Khi đã thực sự yêu, hầu hết người ta đều mơ ước đạt tới sự hoà hợp trọn vẹn nhất, bền chặt vĩnh cửu và một lòng một dạ với người yêu, không tơ tưởng đến bất kỳ ai khác. Nhưng liệu trên đời này, có tồn tại thứ tình yêu như thế?
Cưới xong hết gãi
Trong sổ đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân, từng có chuyện một người vợ trẻ đang đêm gọi điện đến chỉ để khẳng định một điều: “Đàn ông các anh toàn một phường bội bạc”. Chuyên viên tư vấn ngạc nhiên: “Chị căn cứ vào đâu mà kết luận như vậy?” Giọng chị ta chua chát: “Vào chồng tôi chứ ai. Khi chưa cưới, ngồi đâu hắn cũng thò tay vào lưng tôi nịnh: “Em ngứa lưng để anh gãi cho” và nếu tôi không bảo thôi thì hắn còn gãi mãi. Thế mà lấy nhau mới được nửa tháng, tôi cởi hẳn áo nằm sấp ra giường làm nũng “Anh gãi lưng em cái”, hắn quắc mắt lên “Có cái lưng không gãi được làm gì mà ăn!” Tại sao hai người từng yêu nhau như thế lại có thể biến đổi đến mức như vậy? Các nghiên cứu y học cho thấy yêu say đắm là trạng thái tâm sinh lý không bình thường, đó là lúc con người bị kích thích cao độ.
Tiến sĩ tình dục học Edji Kralec người Ba Lan còn khẳng định, những kẻ đang yêu say đắm có dấu hiệu của người bị bệnh. Họ mất khả năng nhìn rõ sự thật về đối tượng yêu, họ lý tưởng hoá người yêu nhưng sau khi lấy nhau lại thấy người này cũng chẳng hoàn hảo, chỉ là con người bình thường với tất cả ưu khuyết điểm. Mặt khác, cơ thể con người cũng không thể sống thường xuyên trong trạng thái ngây ngất và căng thẳng tột độ. Nhất là sau khi lấy nhau, có thể được thoả mãn ham muốn mà không cần phải cố gắng gì, cũng không cần vượt qua các trở ngại và những hành động phản kháng. Chính điều đó làm suy giảm đáng kể sức hấp dẫn của đối tượng yêu.
Trong trạng thái của tình yêu tuyệt đối, sự gắn bó về tinh thần, tình cảm càng thăng hoa thì thể xác càng gắn bó, không rời nhau được. Khi cả hai người say nhau như điếu đổ, bên nào cũng chỉ muốn chiếm lấy đối phương cho riêng mình. Lúc ấy, chẳng ai nghĩ rằng một ngày nào đó ngọn lửa tình yêu có thể yếu dần, lay lắt rồi tắt ngấm. Nhất là khi chuyển từ tình yêu sang hôn nhân, từ hai con người chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau nên lúc nào cũng khao khát, nay chuyển sang sống chung dưới một mái nhà, tình cảm ngọt ngào, say đắm hồi mới cưới dần mai một một cách tàn nhẫn.
Trong trạng thái của tình yêu tuyệt đối, sự gắn bó về tinh thần, tình cảm càng thăng hoa thì thể xác càng gắn bó, không rời nhau được. (ảnh minh họa)
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở?
Có thể nói, yêu đương là một trạng thái đặc biệt với một độ dài thời gian nào đó. Không ai được tâng công là làm cho nó nở rộ, cũng không ai phải gánh lấy cái tội là làm cho nó lụi tàn, đó là quy luật. Chưa kể trong trạng thái yêu đương, đàn ông và phụ nữ đều biến đổi. Người này muốn làm vừa lòng người kia, muốn xứng đáng với tình yêu của họ và với nỗ lực phi thường, họ trở nên tốt đẹp hơn, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của người kia. Xét từ hai góc độ, cái nhìn của người đang yêu, tức là chủ thể thẩm mỹ, không thực; và đối tượng yêu, tức là khách thể thẩm mỹ, cũng không thực. Trạng thái yêu say đắm bao phủ lên họ một vầng hào quang, khiến tất cả lung linh bảy sắc cầu vồng.
Phải chăng chừng nào con người còn sống thì tình yêu còn thay đổi, muốn tình yêu bất tử chỉ có cách để cả hai cùng chết trên đỉnh cao chót vót của tình yêu? Đó cũng là cách giải quyết của thiên tài Shakespeare trong tác phẩm bất hủ Romeo và Juliette. Nhưng về sau, các nhà Shakespeare học người Anh phát hiện nguyên mẫu của hai nhân vật này không chết như kết thúc của vở bi kịch mà cha Loren đến kịp, hai người lấy được nhau và vợ chồng họ cũng bất đồng, lủng củng như hầu hết các đôi vợ chồng trên thế gian này!
TS tâm lý học Trịnh Trung Hoà