Lý Chiêu Hoàng mất ngôi hậu vì muộn con?

Ngày 27/03/2013 08:03 AM (GMT+7)

Lý Chiêu Hoàng là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà tên thật là Lý Phật Kim, được phong là Chiêu Thánh công chúa.

Với mưu đồ lật đổ nhà Lý và đưa nhà Trần lên thay, Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông xuống chiếu lập Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng Thái tử và nhường ngôi cho con vào năm 1224. Nhờ đó, Lý Chiêu Hoàng trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhưng cũng do âm mưu của Trần Thủ Độ, sau một năm bà phải nhường ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh – một người cháu họ của Trần Thủ Độ, lúc bấy giờ mới 8 tuổi.

Chuyện vợ nhường ngôi cho chồng chưa từng có trong lịch sử, nhưng thực ra theo quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng” của xã hội phong kiến, chuyện này cũng không có gì là bất hợp lý. Bi kịch là cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng vẫn chưa được an bài ở đó, bà thậm chí còn không thể giữ được ngôi hoàng hậu. Vốn là sau hơn 10 năm lấy chồng, Lý Chiêu Hoàng vẫn chưa sinh nở, nên Thái sư Trần Thủ Độ sợ vua không có người nối dõi, bèn ra lệnh phế truất bà và tìm cho vua một hoàng hậu khác.

Lý Chiêu Hoàng mất ngôi hậu vì muộn con? - 1
Bà tự giam mình vào lãnh cung và có nhiều lúc muốn tự vẫn. (ảnh minh họa)

Dĩ nhiên việc này cũng nằm trong ý đồ xây dựng nhà Trần vững chắc của Trần Thủ Độ. Người được chọn làm hoàng hậu thay cho Lý Chiêu Hoàng chính là chị dâu của vua - công chúa Thuận Thiên. Lúc đó, Thuận Thiên đã mang thai với chồng là Trần Liễu (Hoài Vương Liễu) được 3 tháng.

Vừa mất chồng, lại còn mất ngôi hoàng hậu, bị giáng xuống ngang hàng công chúa, Lý Chiêu Hoàng đã rơi vào tình cảnh vô cũng bẽ bàng và đau đớn. Bà tự giam mình vào lãnh cung và có nhiều lúc muốn tự vẫn. 

Đáng thương hơn, năm 1257, Lý Chiêu Hoàng còn bị ép gả cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) như một phần thưởng đền ơn vì Lê Tần có công lớn trong việc đánh đuổi quân Nguyên trong cuộc xâm lược đất nước ta lần thứ nhất.

Lý Chiêu Hoàng mất ngôi hậu vì muộn con? - 2
Vừa mất chồng, lại còn mất ngôi hoàng hậu, bị giáng xuống ngang hàng công chúa, Lý Chiêu Hoàng đã rơi vào tình cảnh vô cũng bẽ bàng và đau đớn. (ảnh minh họa)

Lúc bấy giờ Lý Chiêu Hoàng đã 40 tuổi, và ở cuộc hôn nhân lần thứ hai này, cũng do nhà Trần sắp đặt, bà đã sinh cho chồng được hai người con: con trai là Lê Tông, sau được phong tước Thượng Vị hầu, và con gái là Ngọc Khuê, sau được phong là Ứng Thụy công chúa.

Có thể nói, dù từng nắm trong tay những vị trí cao nhất của một đất nước, 1 năm làm vua, hơn 10 năm làm hoàng hậu, nhưng Lý Chiêu Hoàng cũng không thể tự quyết định được tình yêu và số mệnh của mình. Cả hai lần bà đều lấy chồng theo sự sắp đặt của người khác. Nhưng ở lần thứ hai, Lý Chiêu Hoàng đã tìm được sự giải phóng và hạnh phúc thực sự, cao quý hơn chính là thiên chức làm mẹ của mình.

Phải chăng bi kịch đáng thương của Lý Chiêu Hoàng chính là bằng chứng chân thực và sâu sắc nhất cho thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vì bất kỳ người phụ nữ nào cũng không có quyền yêu, và chọn người yêu cho mình?

Sử Minh (Theo KP)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời