Thay vì đóng băng chi tiêu và sau đó phát cuồng vì mua sắm, tôi chọn cách thực tế hơn là cắt bỏ một số khoản chi không cần thiết.
(*) Bài viết là chia sẻ của nhà báo chuyên viết về lĩnh vực kinh doanh, tài chính Bree Rody-Mantha. Cô còn là giáo viên dạy khiêu vũ sống ở Toronto.
Cũng giống như nhiều người khác cảm thấy mình cần thay đổi chi tiêu và quản lý tiền bạc tốt hơn, tôi từng đóng băng chi tiêu trong những thời gian ngắn. Tôi quyết không mua bất cứ thứ gì ngoài thức ăn cần thiết hay những cuộn giấy vệ sinh.
Và rồi điều gì đã xảy ra? Do những thất vọng dồn nén, cuối cùng tôi đã nhặt vài hộp bánh kẹo, đồ ăn vặt bước đến quầy thanh toán rồi hẹn bạn bè ở quán cà phê ngay khi bước ra khỏi cửa siêu thị.
Năm ngoái, tôi bắt đầu xem xét những thói quen nào đang ăn mòn ví của mình nhiều nhất và thấy rằng việc gọi một cốc cà phê 35 nghìn thường chuyển thành 55 nghìn kèm theo chiếc bánh nhỏ; bữa tối ăn hàng thường tốn thêm vài chục, thậm chí vài trăm vì tiền rượu hoặc đồ uống gọi kèm. Chúng không mang lại lợi ích gì ngoài việc khiến tôi nạp nhiều calo hơn hoặc buồn ngủ hơn sau đó.
Giờ đây, thay vì đóng băng chi tiêu và sau đó phát cuồng vì mua sắm, tôi chọn cách thực tế hơn là cắt bỏ một số khoản chi không cần thiết. Bạn có thể sẽ chưa thực hiện được tất cả ngay trong một lúc nhưng chắc chắn những thói quen này sẽ mang lại lợi ích cho bạn và giúp bạn có nhiều tiền hơn trong tài khoản tiết kiệm.
1. Bữa ăn nhẹ với cà phê hàng ngày
Không chỉ cà phê, trà sữa mà những món ăn nhẹ bạn thường gọi cùng chúng đang khiến ví của bạn cạn kiệt mỗi ngày. Bạn bước vào quán cà phê và sau một hồi được nhân viên tư vấn, bạn quyết định gọi một cốc cỡ lớn hơn cho kinh tế. Nhân viên lại đưa ra đề nghị có thể gọi kèm bánh với giá tiết kiệm hơn, vậy là tặc lưỡi vì 2 chữ “tiết kiệm”.
Cứ như vậy, chúng ta đang chi khoản tiền không nhỏ cho đồ uống và những đồ ăn nhẹ kèm theo đó. Bạn có thể thấy khó cưỡng lại cám dỗ này song hãy bắt đầu từ 1 tuần rồi nâng dần thời gian không gọi kèm đồ ăn nhẹ, bạn sẽ thấy mình không còn thèm chúng nữa và đưa việc đó ra khỏi đầu mình. Nếu muốn ăn vặt, bạn có thể tự chuẩn bị các đồ ăn vặt lành mạnh mà không tốn kém như hạt hạnh nhân, táo hay cà rốt.
2. Bất kỳ sản phẩm dưỡng tóc hay dưỡng thể nào
Trừ khi bạn đã dùng hết những giọt sữa tắm cuối cùng, bóp đến kiệt tuýp kem đánh răng… bạn không cần mua thêm bất kỳ một sản phẩm nào mới. Những đoạn quảng cáo có thể khiến bạn thấy hấp dẫn bởi mùi hương mới hay chất nào đó mới được bổ sung thêm hay bao bì đẹp mắt song tất cả chúng đều không cần thiết và còn khiến ví bạn ngày càng mỏng.
Tôi đã tự nhủ rằng mình sẽ không mua bất kỳ sản phẩm sữa tắm hoặc dưỡng thể, dưỡng tóc mới nào cho đến khi tôi dùng hết những gì có trong đó.
3. Đồ trang điểm (bao gồm cả son dưỡng môi)
Mỗi khi đọc về các xu hướng trang điểm, tôi lại sợ nhỡ mình đã bỏ lỡ điều gì đó. Tôi không biết mình đã thử tô màu son đỏ bao nhiêu lần bất chấp việc nó trông thật tệ với màu da của mình. Tôi tin rằng đó là bởi mình chưa tìm ra màu đỏ phù hợp và lại mua tiếp.
Vấn đề là, khi ngừng mua mới đồ trang điểm trừ trường hợp sản phẩm hết sạch và cần mua thay thế, tôi nhận ra mình mua đồ trang điểm nhiều như vậy là vì thích ý tưởng về sản phẩm đó hơn là thích cách nó được dùng trên khuôn mặt mình.
Hãy thử bắt đầu điều này với 1 tháng và sau đó tăng dần thời gian lên, bạ sẽ thấy nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình mà còn tiết kiệm được khoản kha khá. Nếu bạn không tìm thấy son dưỡng môi? Đừng vội nhanh tay đặt chiếc mới mà hãy tìm ở vài túi áo xem sao.
