Với lý do rất đơn giản, đó là cháu nội của bà nên bà có quyền làm thế.
Tôi và anh lấy nhau được 5 năm. Vì hai vợ chồng tính sinh luôn một thể để đỡ vất vả thế nên chúng tôi đã có hai cháu. Tết năm nay là cái Tết thứ 5 năm ở nhà chồng, dù có chút vất vả nhưng tôi đã quen rồi. Mấy năm dù nhà mẹ đẻ không xa nhưng cũng chỉ về tranh thủ trong ngày được một ít hoặc ngày hóa vàng, còn những ngày khác có muốn cũng không về được.
Bố mẹ chồng tôi làm công chức nên quan khách rất đông. Người đến nhà chúc Tết cũng nhiều, tiệc tùng thì hàng ngày. Nhưng đó cũng là chuyện cũ, tôi đã quen với những việc phục vụ như thế này suốt mấy năm làm dâu mà không một lời cằn nhằn. Mẹ chồng tôi tính tình tương đối khó, có cái gì không hay không phải mẹ nói ngay, trước cả mặt khách quan mẹ lại càng muốn phê phán con cái để cho thiên hạ thấy mẹ biết dạy con như thế nào. Nên nhiều lần, tôi bị mẹ mắng xơi xơi mà vẫn không dám hé răng nửa lời. Chẳng phải tôi nhịn nhục mà nghĩ rằng, con cái nên nghe bố mẹ trước đã dù bố mẹ có sai. Sau đó thì từ từ phân tích để bố mẹ hiểu mình hơn.
Mẹ tôi có tính bảo thủ, chỉ biết bên nội (ảnh minh họa)
Nhưng xem ra, dù có sai mẹ tôi cũng không chịu hiểu. Mẹ nghĩ, con cái là phải nghe lời người lớn. Vả lại mẹ làm công chức nên những điều mẹ nói phải là đúng, phải hơn hẳn con của mình. Mọi ý kiến của con cái nghe xong mẹ cũng để đó, coi như vô dụng.
Tôi sinh được hai cháu cho mẹ, một trai một gái nên mẹ có vẻ cũng hài lòng vì nhà có nếp có tẻ. Nhưng lúc nào mẹ cũng quan niệm cháu là cháu của nhà nội, ông bà ngoại chỉ lên thăm cháu, chơi với cháu chứ chuyện cho cháu về chơi vài ngày nhà ngoại là không thể được. Mẹ nói, con cái ở đâu quen đó, cháu mẹ thì phải ở nhà này, không được lang chạ, đi đâu khác là không nên. Xem ra mẹ tôi rất nặng chuyện nội ngoại và rất bảo thủ.
Đợt rồi, Tết, hai vợ chồng nhận được nhiều tiền lì xì của các con. Những người tới chơi nhà hoặc gặp gỡ trên cơ quan cũng gửi tiền mừng cho con tôi nên cũng được kha khá. Thế mà chẳng ngờ, sau Tết, mẹ gọi tôi lại và nói đưa tiền lì xì của hai đứa trẻ cho mẹ. Mẹ còn bảo tính sơ sơ cũng được ngần này, ngần nọ làm tôi phát sợ. Mẹ chi li như vậy sao? Tôi thấy quá choáng vì hành động đó của mẹ, tại sao mẹ lại làm vậy, tại sao lại đòi tiền lì xì của trẻ con. Thật ra, con trẻ không biết tiêu tiền, tiền ấy cũng là do bố mẹ như chúng tôi tiêu nhưng người lớn mừng tuổi cũng là cái may cho các cháu. Tiền ấy tất nhiên phải do tôi giữ, nhưng mẹ lại đòi lấy lại và dùng làm của riêng cho mình.
Mẹ nói cháu là cháu của mẹ, thế nên việc mẹ đòi tiền lì xì của các cháu cũng là đương nhiên. Bà có công chăm cháu từ nhỏ lạ là mẹ của bố mẹ cháu, nên theo lý thì bà phải được giữ tất cả. Nghĩ mà nản. Tôi chẳng tranh giành với mẹ khoản tiền đó làm gì nhưng đúng là ở đời không lường được, tại sao mẹ lại vô lý như vậy chứ. Tôi bây giờ sau Tết còn chưa hết choáng về mẹ. Không hiểu từ đâu mà mẹ thay đổi như vậy. Không biết phận làm dâu của tôi còn chịu nhịn đến bao giờ nữa, càng ngày mẹ càng bộc lộ những tính nết khó có cô con dâu nào chiều nổi. Tôi đã chán nản lắm rồi.