Là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu thế nhưng vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng lại ôm lòng nuối tiếc vì không có được người goá phụ xinh đẹp trong tay.
Mỹ nhân sinh ra từ quả hồ lô
Mạnh Khương Nữ vốn là một câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian rất nổi tiếng của Trung Quốc. Đây là nhân vật đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng với điển tích "Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành".
Là một trong bốn truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất văn hoá Trung Hoa bên cạnh Ngưu Lang Chức Nữ, Bạch Xà truyện và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, đến nay vẫn có rất nhiều dị bản và biến thể câu chuyện tồn tại.
Tương truyền rằng, Mạnh Khương Nữ là người nước Tần, xuất thân trong gia đình họ Mạnh.
Nhà họ Khương thấy một trái hồ lô bên nhà mình liền bổ ra, chẳng ngờ bên trong lại là một bé gái vô cùng trắng trẻo, bụ bẫm. (Ảnh minh hoạ)
Có giai thoại kể rằng, nhà họ Khương và nhà họ Mạnh vốn ở sát vách nhau. Họ sống như vậy đã lâu mà cả hai gia đình đều chưa có một mụn con nào.
Bấy giờ, người nhà họ Mạnh có trồng trong sân một cây hồ lô. Cây hồ lô được chăm bón lớn nhanh như thổi, mọc lan sang nhà họ Khương. Nhà họ Khương thấy một trái hồ lô bên nhà mình liền bổ ra, chẳng ngờ bên trong lại là một bé gái vô cùng trắng trẻo, bụ bẫm.
Cả hai gia đình đang muộn con, nay bỗng được một đứa bé nên vui mừng khôn xiết lắm. Họ quyết định cùng nhau nuôi dạy đứa bé và đặt tên là Mạnh Khương Nữ với ý nghĩa là người con gái của nhà họ Mạnh và họ Khương.
Vạn Lý tìm chồng
Mạnh Khương Nữ lớn lên vô cùng xinh đẹp và nết na. Nàng chăm sóc hiếu thuận với cả hai bên cha mẹ khiến ai nấy đều đem lòng yêu mến.
Một ngày nọ, Mạnh Khương Nữ đang đi dạo trong vườn thì phát hiện một người đàn ông trốn trong bụi rậm. Thấy nàng định hô to, người đàn ông tên Phạm Hỷ Lương liền cuống cuồng giải thích.
Tượng nàng Mạnh Khương ở Hà Bắc, Trung Quốc.
Sự tình là bấy giờ, Tần Thủy Hoàng bắt đầu xây dựng Vạn Lý Trường Thành nên dân chúng phải đi lao dịch. Phạm Hỷ Lương vốn chỉ muốn chuyên tâm đèn sách, nên khi bị sai nha đuổi đã chạy vào vườn nhà Mạnh Khương Nữ để trốn.
Hiểu rõ sự tình, xét thấy Phạm Hỷ Lương kia phong thái đàng hoàng ngay thẳng, lại là người có trí thức liền cho trốn nhờ trong nhà. Sau một thời gian, sự trung thực và hiếu nghĩa của chàng đã khiến Mạnh Khương Nữ động lòng. Hai người sớm đem lòng yêu mến nhau và kết duyên vợ chồng.
Thế nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu thì 3 ngày sau khi nên duyên, Phạm Hỷ Lương bị quan phủ phát hiện và bắt đi xây dựng Trường Thành. Xót thương cho chồng, Mạnh Khương Nữ khóc suốt ngày này qua tháng khác.
Kể từ ngày bị sai nha bắt đi, nàng không có lấy một chút tin tức về chồng. Một đêm Mạnh Khương Nữ gặp một cơn ác mộng. Lo lắng chồng mình đang phải sương gió lạnh lẽo nơi Trường Thành, nàng liền trở dậy đan áo ấm cho chồng và quyết định gói ghém hành lý, vượt ngàn dặm tìm chồng.
