Chắc hẳn, chỉ cần là người Việt thì chúng ta còn nhớ câu chuyện hôi của ngày nào từng được lên truyền hình Nga...
Và cũng rất có thể vì thế, nhận thức của người mình về chuyện hôi của cũng đã tiến bộ dần nhờ sức mạnh của báo chí và truyền thông...
“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, cái truyền thống này vốn đã ăn sâu và tâm thức người Việt, bởi nó được giáo dục từ khi chúng ta còn là học sinh mẫu giáo, cấp 1, còn ngồi trên ghế nhà trường. Ấy thế mà thử hỏi, ra đời, mấy người làm được điều đó. Có khi, chỉ thấy của rơi là chăm chăm vào hôi, vào vét để biến nó thành của mình.
Không phải tự nhiên mà tôi nói về chuyện này. Bởi từ trước tới giờ, người ta đã chứng kiến biết bao nhiêu vụ hôi của của người Việt. Gần đây nhất phải kể đến vụ hôi bia ở Đồng Nai. Một xe bia bị lật, thế là người dân xúm vào mang bia về nhà uống như của mình vậy. Chẳng ngại ánh mắt soi mói, nhòm ngó, chẳng sợ ai nói gì mình vì những người nhặt bia ấy mang tâm lý ‘mình không nhặt thì người ta cũng nhặt hết, tội gì’.
Thế nên, cả cái xe bia, biết bao nhiêu bia cũng bị mất hết và người tài xế bị khởi tố vì đã để mất bia. Dù sau này người tài xế ấy đã thoát tội, nhưng câu chuyện hôi của của người Việt thật sữ đã là một điểm xấu, được cả báo chí nước ngoài chụp lên. Bởi với người ngoại quốc, hình ảnh ấy lạ lắm, đáng bàn lắm…
Vụ hôi bia ở Đồng Nai khiến dư luận xôn xao
Tôi đã từng rất buồn vì một bộ phận người có ý thức kém trong hành động hôi của ấy. Xấu hổ hơn, câu chuyện hôi của này đã được lên cả báo chí và truyền hình nước ngoài. Đó là câu chuyện mà tất cả những ai là người mình đều phải suy nghĩ lại.
Nhưng hôm nay, một tín hiệu mừng đã đến với chúng ta. Đó là câu chuyện chàng thanh niên bị rơi 4 triệu đồng trên đường, bay tung tóe nhưng điều lạ là, không có ai hôi của. Người ta còn hô hoán nhau vào nhặt giúp anh chàng này và số tiền quay về đúng với giá trị ban đầu của nó.
Theo người dân kể lại, khoảng 17h ngày 27/2 tại bùng binh giao nhau giữa các đường Hoàng Văn Thụ - Trần Lê, 3 Tháng 2 và Trần Phú thuộc phường 4, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một thanh niên khoảng 30 tuổi vừa rút tiền từ cây ATM bước ra đã làm rớt một xấp tiền mệnh giá 100.000 đồng xuống đường. Gió lớn nên thổi tiền bay tứ tung trên mặt đường nhựa. Thấy sự việc, hai anh xe ôm và chị bán hàng rong đã nhặt giúp và còn gọi người đi đường “Nhặt tiền giùm người ta đi. Giúp người ta đi, đừng hôi của...”. (Trích đời sống pháp luật)
Hành động này cũng đủ cho thấy, ý thức của con người đã thay đổi hoàn toàn. Vậy thì tại sao? Có phải, báo chí và truyền thông đã góp phần khiến cho ý thức của con người được tốt hơn? Họ đã nhận thấy, chuyện hôi của thật sự là chuyện đáng xấu hổ biết bao. Và tất nhiên, sẽ vẫn còn chuyện hôi của nếu như người ta không đọc được những tin tức về chuyện này.
Câu chuyện lật xe mít mà không ai nhận, còn được người dân xếp lại cho gọn gàng
Lại nói về chuyện nhận thức của con người đã thay đổi, tôi nhớ lại câu chuyện xe mít bị lật ở Đồng Nai. Đã không có một ai ra hôi của, thậm chí người ta còn hô hào nhau thu dọn đống mít ấy lại cho tài xế. Đó là một hành động đáng kính, đáng trân trọng biết bao.
Tuy vậy, thực sự là câu chuyện hôi của của người Việt đã chấm dứt ở đây hay không, đó vẫn là một câu hỏi lớn. Hi vọng rằng, con người sẽ nhìn vào những hành động tốt mà cảm nhận và dần thay đổi hành vi của mình. Sẽ không còn chuyện hôi của, cũng không còn chuyện ‘nhặt được của rơi tạm thời đút túi’. Dù sao thì những gì mà chúng ta thể hiện gần đây cũng đã là một tín hiệu đáng mừng về việc nghe, hiểu và thay đổi hành vi của con người… Hi vọng từ những câu chuyện đáng ca ngợi như thế này, trong tương lai, câu chuyện hôi của sẽ không bao giờ phải nhắc lại ở Việt Nam.
Xem thêm tin bài liên quan hấp dẫn tại đây: Của hồi môn: "Đâu phải nhiều mới thương con" “Bây giờ không có bầu, ai dại gì mà cưới” Từ chuyện người Việt bị tố ăn cắp ở Nhật "Bật mí" nghi lễ động phòng của vua chúa Trung Hoa |