Bốn cái hố này đang ngầm kéo nhiều phụ nữ xuống, khiến họ không thể sống hạnh phúc với đúng con người thật của mình. Điều quan trọng là liệu chúng ta có thể thức tỉnh và nhận ra những niềm tin này, để thực sự sống cuộc đời của mình, rực rỡ và tỏa hương hay không.
1. Hố đầu tiên: “Lấy chồng đi, sao phải vất vả thế”
Bạn chắc hẳn từng được nghe những câu nói này: “Công việc tốt không bằng lấy chồng tốt”, “Sự nghiệp có tốt đến mấy mà gia đình không hạnh phúc thì phụ nữ sống cũng chẳng có ý nghĩa gì” hay “Phụ nữ không cần vất vả, sống thoải mái là được”...
Không ít phụ nữ mang ảo tưởng rằng chỉ cần tìm được một người đàn ông tốt để kết hôn thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Đặc biệt khi rơi vào trạng thái chán nản, họ càng muốn ẩn mình trong lựa chọn đó.
Có cô gái nọ quyết định nghỉ việc ở tuổi 25 sau khi kết hôn với một “phú nhị đại” (thế hệ giàu có thứ hai). Nghe như một câu chuyện đổi đời nhờ việc kết hôn nhưng nó có thực sự tốt như vậy không?
Mẹ chồng cô là một doanh nhân nổi tiếng, rất quyền lực và giàu có. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay mẹ chồng cô quản lý. Chồng cô không có tiếng nói trong nhà, cũng không có sự nghiệp mà chỉ quanh quẩn uống rượu chơi bài, hai vợ chồng không được cầm tiền, mọi thứ đều là do mẹ chồng hỗ trợ.
Sau nhiều năm bên nhau, cô sinh được 2 người con gái. Mẹ chồng cô cho rằng nếu không sinh được con trai thì tài sản của gia đình rồi sẽ rơi vào tay người ngoài. Vậy là cô lại miệt mài trong hành trình thuốc thang với những mong sinh được một cậu con trai.
Trên thực tế, thời điểm lấy chồng, cô đã có cơ hội chuyển sang vị trí tốt hơn nhưng đã lựa chọn từ bỏ để kết hôn. Nếu ngay từ đầu cô không tin vào lời nói dối “lấy chồng giàu thì không cần vất vả” mà phát triển bản thân, có lẽ kết quả sẽ hoàn toàn khác.
Những người phụ nữ như cô gái trên coi hôn nhân là bàn đạp của cuộc đời, để hôn nhân giải quyết mọi rắc rối để rồi từ bỏ phát triển bản thân trong những năm tháng quan trọng. Họ muốn tiến về phía trước nhưng lại “lười biếng” chọn cách kết hôn, từ bỏ cơ hội phát triển bản thân và dần mất đi khả năng lựa chọn cuộc sống.
Dù ở độ tuổi nào và trong hoàn cảnh ra sao, đừng dối mình bằng tư tưởng sai lầm đó. Hãy phát triển bản thân, nỗ lực gia tăng gia trị của mình, bạn sẽ có thể chủ động lựa chọn cuộc sống mình muốn, để mối quan hệ giữa hai giới thực sự dựa trên sự cộng hưởng cảm xúc.
2. Hố thứ hai: Luôn kìm nén cảm xúc bất ổn
Người phụ nữ nọ khi gặp một người khách lạ, chẳng hiểu vì sao lại mở lòng về cuộc sống của mình. Cô bắt đầu nói không ngừng, từ việc học hành của con cái, đến mối quan hệ với chồng và mẹ chồng, đủ mọi cảm xúc hỗn loạn. Cô kể bản thân thực sự sợ chia sẻ những cảm xúc ấy với người thân xung quanh mình.
Có lần, cô mất kiềm chế và cãi nhau với chồng. Khi nhìn thấy đứa trẻ đứng ở góc nhà, cô đã sợ hãi và khóc. Chồng cô quay lại trách móc: "Cô xem mình có khác gì một người phụ nữ điên rồ không? Cô định làm gương cho lũ trẻ như thế sao?" Mọi nỗi giận trong lòng cô bị kìm lại, cô đặc biệt sợ cảm xúc của mình sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Nhiều phụ nữ đã bị chính những người thân thiết của mình “tố cáo” là người không ổn định về mặt cảm xúc. Cảm xúc bất ổn dường như đang phát triển thành “cái tội” của phụ nữ, như câu nói “Phụ nữ thật rắc rối, “Phụ nữ thật phi lý”, “Phụ nữ thật bất ổn”… Những giọng nói như vậy buộc nhiều phụ nữ phải kìm nén cảm xúc của mình và vờ như bản thân không hề tức giận hay thất vọng để rồi rơi vào mâu thuẫn nội bộ sâu sắc hơn.
