Với ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0, bạn sẽ biết chính xác cách mình tiêu tiền và có thể ưu tiên các mục tiêu tài chính cụ thể của bản thân.
Ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 là chiến lược lập ngân sách trong đó bạn chỉ định mỗi đồng thu nhập của mình cho một công việc cụ thể. Vào cuối tháng, sau khi đã tính tất cả các khoản tiết kiệm và chi tiêu của mình, bạn sẽ không còn tiền.
Để có thể hiểu rõ và biết cách áp dụng, hãy đi sâu hơn vào phương pháp lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0, cách thức hoạt động và những ưu và nhược điểm của nó.
Lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 là gì, hoạt động ra sao?
Lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 còn được gọi là lập ngân sách với tổng bằng 0, là nơi thu nhập của bạn trừ chi phí bằng 0. Phương pháp này khuyến khích bạn dành số tiền nhận về của mình hàng tháng cho các chi phí, khoản thanh toán nợ và các mục tiêu tài chính. Với chiến lược này, bạn sẽ biết chính xác tất cả những tiền của mình đi đâu hàng tháng.
Ví dụ: Mỗi tháng bạn thu về 15 triệu đồng. Với ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0, bạn sẽ phân bổ tất cả số tiền đó cho các hóa đơn, tiết kiệm và chi tiêu, để cuối tháng những gì bạn còn lại là 0 đồng.
Về cách thức hoạt động, đầu tiênbạn cần biết mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Tiếp theo, bạn cần biết tổng chi phí hàng tháng của mình và sau đó phân bổ từng đồng của mình cho tất cả các khoản, bao gồm nhu cầu cần thiết, mong muốn và tiết kiệm.
Ví dụ: Giả sử mỗi bạn kiếm được 15 triệu đồng từ công việc của mình. Bạn có thể đặt 6 triệu đồng trong đó vào khoản chi phí sinh hoạt cho tiền thuê nhà, điện nước và thức ăn; 3 triệu đồng trả nợ vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng; 4,5 triệu đồng cho khoản tiết kiệm để xây dựng quỹ khẩn cấp và mua nhà chẳng hạn; 1,5 triệu đồng cuối cùng cho việc mua sắm, đổ xăng, đi du lịch hoặc bất cứ thứ gì khác mà bạn muốn và có thể chi trả.
Ngân sách hàng tháng: 15 triệu đồng
Chi phí sinh hoạt: 6 triệu đồng
Khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng: 3 triệu đồng
Tiết kiệm: 4,5 triệu đồng
Mong muốn (mua sắm, ăn uống, đi du lịch...): 1,5 triệu đồng
Kết thúc ngân sách hàng tháng: 0 đồng
Trong trường hợp này, thu nhập 15 triệu đồng của bạn trừ đi tất cả các chi phí là 15 triệu đồng bằng 0 đồng.
Với ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0, nếu bạn chi tiêu dưới mức cho phép của một danh mục, bạn nên phân bổ lại số tiền chưa tiêu đó cho một danh mục khác. Ngược lại, nếu bạn chi tiêu quá mức cho một danh mục, bạn sẽ phải tìm tiền từ một danh mục khác để bù vào.
Ưu và nhược điểm của lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0
Ưu điểm
Có thể nhìn nhận rõ về chi tiêu của mình: Ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 giúp bạn dễ dàng biết chính xác tiền của mình đi đâu mỗi tháng. Nếu bạn thực hiện chiến lược này, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng bạn đã chi A đồng cho chi phí này, B đồng cho nợ kia, C cho tiết kiệm và D đồng cho mong muốn của bạn.
Tránh bội chi: Nếu bạn có xu hướng chi tiêu quá mức thì phương pháp lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 có thể hữu ích. Bạn sẽ ít có khả năng chi tiêu số tiền mình không có bởi mỗi đồng đều đã được phân bổ cho một nơi nhất định.
Ưu tiên các mục tiêu tài chính: Bạn có thể tạo ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 để đáp ứng các mục tiêu tài chính của mình. Ví dụ: Nếu bạn muốn trả hết các khoản vay sinh viên càng sớm càng tốt, bạn có thể phân bổ một phần lớn tiền của mình cho khoản nợ đó mỗi tháng.
Nhược điểm
Tốn thời gian để tạo: Bạn có thể mất một khoảng thời gian để tạo ngân sách theo cách này. Bạn sẽ phải tính toán nguồn thu hàng tháng, quyết định cách bạn muốn chi tiêu và dành từng đồng tiền cho một danh mục nhất định .