4. Sản phẩm đồ ăn mới
Là một người ăn chay, tôi không thích kẹo dẻo nhưng khi phát hiện trên kệ siêu thị mới ra loại kẹo dẻo thuần chay, tôi đã không cưỡng lại được sự tò mò và mua về một gói để trong tủ lạnh. Tất nhiên sau đó tôi cũng không ăn hết và phải vứt chúng đi, tất cả vì sự tò mò và bốc đồng.
Ngành công nghiệp thực phẩm đang đổi mới từng ngày. Ngay cả khi bạn không phải là tín đồ ăn vặt thì bạn cũng dễ nhặt thêm vài thanh kẹo hay bánh dinh dưỡng (mà bạn không thực sự cần) chỉ vì chúng làm từ hạt quinoa hay chai tương cà được tạo ngọt bằng quả chà là.
Dù sao thì việc để bản thân một tháng không mua bất kỳ sản phẩm nào ngoài danh sách thực phẩm cần thiết là điều nên làm và khá dễ thực hiện. Bạn không chỉ giảm được hoá đơn cho thực phẩm, hàng tạp hoá mà còn giảm được việc nạp calo vào người.
5. Quần áo
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người chi tiêu quá nhiều cho quần áo. Tôi thấy mình không phải con nghiện mua sắm hay có tủ đồ chất đống không nhớ nổi mình đang có những gì.
Thế nhưng, cho đến một ngày năm ngoái, khi tôi quyết định tự đặt ra cho mình thử thách khá nghiêm ngặt: 2 tháng nói không với việc mua quần áo mới trừ khi phải thay thế một thứ đồ không thể dùng được nữa. Tôi nhận ra mình đã biện minh rất nhiều lần cho các lý do mua sắm, rằng cái này rẻ, rằng cái kia đắt chút nhưng cần thiết cho tủ quần áo chuyên nghiệp của mình và mua thêm cái này cái kia để mặc với những thứ có sẵn.
Sự thật là chúng ta không cần mua nhiều quần áo đến vậy, đa phần đều là chúng ta mua thứ mình muốn, hứng lên thì mua chứ không cần. Đây là khoản bạn hoàn toàn có thể ngừng chi tiêu trong ít nhất 1 tháng.
6. Bất cứ thứ gì để căn phòng của bạn đẹp đẽ hơn
Tôi từng vật lộn với việc trang trí căn phòng của mình, nơi có rất nhiều món đồ cũ mới với các phong cách khác nhau. Tôi cố bù đắp cái này với cái kia, mua thêm cái nọ để cho chúng trông hợp với nhau. Một chiếc đồng hồ ở chỗ này, một cây treo áo khoác ở kia, một bức tranh đóng khung ở góc đó.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình cần những thứ nhỏ nhỏ để "gắn kết mọi thứ lại với nhau" và rồi lại nhặt vào giỏ đồ đủ mọi thứ, đôi khi còn chẳng dùng đến. Hãy thử điều này trong vài tháng: Nếu mục đích của sản phẩm đó chỉ là để đặt trong phòng, bất kể nó đẹp đến mức nào cũng đừng mua và cũng đừng cố tự làm; Hủy theo dõi các trang về trang trí nội thất. Đơn giản hoá căn phòng của mình, thậm chí là thanh lý, bán bớt những sản phẩm không dùng đến, bạn sẽ thấy căn phòng của mình trông đẹp hơn mà không cần thêm bất cứ thứ gì.
7. Rượu trong bữa tối
Tôi không phải là một người nghiện rượu nhưng cũng không hiểu vì sao những bữa tối ngoài hàng hay đơn giản khi dùng bữa ở nhà với bạn bè cũng sẽ gọi hay tự rót một vài ly rượu. Trong một vài lần cố gắng xoay sở tiền nong, tôi đã tính đến việc cắt hoàn toàn ngân sách cho các bữa ăn hàng trong một khoảng thời gian ngắn nhưng điều này không thực tế. Tôi còn có các mối quan hệ và việc cắt giảm hoàn toàn là điều không khả thi.
Và rồi khi để ý hơn, bóc tách các khoản chi, tôi thấy mình có thể tiết kiệm dễ dàng hơn bằng cách cắt bỏ rượu hay các đồ uống khác khi đi ăn. Bạn có thể phải tốn cả trăm nghìn, thậm chí là bằng hay đắt hơn tiền ăn cho những ly rượu vang đó.
Tôi nhận ra 2 điều: Một là không ai thực sự quan tâm đến việc bạn có uống rượu trong bữa tối hay không và 2 là thứ đồ uống đó hầu như không tạo ra sự khác biệt nào đối với việc cải thiện mối quan hệ đó của bạn cả. Vậy mấu chốt là gì? Thay vào đó, bạn có thể mời đối phương đi uống nước và cùng nhau trò chuyện vui vẻ lại không tốn kém nhiều.
8. Taxi
Bạn có thể không phải là người ngày ngày dùng taxi để di chuyển nhưng có lẽ không tháng nào là bạn không chi tiền cho khoản này. Những chuyến đi vội vàng hay đơn giản có khi chỉ là thấy lười lười, nắng nắng gọi xe cho nhanh.
Số tiền bạn phải bỏ ra để di chuyển bằng cách này chắc chắn không hề rẻ và với hệ thống giao thông phát triển như ngày nay, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc di chuyển. Chỉ cần dậy sớm hơn một chút, tác phong nhanh nhẹn hơn một chút, bạn sẽ không còn phải tốn một đồng nào cho tiền taxi.