Chỉ cần chú ý và nỗ lực một chút, bạn hoàn toàn có thể thành thạo các bí quyết để quản lý tiền bạc và có được nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Chúng ta có thể sẽ không giàu như những tỷ phú giàu nhất thế giới Mark Cuban, Warren Buffett hay Michael Bloomberg song chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ những thói quen tiền bạc thông minh của họ.
Từ việc loại bỏ các khoản nợ đến thanh toán hóa đơn đúng hạn, những người hiểu biết về tài chính đã phát triển những thói quen tốt và xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo ổn định tài chính. Mọi thứ không khó khăn như nhiều người vẫn tưởng. Chỉ cần chú ý và nỗ lực một chút, bạn hoàn toàn có thể thành thạo các bí quyết để quản lý tiền bạc và có được nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Có ngân sách bằng văn bản
Nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của việc lập ngân sách và họ cũng phân định ra mình cần chi bao nhiêu cho những khoản nào. Tuy nhiên, họ lại chỉ giữ những suy nghĩ đó trong đầu và chưa từng viết ra văn bản.
Khi bạn thể hiện ngân sách của mình bằng văn bản, bạn sẽ thấy chính xác tiền của mình đang đi đến đâu. Mọi thứ không còn mơ hồ mà rõ ràng theo từng khoản mục. Không những vậy, điều này còn giúp bạn điều chuyển tiền của mình đến nơi bạn muốn.
Ngân sách sẽ là lộ trình để bạn đảm bảo thành công về mặt tài chính, bởi vậy đừng quên từng khoản chi tưởng chừng nhỏ nhất. Đừng quên ly cà phê bạn uống mỗi sáng trên đường đi làm hay những khoản tương tự như vậy.
Trả nợ
Hãy thực hiện các bước cần thiết để từng bước thanh toán và xử lý hết các khoản nợ của bạn. Bạn sẽ cần lập một kế hoạch trả nợ và đảm bảo bám sát kế hoạch đó.
Bạn cần đánh giá các khoản nợ mà mình đang mang, xét xem đâu là khoản mà mình có thể xử lý được trước. Theo đó, khoản nợ thẻ tín dụng cần là thứ đầu tiên mà bạn xem xét bởi lãi suất cao cũng như ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Chỉ cần tìm hiểu một chút, bạn sẽ thấy có nhiều phương pháp nhằm giúp bạn nhanh chóng xử lý các khoản nợ hơn. Đó sẽ là một quá trình không đơn giản song bạn hoàn toàn có thể làm được nếu chăm chỉ và cố gắng.
Tiết kiệm hàng tháng
Đây là thói quen tốt mà không ít người lại bỏ qua. Việc lập ngân sách của bạn không nên bỏ qua phần thu, liệt kê những khoản bạn kiếm được và có kế hoạch tiết kiệm cho các khoản mục của mình như cho quỹ khẩn cấp, quỹ nghỉ hưu hay du lịch.
Một mẹo tốt mà bạn nên học để tiết kiệm tiền hiệu quả hơn chính là thiết lập chế độ tự động tiết kiệm. Ngày nay, rất nhiều ứng dụng của ngân hàng cho phép bạn thiết lập điều này ngay trên điện thoại của mình hoặc bạn có thể đến chi nhánh của ngân hàng để được tư vấn thêm. Khi các khoản thu nhập đều được trích theo một tỷ lệ nhất định để chuyển sang tài khoản tiết kiệm, bạn sẽ không còn viện những lý do cho việc không có tiền để tiết kiệm nữa.
Loại bỏ cảm giác muốn hài lòng ngay lập tức
Bạn có thể bị hấp dẫn bởi mẫu túi xách mới ra, đôi giày xinh xắn mà bạn thấy trên phố hay một sản phẩm vô tình nhìn thấy trên quảng cáo. Tuy nhiên, thay vì chi ngay tiền để sở hữu chúng, hãy bình tĩnh hơn để nghĩ xem, liệu bạn có cần chúng không? Việc mua được chúng có thực sự khiến bạn hài lòng không? Tại sao bạn lại cảm thấy muốn mua chúng?
Tự hỏi bản thân những câu hỏi này có thể giúp bạn tránh việc mua hàng theo cảm xúc, điều thường khiến người mua phải hối hận sau đó.
