Làm sao để chi tiêu một cách hợp lý là thách thức đối với rất nhiều người, không chỉ với lớp trẻ. Bạn luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và sống tiết kiệm nhưng cuối tháng ví vẫn xẹp lép và không hiểu tiền của mình đã đi đâu? Có thể bạn đã mắc phải 4 sai lầm tưởng chừng là tiết kiệm sau đây.
Ngừng tiêu dùng
Thoạt nghe, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là cách đơn giản nhất để tiết kiệm. Tuy nhiên, việc chi tiền vào khoản nào và không chi tiền vào khoản nào hoàn toàn cần đến lý trí, có dự tính trước. Việt bạn ngừng chi tiền vào một khoản cần thiết có thể làm tăng thêm các khoản phí phát sinh về lâu dài.
Hãy dừng chi tiền vào những thứ không cần thiết như tự chuẩn bị đồ uống thay vì hàng ngày đều mua trà sữa, cà phê ở hàng. Song bạn không nên dừng tiêu tiền vào những thứ có tính phòng ngừa và nền tảng ví dụ như tiền chăm sóc sức khoẻ.
Bạn có thể nghĩ rằng hôm nay mình sẽ tiết kiệm được tiền khi không đi kiểm tra sức khoẻ dù thấy cơ thể có vấn đề. Đây là sai lầm rất phổ biến với những người trẻ bởi sức khoẻ của bạn ít khi xảy ra nhiều vấn đề ở tuổi 20-30 và bạn cho rằng cách tiết kiệm nhanh nhất bây giờ lại loại bỏ việc khám chữa.
Nếu như bạn không chăm sóc sức khoẻ khi còn trẻ, bạn sẽ giống như một chiếc xe phơi ngoài mưa gió, để cho gỉ sét ăn mòn. Việc tưởng chừng là tiết kiệm đó có thể khiến bạn mất cả khoản lớn sau này. Chủ động giữ gìn sức khoẻ giúp bạn sống lâu hơn và tránh được những khoản chữa bệnh lớn trong tương lai.
Và tất nhiên, việc sửa chữa nó cực kỳ tốn kém.Bạn sẽ tiết kiệm được tiền hôm nay bằng việc không đến nha sĩ kiểm tra răng, nhưng nếu điều đó dẫn đến bệnh về răng miệng, tiết kiệm hóa ra lại đẻ ra chi phí lâu dài.
Cần đảm bảo rằng bạn vẫn có những cuộc kiểm tra định kỳ và xử lý, khắc phục ngay khi phát hiện những sự cố nhỏ nhất. Việc này sẽ giúp bạn không phải bỏ một khoản lớn cho những chi phí sửa chữa về sau.
Mua đồ vì giá rẻ, không nghĩ đến giá trị sử dụng
Khi đi mua một món đồ gì đó, bạn sẽ cân nhắc đến điều gì đầu tiên? Đối với suy nghĩ của rất nhiều người, giá cả là thứ khiến họ quyết định có mua mặt hàng đó hay không. Họ nghĩ rằng mua đồ giá rẻ chính là cách để tiết kiệm hiệu quả.
Song sự thật lại không phải vậy. Bạn tìm cách săn lùng những món đồ giá rẻ mà không cân nhắc đến giá trị sử dụng của nó. Chìa khóa thực sự của việc tiết kiệm là học cách mua sản phẩm có giá trị tốt nhất. Mua những món đồ rẻ mà chỉ dùng được trong thời gian ngắn, nhanh chóng hỏng hóc, phải sửa chữa hay thậm chí là thay mới sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc bạn mua sản phẩm "đắt xắt ra miếng".
Một cái máy điều hoà giá 10 triệu có thể thu hút nhiều người mua hơn chiếc khác chất lượng tốt hơn và có giá 15 triệu. Tuy nhiên ngay trong 1-2 năm đầu sử dụng, chiếc điều hoà giá 10 triệu đã gặp phải hỏng hóc và lượng điện năng tiêu thụ nhiều hơn 30% so với chiếc điều hoà giá 15 triệu sử dụng công nghệ mới.