Cảm xúc là năng lượng tự nhiên mà chúng ta sinh ra đã có. Điều chúng ta cần làm không phải là kìm nén và chống lại những cảm xúc đó mà là giải thoát bản thân khỏi chúng.
Nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong cảm xúc là vì họ coi con cái, chồng, cha mẹ như một phần của mình và cảm xúc của người thân ảnh hưởng đến sự lên xuống trong cảm xúc của mình. Họ thấy mình liên tục phải tiêu hóa những mối quan hệ phức tạp xâm nhập vào trái tim mình và liên tục đối mặt với thăng trầm của cảm xúc.
Hãy cho phép mình được phép tức giận nhưng đồng thời nhắc nhở bản thân rằng những điều này không liên quan gì đến bản thân bạn, sự đánh giá cũng như cảm xúc của ai kia không đại diện cho giá trị của chính bạn. Khi bạn có thể cho phép những cảm xúc xảy ra và kiểm soát chúng, bạn sẽ sống đúng với con người thật của mình.
3. Hố thứ ba: Kỳ vọng người đàn ông có thể hiểu mình hoàn toàn
Có sự khác biệt nhất định trong suy nghĩ của đàn ông và phụ nữ. Không ít chị em sau nhiều năm hôn nhân đã chán chường mà nói rằng, hóa ra chồng không hề hiểu mình, không có sự đồng cảm. Họ cho rằng đó chính là biểu hiện của không yêu, không thương những thực sự bản chất suy nghĩ giữa đàn ông và phụ nữ khác nhau. Chỉ là chồng của họ đang không yêu họ theo cách họ mong đợi.
Những người phụ nữ này mong đợi một mối quan hệ luôn kề cận bên nhau: “Anh ấy có thể đi cùng tôi đến bất cứ nơi nào tôi muốn”. “Anh phụ trách kiếm tiền nuôi gia đình, còn tôi sẽ làm đẹp”, “Anh ấy có thể giải quyết những công việc hàng ngày mà tôi không thể giải quyết, mang lại giá trị tinh thần và khiến tôi hạnh phúc”, “Anh ấy sẽ kiên nhẫn lắng nghe mọi điều tôi nói, an ủi và dỗ dành tôi”...
Họ mong mình được chăm sóc như những em bé và bạn đời đóng vai trò là “đối tác hoàn hảo”. Tuy nhiên, đàn ông sẽ bị những kỳ vọng về "đối tác hoàn hảo" này khiến cho sợ và trở nên xa cách. Loại kỳ vọng bất đối xứng này sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh thực sự của cả hai giới cũng như sự giao tiếp bình đẳng. Nhìn thấy sự khác biệt giữa suy nghĩ của đàn ông và phụ nữ là bước đầu tiên trong việc quản lý một mối quan hệ thân mật.
4. Hố thứ tư: Sự không tự do của người độc lập kinh tế
Cô gái nọ năm nay 38 tuổi, có mức thu nhập là niềm mơ ước của bao người, độc lập về tài chính nhưng cuộc sống lại không như người ta vẫn tưởng. Cô có lối sống hết sức đạm bạc, phần nhiều thu nhập mỗi tháng đều gửi tiền về cho gia đình để nuôi em trai. Số tiền dành dụm được trong bao năm cũng đủ để cô mua nhà cho mẹ nhưng mẹ cô nói sẽ để lại cho em trai cô sau này.
Cô và bạn trai sống với nhau đã 3 năm nhưng chưa kết hôn. Cô không thấy việc anh chưa mua được nhà có vấn đề gì, sẵn sàng sống theo mức của anh để bình đẳng góp sắp đủ tiền đặt cọc mua nhà. Cho tới khi trở về sau chuyến công tác kéo dài một tuần, cô đã bừng tỉnh.
Căn nhà hai người bỗng hóa thành một “bãi rác” với đầy những quần áo bẩn vứt khắp nơi cùng rác đồ ăn, thức uống. Vì cô đi vắng nên việc dọn dẹp không còn ai làm. Cô chợt hiểu, hóa ra bấy lâu nay cả hai đều ngầm hiểu rằng phụ nữ là người quán xuyến việc nhà.
Nhiều phụ nữ cũng đã rơi vào hố sâu như vậy, trở nên tự lập nhưng lại không dám thực sự yêu thương bản thân mình. Khi thấy những yêu thương mình dành cho bản thân có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ, họ sẽ để bản thân mình ở phía sau, kìm nén bản thân để trung thành với mối quan hệ. Họ tự do về mặt kinh tế nhưng lại không thể tự do về mặt tâm lý.