Học cách cúi đầu trước sai lầm không phải kém cỏi mà là dám đối diện với bản thân mình, khoan dung với bản thân và cho mình cơ hội để thay đổi. Học cách cúi đầu không phải để ngã, mà là để đứng tốt hơn và vững chắc hơn!
Có câu chuyện rằng một con bướm bay vào từ cửa sổ đang mở. Sau một hồi bay lượn khắp phòng, nó bắt đầu hoảng hốt khi không tìm thấy lối ra. Sau nhiều lần cố gắng bay từ trái qua phải, nó vẫn không thể bay ra khỏi nhà.
Bạn có biết vì sao con bướm này lại không thể bay ra khỏi đó không? Đó là bởi nó luôn tìm kiếm một lối thoát trong khoảng không trên cao của căn phòng mà nhất quyết không chịu bay xuống thấp hơn, nơi có những cửa sổ đang mở và cũng chính là lối nó đã bay vào.
Con bướm này thậm chí đã còn bay đến rất gần cửa sổ rồi nhưng nó vẫn từ chối việc phải bay xuống thấp. Cuối cùng, con bướm không chịu bay thấp này đã cạn năng lượng, chết vì kiệt sức.
Trong cuộc sống này có không ít người như con bướm kia, luôn than phiền rằng cuộc đời ngày càng khó khăn, cánh cửa thành công khép lại với mình nhưng không chịu nỗ lực, nhìn sự việc theo một hướng khác. Thực tế là không phải khi nào cánh cửa hy vọng, thành công cũng sẽ vừa với ta, chúng có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Người khôn ngoan ấy chính là biết khi nào nên đi thẳng, khi nào nên cúi người, khi nào nên đi nghiêng.
Benjamin Franklin, người được mệnh danh là cha đẻ của nước Mỹ, khi còn trẻ đã đến thăm một vị tiền bối đáng kính. Lúc đó ông còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết, khi đi luôn ưỡn ngực và sải chân bước về phía trước.
Vừa vào đến cửa, đầu của ông bị đập vào khung cửa đau đến nỗi Franklin không thể ngừng xoa vào chỗ đau, vừa xoa vừa nhìn cửa. Vị tiền bối kia bước ra đón khách, thấy Franklin như vậy liền mỉm cười nói:
"Đau lắm đấy! Nhưng đây sẽ là thu hoạch lớn nhất của cậu trong chuyến đến thăm tôi hôm nay. Một người muốn sống an yên trên đời này nhất định phải biết cúi đầu khi cần. Đây chính là điều tôi muốn nhắn nhủ cậu."
“Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Câu nói này có nghĩa rằng cây lúa càng chín đầu sẽ càng rủ xuống vì hạt lúa càng chắc. Trong khi đó cỏ dại luôn ngẩng đầu thể hiện bản thân. Và người ta chỉ coi trọng bông lúa, đâu ai quan tâm đến cỏ dại kia.
Ở đời, học được cách cúi đầu đúng lúc chính là một loại trí tuệ. Cúi đầu không phải thể hiện sự tự ti hay kém cỏi mà bởi phải có dũng khí mới có thể cúi đầu trước những sai lầm của mình, cúi đầu để học hỏi và phát triển.
Một ngày, có người hỏi Socrates, người được mệnh danh triết gia “khôn ngoan nhất” thành Athens:
“Ông là người có học vấn uyên thâm. Ông có biết khoảng cách giữa trời và đất không?”
Socrates trả lời:
“Khoảng 1 mét”.
Người đó không tin liền nói:
“Thưa ông, trên đời này ngoài trẻ sơ sinh thì ai cũng cao hơn 1 mét. Vậy nếu trời và đất chỉ cách nhau 1 mét thì chẳng phải chúng ta đã chọc trời rồi hay sao?”
Socrates đáp lời:
“Đúng! Ai cũng cao hơn 1 mét. Chính bởi vậy muốn , nếu muốn nổi bật giữa đất trời thì phải biết cách cúi đầu”.
Có những người sống mà luôn khăng khăng giữ lấy quan điểm của mình. Họ cho rằng chỉ bản thân mới là đúng, đôi khi dù thấy mình sai vẫn sẽ không dám công nhận vì cho rằng làm vậy người khác sẽ coi thường, thật là mất mặt. Những người như vậy cuộc sống sẽ chỉ có lùi không có tiến.
Trong cuộc sống, con người ta không ai có thể tránh khỏi những sai lầm. Điều quan trọng hơn là cách ta đối mặt ra sao, sửa sai sau đó thế nào. Người biết cúi đầu thừa nhận lỗi lầm của bản thân chính là người can đảm, khôn ngoan nhất.
Học cách cúi đầu không phải kém cỏi mà là biết khiêm tốn và thận trọng. Học cúi đầu là biết đứng dậy kịp thời khi sa vào vũng lầy, nhanh chóng tìm cách rời khỏi đó. Học cách cúi đầu là khi lên nhầm xe sẵn sàng xuống xe và tìm chiếc xe đúng.
Ở nơi thung lũng, vào những ngày đông lạnh giá, tuyết sẽ phủ trắng mọi cảnh vật. Khi tuyết đạt đến một mức độ nhất định, các cành của cây tuyết tùng sẽ từ từ uốn cong xuống cho đến khi tuyết rơi khỏi cành từng chút một. Sau đó, cây tuyết tùng sẽ vẫn còn nguyên vẹn, không bị tuyết phá huỷ như nhiều giống cây khác không có khả năng này.
Người khôn ngoan trên đời giống như nước chảy vậy, tốt cho vạn vật muôn loài mà rất mềm mại. Người biết thấp mới biết cao, biết co mới biết duỗi, biết lùi mới biết tiến.
Cuộc sống là như vậy, sẽ có không ít khó khăn đến với chúng ta. Tuy nhiên dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng hãy nhớ rằng 10% cuộc sống này là những gì đến với bạn và 90% là cách bạn phản ứng với chúng.
Học cách cúi đầu trước sai lầm không phải kém cỏi mà là dám đối diện với bản thân mình, khoan dung với bản thân và cho mình cơ hội để thay đổi.
Học cách cúi đầu không phải để ngã, mà là để đứng tốt hơn và vững chắc hơn!