Trò chuyện, chia sẻ về tiền bạc
Việc cùng nhau chia sẻ, trò chuyện về tiền bạc sẽ giúp bạn và cả người kia biết được mình cũng như đối phương đang ở tình trạng tài chính ra sao. Những cuộc trò chuyện, chia sẻ đó cần có trong mọi lĩnh vực của mối quan hệ, không chỉ gồm tiền bạc. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc giấu giếm, không chia sẻ việc chi tiêu với nửa kia của mình sẽ là cách để cả hai tránh được những cuộc cãi vã. Hai bạn có thể định kỳ trò chuyện với nhau về tài chính hàng tuần hoặc hàng tháng để cùng nhau phát triển tốt hơn.
Tạm dừng sử dụng thẻ tín dụng
Sử dụng tiền mặt là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo bạn có đủ tài chính. Ngay cả khi bạn sử dụng thẻ tín dụng đúng cách và trả đúng hạn hàng tháng, bạn vẫn có thể bị bội chi.
Nếu bạn chỉ có 100 nghìn đồng để đi siêu thị, việc sử dụng tiền mặt sẽ ngăn bạn chi tiêu 101 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng thẻ tín dụng, bạn có thể bị cám dỗ để chi tiêu nhiều hơn những gì bạn dự định, không chỉ 101 nghìn đồng mà có thể vượt rất nhiều.
Thanh toán hóa đơn của bạn đúng hạn
Việc thanh toán hóa đơn trễ là một trong những nguyên nhân khiến ngân sách của bạn bị phá hủy nghiêm trọng. May mắn thay, có nhiều cách có thể giúp bạn đảm bảo thanh toán đúng hạn các hóa đơn.
Bạn có thể đặt lời nhắc trên điện thoại, ghi trên lịch hay đặt chế độ tự động thanh toán trên ứng dụng ngân hàng… Khi thanh toán hóa đơn đúng hạn, bạn sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn và tránh mắc thêm nợ do các khoản phí trả chậm.
Sống dưới khả năng
Nhiều người ước mình có thể sống trong một ngôi nhà lớn hơn, lái một chiếc xe đẹp hơn, xách chiếc túi thời thượng hơn... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có đủ tiền để thực hiện lối sống đó.
Sự khác biệt trong thu nhập đòi hỏi bạn cần có lối sống khác nhau, tuỳ thuộc vào khả năng của mình. Việc chạy theo người khác, chạy theo lối sống bề ngoài hào nhoáng, vượt trên khả năng của mình có thể khiến toàn bộ ngân sách của bạn rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một căn hộ 3 phòng ngủ có thể trong tầm tay với người này nhưng lại là quá sức với người kia.
Dù mức lương của bạn là bao nhiêu thì điều mấu chốt cần đảm bảo là không được tiêu nhiều hơn số tiền mình có. Hãy cân nhắc việc lập kế hoạch tiết kiệm trước khi định mua thứ gì.
Hãy thông minh khi sử dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có thể là một cách tuyệt vời để bạn xây dựng tín dụng của mình cũng như nhận được những ưu đãi. Điều quan trọng là bạn cần sử dụng chúng đúng cách.
Đừng bao giờ chi nhiều hơn những gì mình có sẵn trong ngân hàng. Nếu bạn chỉ có 500 nghìn đồng trong tài khoản của mình, đừng chi tiêu nhiều hơn số đó. Ngay cả khi bạn biết tuần sau là ngày lĩnh lương cũng không có điều gì đảm bảo 100% rằng công ty bạn sẽ thanh toán lương đúng hạn.
Cân đối tài khoản thường xuyên
Bạn có thể sử dụng ngân hàng trực tuyến để kiểm tra tài khoản của mình nhưng không nên dựa vào số dư này. Bạn có thể có nhiều giao dịch khác bằng tiền mặt, ở các thẻ ngân hàng khác nhau hay mua nợ… Chỉ có bạn mới là người biết rõ nhất về các khoản chi tiêu của mình. Bằng cách cân bằng tài khoản của bạn thường xuyên, bạn sẽ biết những gì mình thực sự đã chi tiêu.
Bạn không cần ép mình phải một lúc thực hiện luôn cả 10 thói quen tài chính tốt này. Hãy tìm một hoặc một vài thói quen mà bạn nghĩ mình có thể thực hiện trước và sau đó dần dần thêm các thói quen còn lại vào. Theo thời gian, bạn sẽ dần dần đạt đến sự ổn định tài chính.