Nhiều mẹ lo sốt vó vì sợ người giúp việc sẽ về quê luôn sau khi nghỉ Tết.
Chuyện người giúp việc sau Tết mất hút, không thấy ló mặt lên nữa là chuyện thường gặp ở nhiều gia đình. Và các chị, các mẹ thường méo mặt vì những tình huống trớ trêu như thế này vì đầu năm bận rộn trăm công nghìn việc. Từ việc lễ bái tới chùa chiền, tiệc tùng tân niên cũng là chuyện không thể bỏ qua khiến các mẹ lo sốt vó. Thế nên, lúc này người giúp việc là rất cần thiết. Đầu năm đầu tháng ai đi thuê osin, mà có muốn cũng không có mà thuê.
Thu thập nhiều ý kiến của chị em, mẹ Tèo xin đưa ra một số cách giúp chị em níu chân osin sau Tết, tránh tình trạng ra Tết người giúp việc đi không lời từ biệt, gây khó khăn cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chuyện giữ chân người giúp việc không phải ngày 1 ngày hai, mà phải có quá trình, ngay từ những ngày họ còn làm việc cùng với gia đình mình. Vì thế, việc này cần sự khéo léo của người chủ.
1. Đối xử tốt, bình đẳng với người giúp việc
Chủ nhà có thể thể hiện điều này bằng thái độ tôn trọng người giúp việc, đừng khi nào cũng coi họ là osin, người làm thuê, họ sẽ cảm thấy rất mất tự trọng. Không nên dùng những từ ngữ có nhiều tính sai khiến, chỉ thị, hãy thể hiện sự nhẹ nhàng giống như nhờ vả. Dù sao 'lời nói không mất tiền mua', thay vì cáu gắt, hãy nhẹ nhàng chỉ bảo họ để họ quen việc và có thể làm theo yêu cầu của mình.
Chị bạn cùng cơ quan của tôi cũng nhờ vào việc này mà giữ chân được cô giúp việc suốt 3 năm nay. Dù nhà cô ở dưới quê cũng nhiều việc, con cái cũng lo học hành nhưng vì tình cảm với gia đình chủ vả lại cũng yêu thương trẻ con nên cô quyết định ở lại giúp đỡ. Nhất là những ngày nhà chị chủ có việc, cô tận tụy nhiệt tình, thậm chí là về cả quê nội ngoại của chủ nhà để giúp nếu có đám giỗ chạp. Bởi hơn hết, người ta quý mến nhau, trân trọng nhau chứ không hẳn là trách nhiệm của người làm thuê.
Không có người giúp việc khổ thế này đây! (ảnh minh họa)
Với lại, con chị bạn tôi rất quý bà, quấn bà như bà ngoại của mình vậy. Tình cảm ấy khiến bà và cả chị ấy đều mừng. Và chưa bao giờ người nào đến nhà chị có thể nhận ra đó là người giúp việc. Ai cũng đon đả chào hỏi giống như người trong nhà vậy. Thi thoảng chủ nhà cũng có thể mua cho người giúp việc bộ quần áo, đồ dùng bản thân để họ được dộng viên mà thấy được quan tâm, gần gũi hơn.
Mỗi người mỗi nghề, có người coi nghề giúp việc là cái gì đó thấy ít tự trọng, hoặc có khi họ ngại ngần khi nói mình đi giúp việc. Nhưng không hẳn vậy. Ở đâu quen đấy, ở hoàn cảnh nào hợp hoàn cảnh đó. Ai cũng muốn có một công việc tốt, và được tôn trọng. Thế nên, dù là việc gì, chỉ cần làm tròn trách nhiệm, làm tốt phần việc của mình thì đồng lương ấy mình nhận là xứng đáng, không có gì phải hổ thẹn cả.
2. Có hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận rõ ràng
Dù gì thì dù, nguyên tắc trên giấy tờ vẫn khiến người ta tin tưởng nhất. Mặc dù chẳng phải nghi ngờ nhau nhưng cứ giấy trắng mực đen thì sẽ chiếm được lòng tin của người khác. Tất nhiên, việc này cũng giống như một hợp đồng lao động, có lương thưởng, có chế độ rõ ràng. Đối phương sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi làm việc.
Gia đình tôi cũng đã từng tuân theo nguyên tắc này để giúp cho người giúp việc yên tâm hơn khi ở nhà mình. Tôi lúc nào cũng nghĩ, ai đi làm cũng cần có những chế độ tốt, không riêng gì người là nhà nước, công sở. Đối với người giúp việc, hàng quý tôi vẫn có một khoản thưởng nho nhỏ để động viên và thống nhất trả lương họ vào một ngày nhất định trong tháng. Có như thế họ mới dự liệu được cuộc sống của mình. Trên thực tế có nhiều gia đình trông chờ vào đồng lương của người nhà đi giúp việc, vì thế, nếu biết rõ ngày nào, họ sẽ mừng rỡ mà chuyển tiền về hoặc mang khoản tiền ấy về quê biếu xén.
Trên thực tế, có nhiều gia đình trông chờ vào đồng lương của người nhà đi giúp việc, vì thế, nếu biết rõ ngày nào, họ sẽ mừng rỡ mà chuyển tiền về hoặc mang khoản tiền ấy về quê biếu xén. (ảnh minh họa)
Vì nhà cô ở xa nên một năm tôi thống nhất cho cô về nhà vào những tháng nào, ngày lễ Tết nghỉ ngơi ra sao, mấy ngày và có cả khoản thưởng kèm theo. Thi thoảng cô về quê, tôi cũng gửi gắm quà cáp cho gia đình khiến cô vui lắm. Dù không phải quà gì to tát nhưng đó cũng là tấm lòng của người chủ nhà gửi tới gia đình cô. Như thế người ta cũng được động viên chút ít và mở mày mở mặt với người thân, họ hàng, bõ mang cái tiếng đi làm xa.
Người ta được tăng lương thì cô cũng được tăng lương, tất nhiên là tăng theo năm. Càng gắn bó lâu với nhà chủ thì càng có chế độ tốt, tăng lương thưởng hàng tháng hàng năm. Âu đó cũng là chuyện nên làm. Người giúp việc cũng nhờ vào đó mà nắm bắt được tinh thần và chủ động hơn với cuộc sống của mình.
3. Thưởng Tết hấp dẫn
Chủ nhà nên thoáng một chút trong chuyện thưởng Tết cho người giúp việc. Cả năm mới có một lần nên hãy thoáng hơn chút để người giúp việc cũng cảm thấy mình được coi trọng hơn. Ai cũng thế, năm hết Tết đến chỉ mong có khoản thưởng hậu hĩnh để mang về quê. Nếu nắm bắt được tâm lý này, chắc chắn sẽ là cách hữu hiệu để giữ chân người giúp việc.
Tiền không hẳn là vấn đề quá lớn nhưng đó là sự động viên, quan tâm tới gia đình người giúp việc. Ngoài tiền, chị em có thể chuẩn bị sẵn món quà Tết biếu tặng gia đình họ để họ cảm thấy được an ủi hơn.
Hãy thử làm theo những điều trên, hi vọng sẽ rất giúp ích cho chị em trong việc níu chân người giúp việc.