Có thể gặp khó khăn nếu thu nhập không ổn định: Nếu bạn tự kinh doanh, làm nghề tự do hay thu nhập ăn theo sản phẩm… thu nhập của bạn có thể dao động hàng tháng và khiến bạn gặp khó khăn hơn để phân bổ số tiền cho các khoản mục mỗi tháng.
Không phải lúc nào cũng tính đến chi phí biến đổi: Các khoản chi phí bất thường hoặc đột xuất thường cần có một khoản dành sẵn trước. Trừ khi bạn có một danh mục cụ thể cho chúng, phương pháp lập ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 có thể không giúp bạn tính toán cho phần này.
Bạn có thể tạo một danh mục cụ thể cho các khoản chi không thường xuyên như bảo dưỡng xe hơi, hóa đơn khám của thú cưng…
Cách tạo ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 của riêng bạn
Nếu bạn muốn tạo ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 của riêng mình, hãy làm theo các bước sau:
Xác định thu nhập ròng
Hãy cộng thu nhập từ lương và bất kỳ khoản thu nhập nào khác trong tháng của bạn. Đây là cách để bạn biết rằng mỗi tháng mình có bao nhiêu tiền để phân bổ chi tiêu.
Lưu ý: Số tiền bạn mang về nhà hay thu nhập ròng là tổng thu nhập của bạn sau khi trừ thuế và các khoản đóng góp hưu trí, bảo hiểm bắt buộc.
Theo dõi chi tiêu
Trong một vài tháng, hãy sử dụng bảng sao kê thẻ tín dụng cộng với các biên lai để theo dõi số tiền bạn thường chi tiêu hoặc ghi chép lại việc chi tiêu mỗi ngày. Với điều này, bạn sẽ biết mình đang chi tiền cho những gì, dễ nhận ra đâu là danh mục mà bạn có thể cắt giảm chi tiêu của mình cũng như các lĩnh vực mà bạn muốn phân bổ nhiều hơn.
Phân loại chi phí của bạn
Hãy viết ra các chi phí và ưu tiên của bạn. Đó sẽ là danh sách bao gồm tất cả mọi thứ bạn cần và muốn. Nhu cầu của bạn có thể là tiền thuê nhà, bảo hiểm y tế… trong khi mong muốn của bạn có thể là mua thẻ thành viên phòng tập thể dục, cà phê và giải trí. Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền để mua nhà, hãy tạo danh mục "quỹ nhà", nếu muốn thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng, hãy tạo danh mục "nợ thẻ tín dụng".
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng lập ngân sách, bảng tính hoặc đơn giản là sổ tay để tạo và theo dõi ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 của mình.
Các giải pháp thay thế cho lập ngân sách trên cơ sở bằng 0
Nếu bạn không chắc liệu lập ngân sách trên cơ sở bằng 0 có phải là cuộc chiến dành cho mình hay không, bạn có thể xem xét các phương pháp lập ngân sách thay thế như:
Chỉ sử dụng tiền mặt: Đúng với tên của nó, phương pháp này có nghĩa rằng bạn chỉ sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các nhu cầu và mong muốn của mình. Đồng nghĩa với đó là bạn sẽ không dùng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, không dùng các ứng dụng thanh toán. Phương pháp này sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn khi phải chi ra những đồng tiền của mình.
Phương pháp phong bì: Tương tự như phương pháp chỉ dùng tiền mặt và ngân sách trên cơ sở số 0, bạn sẽ sử dụng các phong bì đựng tiền mặt để phân bổ tiền cho các danh mục khác nhau. Khi phong bì của bạn trống không, các chi tiêu của bạn trong tháng đã hoàn tất.
50/30/20: Với phương pháp lập ngân sách này, bạn sẽ phân bổ 50% thu nhập cho các nhu cầu, 30% cho mong muốn của bạn và 20% cho các mục tiêu tiết kiệm hoặc tài chính.
80/20: Tương tự như phương pháp 50/30/20, phương pháp này phân bổ 20% ngân sách của bạn cho tiết kiệm và 80% cho chi tiêu.
Bài học chính rút ra - Ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0 là khi thu nhập của bạn trừ đi các khoản chi bằng 0. Điều này có nghĩa rằng bạn không còn tiền để chi tiêu cho những thứ không cần thiết vào cuối tháng. - Phương pháp này chỉ định mỗi đồng tiền mà bạn kiếm được cho một công việc cụ thể. - Với ngân sách dựa trên cơ sở bằng 0, bạn sẽ biết chính xác cách mình tiêu tiền và có thể ưu tiên các mục tiêu tài chính cụ thể của bản thân. |