Kính Nghiệp, Việt Vương Lý Trinh. Khi Cao Tông băng hà, bà đã dùng mưu phế truất người con trai cả là Đường Trung Tông để đưa con trai thứ là Đường Duệ Tông lên làm Hoàng Đế nhằm tiện bề thao túng.

Kịch tính hành trình lên làm hoàng đế của Võ Tắc Thiên - 2

Võ Tắc Thiên cũng làm giảm bớt quy mô của quân đội và giảm bớt sức ảnh hưởng của giới quý tộc. (Ảnh minh họa)

Võ Tắc Thiên bắt đầu áp dụng hàng loạt các chính sách khác nhau để chống lại Nho giáo và nâng cao vị thế của phụ nữ. Cô đã buộc các học giả trong cung viết về tiểu sử của những người phụ nữ nổi tiếng và đem đi phổ biến khắp nơi. Cùng với đó, bà cũng tăng cường quyền lực cho gia tộc mình bằng cách cho người thân có được địa vị cao trong triều đình. Bà cũng buộc các đại thần thoái lui, tách dần quyền lực khỏi nam giới và thiết lập những bước nền tảng để hình thành một triều đại mới. Võ Tắc Thiên cho rằng, người cai trị lý tưởng phải giống như một người mẹ chăm sóc thương yêu cho con dân của mình.

Vào năm 690, Võ Tắc Thiên ép Đường Duệ Tông nhường ngôi và chính thức tuyên phong bản thân trở thành Hoàng Đế, lập ra triều đại Võ Chu. Mặc dù dùng nhiều thủ đoạn tàn nhẫn để có được danh vọng và quyền lực, nhưng thực tế cho thấy bà là người có tài lãnh đạo đất nước. Các đại thần dưới quyền của bà đều là những người tài giỏi và đáng tin cậy.

Võ Tắc Thiên cũng làm giảm bớt quy mô của quân đội và giảm bớt sức ảnh hưởng của giới quý tộc. Mọi người đều phải tự mình cạnh tranh để được làm quan bằng cách tham gia các kì thi. Võ Tắc Thiên cũng thực hiện những chính sách công bằng cho nông dân, nâng cao sản xuất nông nghiệp và xây dựng thêm các công trình công cộng.

Trong thời gian trị vì, Võ Tắc Thiên đã đưa Phật giáo trở thành quốc giáo. Bà đã mời các phật tử xuất sắc nhất từ các nơi khác về Trung Quốc và cho xây dựng nhiều công trình phật giáo vĩ đại. Dưới triều đại của bà, Phật giáo đã phát triển tới đỉnh cao.

Khi Võ Tắc Thiên già đi, bà đã giảm bớt quyền lực của lực lượng cảnh vệ ngầm và trở nên mê tín, tôn sùng thuật phù thủy và những nịnh thần. Cuối cùng, vào năm 705, bà đã bị ép phải từ bỏ ngai vàng để Đường Trung Tông được lên ngôi. Sau đó, Võ Tắc Thiên đã chết già trong cung một cách bình yên trong cùng năm đó. 

Phan Thanh/Theo womeninworldhistory
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật