Thuộc hàng tuyệt thế giai nhân thời cổ đại Trung Hoa, khiến Hoàng đế mất cả giang sơn chỉ vì một nụ cười của mình nhưng cuối cùng, nàng đã phải thắt cổ tự vẫn.
Mỹ nhân sinh ra từ dãi rồng
Mỹ nhân Bao Tự hay còn gọi Tụ Tự sinh sống vào thời Tây Chu. Tương truyền thời nhà Hạ suy vi đã có 2 con rồng thần vào sân đình của vua tự xưng là vua nước Bao. Sau khi được triều đình tế lễ, rồng thần đã bay đi và nhả lại dãi.
Từ đời nhà Hạ tới đời nhà Thương, không ai dám mở hộp dãi rồng này. Cho đến thời Chu Lệ Vương, khi chiếc hộp được mở ra thì nước dãi đã biến thành con thằn lằn đen chạy vào cung khiến một cung nữ mang thai. Bé gái khi sinh ra bị cho là vật tai dị nên bị bỏ đi.
Một đôi vợ chồng thời ấy do không biết có lệnh cấm bán gỗ dâu và gỗ cơ nên khi mang ra chợ bán đã bị triều đình truy bắt. Trên đường chạy trốn thì gặp đứa trẻ bị bỏ rơi, họ bèn ôm theo mang tới nước Bao lánh nạn.
Vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng đã khiến Chu U Vương đem lòng say mê. (Ảnh minh họa)
Cô bé Bao Tự khi lớn lên vô cùng xinh đẹp, sắc vóc hơn người. Khi người nước Bao phạm tội với Chu U Vương, Bao Tự được dâng cho vua để chuộc tội. Vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng đã khiến Chu U Vương đem lòng say mê.
Thế nhưng mỹ nữ này lại không bao giờ cười khiến Chu Ung vương rất đau lòng, luôn tìm mọi cách để khiến được thấy nụ cười của nàng mà không được. Chu Ung vương bất chấp tất cả, nghĩ ra đủ mọi cách để làm hài lòng người đẹp nhưng tất cả đều vô nghĩa. Lịch sử văn học Trung Quốc có câu "Nhất tiếu thiên kim” với ý nghĩa nụ cười đáng giá ngàn vàng chính là để nói về nụ cười tai hại này của Bao Tự.
Nụ cười khiến cả triều đại diệt vong
Sau một thời gian được sủng ái, Bao Tự sinh cho vua một người con trai tên là Bá Phục. Chu U Vương khi ấy đã có Thái tử do hoàng hậu họ Thân sinh ra nhưng vì quá sủng ái Bao Tự, Hoàng đế còn muốn phế bỏ Thân hậu và Thái tử để lập Bao Tự lên ngôi hoàng hậu, Bá Phục làm Thái tử.
Ngày càng sủng ái và mê đắm Bao Tự nhưng Chu U Vương vẫn sầu muộn trong lòng vì chưa được nhìn thấy nụ cười của mỹ nhân. Một trong những cách vua đã dùng để "mua" nụ cười của nàng Bao Tự nhưng không thành là xé lụa.
Sử sách ghi rằng, khi vua Chu U Vương gặng hỏi về chuyện Bao Tự không bao giờ cười, nàng đã nói: "Tiện thiếp chẳng thiết gì cười. Hôm trước có người xé lụa, nghe tiếng cũng lấy làm vui".
Hoàng đế nghe thấy vậy bèn truyền lệnh mỗi ngày phải dâng vào cung 100 tấm lụa rồi sai cung nữ đứng xé. Thế nhưng hàng ngàn tấm vải lụa bị xé tan, Bao Tự vẫn chỉ tươi hơn một chút chứ chẳng chịu nhoẻn miệng cười.
Ngày càng sủng ái và mê đắm Bao Tự nhưng Chu U Vương vẫn sầu muộn trong lòng vì chưa được nhìn thấy nụ cười của mỹ nhân. (Ảnh minh họa)
Chu U Vương bèn truyền cho quần thần xem ai có cách gì làm Bao Tự cười thì sẽ thưởng lớn. Một viên quan khi đó đã hiến kế giả đốt lửa báo tin có giặc để mua vui, không ngờ kế sách lại khiến vua mất nước.
Thời đó, đài phong hỏa là nơi để truyền tin tức chiến tranh. Nếu có địch xâm phạm biên giới, binh sĩ sẽ đốt khói lửa để truyền ngay tin báo động. Các nước chư hầu thuộc nhà Chu cũng căn theo hiệu lệnh đó để biết đường đem quân tới giúp đỡ.
Chu U Vương nghe theo lời hiến kế bèn sai quân đốt lửa. Quân chư hầu mấy nước lân cận ngỡ là có giặc bèn mang quân tới ứng cứu. Song khi đến kinh thành, các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau khi mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc xâm chiếm ở đâu cả.
Bao Tự khi ấy ở trên đài, tận mắt trông thấy các chư hầu ngày thường phong độ mà nay ngơ ngác lúng túng nên đã bật cười. Nhìn thấy ái thiếp tươi cười, Chu U Vương vô cùng vui sướng mãn nguyện nên sau khi các chư hầu trở về, vua lại ra lệnh đốt lửa một lần nữa khiến họ vội vã đưa quân đội đến. Bị lừa mấy lần, các chư hầu dần mất niềm tin ở Chu U Vương và quyết không dẫn quân đến khi có lửa đốt trên đài phong hỏa nữa.
Một thời gian sau, nghe tin Chu U Vương muốn phế truất ngôi Thân hậu và Thái tử để lập Bao Tự lên Hoàng hậu, vua nước Thân hết sức bất bình, bèn cùng các nước láng giềng dẫn quân đánh chiếm nhà Chu. Chu U Vương vội cho đốt lửa phong đài nhưng các chư hầu tưởng vua đùa nên không ai mang quân tới nữa.
Chu U Vương mang Bao Tự và con bỏ chạy song đã bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Kinh thành nhà Chu bị đánh chiếm một cách nhanh chóng, nhà Chu bị diệt vong. Bao Tự sau đó đã thắt cổ tự vẫn, kết thúc cuộc đời mỹ nhân có nụ cười đắt giá nhất lịch sử Trung Hoa.