Chính cuộc sống thiếu sự thưởng phạt công minh và thiếu lương thiện trong đánh giá đã làm cho con người muốn giành lấy công lý về tay họ. Một công lý được thực thi ngay tức khắc và bằng bạo lực.
Mấy hôm nay truyền thông và mạng xã hội nhuốm một màu bạo lực không mong muốn với những tin tức làm thót tim mọi người.
Không xa lắm như xứ Đài có vụ trẻ em bị chặt đầu ngay trên phố, còn chúng ta là clip chồng đánh vợ dã man, chém nữ công nhân ngay trong khu công nghiệp trước cổng nhà máy trước mắt hàng trăm người, nhà báo bị hành hung…và bao nhiêu vụ bạo lực khác nữa nhan nhản trên mạng xã hội.
Không chỉ người dân ít học, cuộc sống tạm bợ, bất an vì cơm áo mới “quen dùng” bạo lực, ngay cả một doanh nghiệp khu công nghiệp ở Long An cũng dùng bạo lực bằng cách lấp lối đi và nhà máy kẹo của doanh nghiệp người Nhật thay vì giải quyết thông qua thương lượng hoặc bằng tòa án.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì cũng “bình thường thôi” nhưng không ngay cả cách mà người ta muốn chống lại bạo lực cũng mang tính bạo lực còn dữ dội hơn.
Trên mạng youtube xuất hiện nhiều anh chị lên tiếng sẽ thưởng tiền cho ai đó bắt được người đàn ông đánh vợ hoặc chỉ ra nơi ở họ sẽ đến và thanh toán người này cho bỏ tật dùng bạo lực (!?)
Nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” xem ra ngày càng phổ biến.
Cách đây không lâu chuyện bắt được kẻ trộm chó rồi “đánh mỏi tay” không ngừng, thậm chí đánh đến tử vong cũng là chuyện bình thường. Thậm chí trong cơn say cuồng bạo lực, đám đông còn châm lửa đốt xác như hiến tế cho thần thánh gian ác nào đó dưới hỏa ngục.
Thực tế này của chúng ta có khác gì những chương hồi trong “Hỏa ngục” của Dante?
Nhưng bạo lực bằng đấm đá, đâm chém. Chưa phải là đỉnh cao hay hồi kết của sự tăm tối, đám đông muốn những cung bậc vượt lên toàn bộ khuôn phép, vượt qua tất cả những giới hạn để con người còn là con người.
Những hình thức làm nhục người khác trở nên là trò giải trí như là nghe nhạc, chơi game hoặc bách bộ trên phố hoặc đi chùa…
Khi bắt được ông lão trộm gà, cho rằng chỉ đánh đập thôi chưa đủ đô, đám đông cột gà vào cổ ông lão, chụp ảnh, quay phim bắt ông thú tội và cúi mặt nghe những lời rao giảng về đạo đức và sự lương thiện.
Người đàn ông lớn tuổi trộm gà bị đánh và bắt nằm ra để quay phim, chụp ảnh.
Hay mới đây nhất là vụ diễn viên hài Minh Béo bị bắt tại Mỹ vì tình nghi ấu dâm và lạm dụng tình dục, đám đông hả hê ê hề với “bữa tiệc máu” thông tin thịnh soạn. Nói thật lòng tôi thấy có phần áy náy trước hình ảnh Minh Béo do báo Mỹ đưa hôm 30.3, quá thảm hại khi liên tưởng Minh Béo trong chương trình Lục Lạc Vàng hoặc những lúc anh đi làm từ thiện. Nhưng đám đông thì khoái trá và chờ đợi những gì “đã” hơn. Trong cơn say máu mà phần tội lỗi thuộc về kẻ tội đồ Minh Béo thì đám đông thả phanh cho sự căm ghét và reo hò hả hê.
Cuộc sống vốn như vậy, với đầy bất an, khó khăn…những tưởng chúng ta sẽ tìm đến nhau để chia sẻ, yêu thương nhau nhiều hơn thì đám đông lại chọn con đường khác là tìm vui, cảm thấy mình an toàn khi người khác phạm sai lầm và bị trừng phạt.
Cơn nghiện bạo lực tinh thần này còn nguy hiểm hơn cả bạo lực bằng chân tay, hung khí….nó sẽ đẩy xã hội đi đến đâu, tôi không biết, bạn cũng không biết?
Nhưng có những chỉ dấu cho thấy sự việc ngày càng phổ biến và khó hiểu, phức tạp hơn, khó đoán định, khó đánh giá đúng sai hơn.
Đơn cử như khi xảy ra những ý kiến trái chiều về vụ cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà, mới đây nhất những người phụ nữ mà tôi biết có học thức, hiền thục, người vợ hiền, người mẹ tốt…đã lập một trang web tập hợp danh sách 75 người nổi tiếng bao gồm văn nghệ sĩ, nhà báo…được cho là “bênh vực” Hồ Ngọc Hà để “chị em” tiếp tục cập nhật những gì xấu xa nhất của những người này vào trang web. Một trang web mở đầy dấu ấn của thời đại, nơi mà những người phụ nữ bình thường có thể trút hết sự căm ghét vào tất cả…
Theo tôi họ cũng không có lỗi, chính cuộc sống thiếu sự thưởng phạt công minh và thiếu lương thiện trong đánh giá đã làm cho con người muốn giành lấy công lý về tay họ. Một công lý được thực thi ngay tức khắc và bằng bạo lực.
Điều này lý giải cho cơn say bạo lực của người Việt nói trên.