Đường xá xa xôi lại vô cùng vất vả song tất cả không làm nao lòng người vợ thuỷ chung Mạnh Khương Nữ. Sau bao ngày đêm trèo đèo lội suối, vượt sông, cuối cùng nàng đã đến được chân của Vạn Lý Trường Thành.
Thế nhưng đau đớn thay, khi tới nơi nàng mới biết Phạm Hỷ Lương đã qua đời vì lao lực. Thân xác chàng đã bị vùi lấp dưới chân Trường Thành cùng hàng ngàn người khác.
Tranh minh hoạ "Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành".
Hung tin như sét đánh ngang tai, Mạnh Khương Nữ đau đớn khóc thảm thiết. Giai thoại kể rằng, nàng đã khóc suốt ba ngày ba đêm. Nước mắt nàng tuôn trào như suối, khiến trời đất cũng phải u ám theo.
Tiếng khóc của Mạnh Khương Nữ vang xa 800 dặm Trường Thành, nàng khóc tới đâu, Trường Thành đổ sụp tới đó. Trường Thành đổ nát mới lộ ra một phần thi thể của Phạm Hỷ Lương.
Người xưa tin rằng, chính tiếng khóc của nàng Mạnh Khương Nữ đã làm cảm động trời đất, khiến sụp đổ Trường Thành.
Nỗi nuối tiếc cả đời của Tần Thủy Hoàng
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng biết chuyện bèn đùng đùng nổi giận muốn trừng phạt Mạnh Khương Nữ vì tội dám phá hủy công trình này. Song ngay khi nhìn thấy vẻ đẹp và sự đau thương của nàng dành cho người chồng đã khuất, Tần Thủy Hoàng liền bị mê mệt.
Thay vì trừng phạt nàng, Tần Thủy Hoàng lại muốn đưa Mạnh Khương Nữ vào cung để làm "Chính cung nương nương". Thế nhưng một lòng một dạ chung thuỷ, nàng Mạnh Khương khước từ liền bị đe dọa sẽ tru di cửu tộc.
Không thể để liên luỵ tới cha mẹ ở nhà, Mạnh Khương Nữ không còn sự lựa chọn nào khác đành phải đồng ý và đưa ra ba điều kiện.
Thay vì trừng phạt nàng, Tần Thủy Hoàng lại muốn đưa Mạnh Khương Nữ vào cung để làm "Chính cung nương nương". (Ảnh minh hoạ)
Thứ nhất, Tần Thủy Hoàng phải cho xây mộ, chôn cất Phạm Hỷ Lương một cách đàng hoàng. Thứ hai, Phạm Hỷ Lương phải được tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang và sau khi lo việc tang lễ xong, hoàng đế phải đưa Mạnh Khương Nữ đi du ngoạn ở biển trong 3 ngày.
Ban đầu, hoàng đế không đồng ý với việc tổ chức quốc tang cho một kẻ thường dân, song sau đó nghĩ vì người đẹp, Tần Thuỷ Hoàng đã đồng ý với cả ba điều kiện.
Sau khi mọi thủ tục an táng Phạm Hỷ Lương đã xong xuôi, Mạnh Khương Nữ liền yêu cầu hoàng đế thực hiện lời hứa đưa mình ra biển ngắm cảnh. Nhưng Tần Thủy Hoàng nào ngờ, khi thuyền đã đi rất xa ngoài biển, Mạnh Khương Nữ liền bất ngờ trẫm mình xuống dòng nước.
Sóng biển bất ngờ nổi to khiến cả trăm binh lính nhảy xuống nhưng chẳng thể nào cứu nổi nàng. Họ nói, thân xác nàng đã mãi mãi bị giữ lại dưới đáy biển sâu. Cảm phục nhân đức của nàng, vào đời nhà Tống, người ta đã cho dựng một ngôi miếu đá để thờ người goá phụ chung thuỷ Mạnh Khương Nữ.
Miếu thờ Mạnh Khương Nữ ở Sơn Hải Quan, Hà Bắc. (Ảnh: Internet)