Giờ thì bạn đã biết mình phải cân nhắc đến điều gì khi cần lựa chọn sản phẩm rồi chứ. Giá bán chỉ là một trong những điều bạn cần quan tâm bên cạnh tuổi thọ, chế độ bảo hành... Học cách xem xét giá trị thay vì giá bán sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền về lâu dài.
Tiết kiệm những gì còn sót lại
Hôm nay là thứ Sáu và bạn vừa được nhận lương. Đây là ngày bạn mong chờ cả tuần nay rồi. Bạn quyết định rẽ vào một siêu thị gần nhà để mua chút đồ cho gia đình và "tiện tay" nhặt vài thứ hay ho khác. Chỉ một loáng sau, bạn đã thấy xe hàng của mình đầy.
Tiếp tục đi đến khu vực thời trang, bạn bỗng thấy chiếc váy mới rất đẹp, chiếc áo sơ mi cũng rất phù hợp với chồng mình và nhiều thứ khác. Cuối cùng, bạn đã tiêu mất một khoản lớn trong số lương vừa nhận được dù không cần thiết đến những sản phẩm đó.
Sau khi chi tiêu các khoản, bạn quyết định tiết kiệm phần còn lại. Đây thực sự là một sai lầm trong việc tiết kiệm mà bạn nên từ bỏ càng sớm càng tốt. Nó sẽ khiến bạn nhầm lẫn về sự an toàn và khiến bạn chi tiêu nhiều hơn thực sự cần thiết.
Hãy hoạch định trước kế hoạch chi tiêu cho bản thân mình và thực hiện ngay khi có bất cứ khoản thu nhập nào. Có nhiều phương pháp bạn có thể chọn như 6 cái lọ, 50/20/30 hay dùng sổ Kakeibo của người Nhật... Lên kế hoạch trước về số tiền bạn cần tiết kiệm và chi tiêu một cách hợp lý theo thứ tự ưu tiên.
Bỏ qua những khoản tiền nhỏ nhặt
Bạn có kế hoạch tiết kiệm hàng tháng và dành riêng ra một khoản khi vừa lấy lương. Thế nhưng chưa đến cuối tháng, bạn đã tiêu hết số tiền được tiêu và quyết định "mượn" một chút từ khoản tiền tiết kiệm kia. Bạn nghĩ rằng những đồng tiền mình chi ra đều hợp lý dù bản thân không thể nhớ nổi tiền của mình đi đâu mà nhanh hết đến vậy.
Đó là bởi bạn lên kế hoạch cho tiền ăn, tiền nhà, tiền điện hay tiền học cho con mà bỏ qua những khoản tiền nhỏ phát sinh thường xuyên. Đó có thể là những món đồ ăn vặt bạn mua vì thấy hay hay, một vài đồ chơi, trang trí nhà bạn chất lên xe hàng trong siêu thị mà giờ vẫn chưa dùng đến... Những khoản tưởng nhỏ đó hoàn toàn có thể ngốn mất một phần lớn trong chi tiêu hàng tháng của bạn.
Hãy để một cuốn sổ nhỏ trong túi hoặc trong xe của bạn và học thói quen ghi chép sau khi chi tiêu. Tập một tuần rồi đến một tháng ghi lại hết các khoản chi tiêu từ những khoản nhỏ nhất, bạn sẽ biết mỗi tháng mình chi tiền cho những khoản gì, mỗi khoản là bao nhiêu và nhận ra liệu mình có đang sai lầm trong khoản chi tiêu nào đó. Việc này sẽ giúp bạn cân đối lại việc chi tiêu, bỏ tiền ra một cách hợp lý và biết chính xác đồng tiền của mình đi đâu.