Ông bà ra trông cháu: Báo hiếu cha mẹ hay bóc lột sức lao động của người già?

Ngày 08/06/2018 08:55 AM (GMT+7)

Thực tế, tính toán với bố mẹ không biết bao nhiêu cho đủ, trong khi thuê người ngoài có rất nhiều vấn đề đáng lo.

Trong xã hội hiện đại khi mà rất nhiều cặp vợ chồng bận bịu với công việc, chưa có đủ điều kiện sắp xếp thời gian chăm sóc con cái đặc biệt là khoảng thời gian sau sinh. Đó là lý do tại sao, hầu hết đều cần đến sự giúp đỡ của ông bà hai bên nội ngoại.

Có nhiều câu nói như “cháu bà nội tội bà ngoại”, “mẹ chăm con không bằng bà chăm cháu” dần dần trở thành luật bất thành văn trong gia đình. Trong chương trình Lời thì thầm phát sóng trên kênh phát thanh JoyFM, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các cặp vợ chồng có thêm những cách đối nhân xử thế phù hợp giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Với người Việt Nam, con cháu là tài sản vô giá không chỉ là đích tôn nối dõi mà còn mang lại niềm vui cho ông bà. Có rất nhiều người còn trẻ đã lên chức ông bà khá sớm, nên có cháu chính là niềm kiêu hãnh, niềm vui, đặc biệt là đối với ông bà ngoại. Chính vì vậy, việc bà nội hay bà ngoại nhận việc chăm sóc trong thời gian ở cữ không chỉ là chăm cho cháu mà còn là chăm người vừa sinh xong.

Vì thời gian đầu, người phụ nữ phải kiêng cữ khá nhiều cần phải có người ở bên từ ăn, ở, giặt giũ, mà việc này đối với mẹ chồng có khi gặp nhiều bất tiện hơn mẹ đẻ. Vì vậy, mặc dù cũng có nhiều bà chồng tốt chăm được nhiều vì chăm con là chăm cháu, tuy nhiên là thường là các bà ngoại sẽ nhận trách nhiệm đó. Kể cả người con sinh con xong cũng cần mẹ đẻ hơn.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi ông bà ngoại ra chăm cháu mặc dù là ruột già nhưng lại thường có nhiều mâu thuẫn về lối sống và cách cư xử. Vậy theo chuyên gia nguyên nhân của các vấn đề mâu thuẫn đó là gì?

Ông bà ra trông cháu: Báo hiếu cha mẹ hay bóc lột sức lao động của người già? - 1

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh này. Thứ nhất là do tâm lý của bà ngoại ra chăm cháu là ra giúp con giúp cháu, con cháu phải nịnh mình, nghe lời mình thế nhưng ngược lại con cái lại coi việc này là đang ban phát cho ông bà niềm vui được chăm cháu.

Nhiều lời ăn tiếng nói trong đời sống hằng ngày không có thưa gửi đàng hoàng, chưa thể hiện sự kính trọng. Dần dần, bà thường có suy nghĩ là “tao ra chăm cháu tao chứ có phải tao ăn trực chúng mày đâu”. Có nhiều bà còn tức giận lập tức bỏ về quê.

Thứ hai, đó là do sự khác biệt về sinh hoạt và lối sống. Thời gian ở quê thường rất sớm thế nhưng ở thành phố thì ngủ khuya dậy muộn. Bà ngoại ra chơi với cháu 1, 2 ngày thì vui chứ ra thành phố mà bị giam trong nhà sẽ dễ bị nảy sinh tâm lý mệt mỏi và khó chịu.

Thứ ba, là việc ở đây cần lo nhưng còn lo cho ông ngoại ở nhà còn nhiều hơn. Chỉ mong mong đến ngày để được về chăm nhà cửa, chăm ông.

Rất nhiều gia đình cảm thấy đón thêm thành viên mới trong gia đình là niềm vui, nhưng nhiều nhà lại có tâm lý là việc chăm cháu là nghĩa vụ của nhà ngoại. Hai bên đùn đẩy cho nhau mặc dù đây là cháu chung. Chuyên gia nghĩ sao về việc này?

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Trước khi phân chia thì cần phải xem xét các điều kiện khách quan và chủ quan trong gia đình: Ví dụ bà ngoại còn trẻ khỏe nhưng ở xa, bà nội gần sẽ có thể quan tâm hơn. Nhiều bà mẹ đẻ có thể chăm con, đi nhẹ nói khẽ cho con được nhưng mẹ chồng thì khó.

Ông bà ra trông cháu: Báo hiếu cha mẹ hay bóc lột sức lao động của người già? - 2

Tuy nhiên, xuất phát tâm lý của các bà mẹ sau khi sinh thường sẽ vẫn thích mẹ mình chăm thích hơn. Tâm lý của lần đầu làm mẹ sẽ có nhiều bỡ ngỡ, cần sự giúp đỡ của mẹ. Với mẹ chồng thì sẽ rất ngại nhưng với mẹ đẻ thì mọi thứ đều dễ dàng, kể cả việc đôi khi cáu gắt, lười biếng một chút cũng được.

