Đây là 8 trường hợp bạn không nên nói xin lỗi và thay vào đó là những cách hiệu quả hơn nhiều.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
1. Tìm cách để nói “Cảm ơn”
Bạn có thể thể hiện sự quan tâm mà không hạ thấp bản thân mình bằng cách nói "Cảm ơn".
Ví dụ: Nếu một dự án bị tụt lại phía sau, thay vì bào chữa rằng "Tôi rất tiếc vì tôi làm được điều đó cho bạn”, hãy nói "Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn khi chúng tôi điều hướng dự án này. Tất cả sẽ hoàn thiện trong ngày thứ 6 tới”.
Khi bạn làm chủ hoàn cảnh, bạn sẽ lấy lại được sức mạnh của mình thay vì nức nở với lời xin lỗi.
2. Trả lời bằng hành động, không phải lời nói
Dù ở nơi làm việc hay trong cuộc sống, lời xin lỗi có thể thể hiện sự chân thành, khiêm tốn và cảm giác tiếc nuối về những điều đã xảy ra không như mong muốn. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó có thể bị coi là sự bao biện. Thay vì nói “Tôi xin lỗi”, hãy thể hiện bằng hành động tích cực sửa chữa của mình. Những gì bạn làm nhằm giải quyết và ổn định vấn đề có thể là một sự thay thế tích cực cho từ xin lỗi.
3. Nói về những gì bạn muốn như một giải pháp
"Tôi xin lỗi" có thể trở thành một câu nói vô nghĩa. Thay vào đó, bạn có thể thay thế bằng cách nói rằng "Tôi mong muốn là…" Tuyên bố sẽ đặt trọng tâm vào những gì sắp xảy ra hoặc những gì cả hai bên cùng muốn thấy xảy ra. Người nghe sẽ cảm thấy mình được lắng nghe hơn cũng như hiểu được tâm tư của người nói. Câu nói này sẽ giúp bạn chuyển sang chế độ giải quyết vấn đề thay vì chỉ xin lỗi về những gì đã xảy ra.
4. Đừng xin lỗi vì “làm phiền” người khác
Có một thực tế là câu "Tôi xin lỗi" đang được sử dụng sai trong các cuộc họp cũng như cuộc trò chuyện khi một người muốn xen vào một ý kiến hoặc đặt câu hỏi. Thay vì nói lời xin lỗi, hãy nói ra suy nghĩ của bạn một cách đơn giản và lịch sự khi người kia tạm dừng như “Một cuộc trò chuyện 5 phút bây giờ có phù hợp không?” Đừng xin lỗi vì bạn có một ý kiến khác hoặc một câu hỏi có thể giúp hoàn thành công việc của mình.
5. Đồng cảm thay vì thông cảm
Một số người sử dụng câu nói "Tôi xin lỗi" để thể hiện sự thông cảm của mình với người khác. Thay vào đó, hãy thể hiện sự đồng cảm bằng cách phản ánh lại những gì người kia có thể cảm thấy.
Ví dụ: Nếu ai đó chia sẻ một câu chuyện hoặc trải nghiệm khó khăn, bạn có thể nói: "Điều đó dường như thực sự khó khăn đối với bạn". Lời xin lỗi thường truyền tải sự thông cảm và điều này hiếm khi khiến người kia cảm thấy được lắng nghe, quý trọng hoặc thấy tốt hơn.
6. Trả lời một cách tự tin khi thấy thất bại và cam kết sửa chữa
Dù trong công việc hay cuộc sống, lời xin lỗi luôn có giá trị và vị trí của nó. Tuy nhiên, hãy để dành lời xin lỗi khi bạn làm tổn thương ai đó về mặt cá nhân hoặc tình cảm. Trong công việc, thay vì nói “Tôi xin lỗi”, bạn hãy nhận ra sự thất bại của mình và trả lời một cách tự tin: "Mọi việc không diễn ra tốt đẹp như kế hoạch nhưng tôi đã nắm bắt được vấn đề. Hãy để tôi xử lý”. Sau đó, thu thập tất cả các nguồn lực cần thiết và hoàn thành công việc thật tốt.
7. Nhìn nhận vấn đề một cách lý trí, thực tế
Chúng ta thường nói lời xin lỗi để ngăn những xung đột một cách vô thức. Bạn thấy không đồng ý với ý kiến của ai đó và nói rằng "Xin lỗi nhưng tôi không đồng ý". Điều này thực tế đang khiến bạn tự làm mất đi quyền năng của mình.
Thay vào đó, hãy thử nói rằng "Hãy nhìn điều này từ một góc độ khác". Đây là một cách tiếp cận hay và không khiến bạn trở nên lép vế trước người khác.
8. Yêu cầu những phản hồi mang tính xây dựng
Khi một người xin lỗi quá nhiều, điều đó có thể xuất phát từ lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác lo lắng. Và còn cách nào tốt hơn giúp bạn xây dựng lòng tự trọng hơn việc nhận những phản hồi?
Thay vì xin lỗi, hãy hỏi người đối diện rằng: "Bạn có thể cho tôi những phản hồi về cách tôi có thể làm việc này tốt hơn không?" Những phản hồi mang tính xây dựng sẽ hỗ trợ bạn thành công và tăng cường sự tự tin. Cấp trên sẽ tin rằng bạn thực sự muốn cải thiện tình hình và tin tưởng vào ý kiến của họ.