Những điều kiêng kị này đã gắn với những đám cưới ở miền Bắc và dù ít hay nhiều, nó cũng khiến người ta yên tâm hơn nếu làm đúng những 'quy tắc' ấy.
Phải đón dâu đúng giờ hoàng đạo
Thông thường gia đình hai bên sẽ thống nhất ba giờ tốt, gọi là giờ hoàng đạo, một là thời điểm chú rể bước ra khỏi nhà trai để đi đón cô dâu, hai là giờ chú rể bước chân vào nhà gái để làm thủ tục đón dâu và giờ tốt thứ ba rơi đúng vào lúc chú rể đón dâu về nhà trai làm lễ gia tiên. Tuy nhiên, việc này bây giờ cũng được ‘biến tướng’ nhiều. Vì thường người ta chỉ chọn giờ hoàng đạo đi đón dâu mà thôi. Chứ còn chọn giờ chủ rể bước vào nhà gái thì hơi khó. Ví thử hai giờ mà cách nhau vài giờ thì có mà chú rể đợi ‘dài cổ’. Thế nên, các cụ thường hay kiêng giờ chú rể đi đón dâu.
Người mình hay quan niệm, nếu đúng giờ hoàng đạo thì hạnh phúc đủ đầy, cô dâu và chú rể sẽ may mắn. Nếu không làm đúng, sau này có chuyện gì xảy ra thì các cụ lại quy cho việc, không biết chọn giờ đón dâu.
Cô dâu phải ‘đi nấp’ để chú rể tới đón
Tức là, theo phong tục cưới của miền Bắc, cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào dắt tay ra. Có nhiều cô dâu không biết, cứ chạy ra ngoài ngóng chú rể, điều này đặc biệt kiêng kị. Vì chú rể đi đón cô dâu chứ không phải cô dâu đón chú rể. Vả lại, chuyện cô dâu xuất hiện trước sẽ khiến cô dâu mất duyên, hoặc là không được coi trọng sau đám cưới nữa.
Người mình hay quan niệm, nếu đúng giờ hoàng đạo thì hạnh phúc đủ đầy, cô dâu và chú rể sẽ may mắn. (ảnh minh họa)
Kiêng chuyện cô dâu khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ
Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải hướng thẳng mặt, đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. Người ta hay quan niệm, nếu cô dâu ngoái lại nhà mẹ đẻ thì sau này hôn nhân rạn nứt, vợ chồng lìa đôi, dễ mà bỏ chồng quay về nhà.
Tuy nhiên, chuyện cô dâu khóc khó lòng tránh khỏi, bởi, cảm xúc lúc phải rời xa gia đình, sống với người mới khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Lưu ý đem theo kim và tiền lẻ để trải dọc đường
Trước khi lên đường về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chuẩn bị cho 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người.
Ngoài ra, các cô dâu cũng sẽ được mẹ chuẩn bị cho một tập tiền lẻ, để khi đi qua cầu hoặc qua ngã ba, ngã tư, cô dâu sẽ trải tiền xuống đường. Phong tục này hàm ý, đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang.
Trước khi lên đường về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chuẩn bị cho 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người. (ảnh minh họa)
Kiêng để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng
Thông thường, sau khi gia đình nhà trai làm lễ đón dâu, cô dâu mới sẽ theo chồng về nhà. Lúc này, mẹ đẻ không được đưa con gái về nhà chồng mà chỉ có bố cô dâu, cùng các bậc cao tuổi trong nhà đưa con gái lên đường về làm dâu.
Kiêng không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính
Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bằng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.
Nhìn chung, có rất nhiều thủ tục và những quy tắc trong đám cưới của người miền Bắc. Tuy nhiên, có một số địa phương không tuân thủ theo những điều kiêng kị này, việc đó cũng tùy thuộc vào từng vùng. Dù vậy, các cụ ta vẫn quan niệm ‘có kiêng có lành’ nên dù sao, kiêng kị để tránh những điều không hay về sau vẫn là điều tốt nhất!