Nhiều người cho rằng chăm cháu là niềm vui, thế nhưng nếu hằng ngày ông bà quanh quẩn với công việc chăm sóc cháu, tâm lý của ông bà có vấn đề gì không?

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Thực ra nhiều người vẫn nghĩ là vì con vì cháu chứ thực ra tâm lý là không phải lúc nào cũng thoải mái. Cơ bản nhất là không phải nhà của mình, đến nhà con mình nhưng lại cảm giác mình như khách, loanh quanh trong nhà trong bếp.

Một số bà nội, bà ngoại còn trẻ sẽ có quan niệm là chơi với cháu chứ không chơi với cháu, có thể hỗ trợ con cái chứ không làm thay. Rất nhiều đôi vợ chồng trẻ bị bệnh ỷ lại, thực ra cả đời vất vả nuôi con, bây giờ đã có gia đình lại giúp đỡ cho gia đình con cái. Con cái thì nghĩ là báo hiếu nhưng thực chất là bóc lột sức lao động của người cao tuổi.

Các cặp vợ chồng trẻ có nhiều người thấy rằng để bà ra chăm cháu ở thành phố sẽ khá bất tiện, thà thuê osin còn thoải mái hơn. Còn nếu ông bà ra chăm cháu sẽ phải tính đến chuyện cho ông bà ít tiền, trả công cho ông bà. Điều này có hợp lý không và nên làm thế nào cho khéo hơn?

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Thực ra trong việc này, con cái cần phải tế nhị và tinh tế hơn. Bình thường ông bà ở nhà có rất nhiều nguồn thu nhập và thú vui hằng ngày như buôn bán lẻ, chăm sóc cây cối, nhà cửa.

Nếu coi việc ông bà ra để trả công là không nên. Đừng dùng cách đưa trực tiếp khiến ông bà tự ái. Thay vì vậy, hãy dành tiền biếu ông bà vào các dịp lễ tết và nói khéo để ông bà thấy được vị trí quan trọng của mình trong gia đình như: “bà ở lại con cảm thấy an tâm về cháu cũng như con cái, nhà cửa hơn”, “bà giúp con như vậy là con cảm thấy vui lắm rồi, con rất mong ông bà ở lại chăm sóc con và cháu ạ”...

Ông bà cũng không nên quá khắt khe hay quá can thiệp vào việc nuôi dạy con của con cái mình, tránh những mâu thuẫn không đáng có.

Chuyên gia có chia sẻ gì về việc các ông bà lên chăm cháu chăm con, đời sống sinh hoạt khác nhau, các đôi vợ chồng thường rất khó xử, đặc biệt là con dâu? Khi xảy ra các mâu thuẫn này, các ông chồng nên làm gì?

Ông bà ra trông cháu: Báo hiếu cha mẹ hay bóc lột sức lao động của người già? - 3

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Đã là nhờ bố mẹ thì cần phải chú ý cách cư xử, con dâu phải ý thức được mẹ chồng và chồng luôn ở cũng một phía. Cho dù người chồng biết là vợ đúng, mẹ sai nhưng không ai dám nói về việc ai đúng ai sai trước mặt bố mẹ cả.

Vì vậy con dâu phải biết thân phận của bản thân, nên đứng về một phía để hai bên có thể nói chuyện rõ ràng hơn. Nếu cảm thấy không thích, thấy xích mích thì nên thuê giúp việc bên ngoài. Còn nếu không thể thì đừng suy nghĩ về việc này quá nhiều đặc biệt là thời gian sau sinh mà ảnh hưởng đến tâm lý và các mối quan hệ trong gia đình.

Trước khi sinh, hai bên đã phải gặp nhau trước cả gia đình nên bàn luận xem nên để con ở đâu. Mỗi người đều có lý ví dụ chồng và bố mẹ chồng lại nghĩ cháu về quê sẽ không có đủ điều kiện, dinh dưỡng, không béo tốt, khỏe mạnh.

Ông chồng nào cũng muốn là nhìn con và vợ ở nhà, thế nhưng vợ con về quê thì trên thành phố sẽ sinh tâm lý buồn chán. Vì vậy, theo tôi là không nên tách gia đình ra, vì vậy nếu cảm thấy như vậy sẽ phải chia sẻ thẳng thắn với cả ông bà ngoại và ông bà nội. Mình phải khẳng định là bà nào giúp thì giúp còn lại bản thân sẽ tự lực.

Về mặt nguyên tắc, ai cũng cần phải có trách nhiệm làm bố. Bản thân việc này cũng giúp đôi vợ chồng trẻ có thể trưởng thành hơn. Thời gian đầu có khó khăn nhưng chắc chắn sẽ có nhiều trưởng thành hơn.

Nếu có con gái, tôi sẽ không bao giờ dạy con ba chữ phải hy sinh
Thân thể và tâm hồn của một cô gái là do cha mẹ cô ấy trao tặng, là thứ cần phải được nâng niu và nuôi dưỡng, chứ không phải là để thả trôi vô định...
Theo Dung Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình