Có câu nói rằng: “Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ hai chính là ngay hôm nay”.
Mỗi thập kỷ mới của cuộc đời cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ về nơi chúng ta đến, điều chúng ta đã đạt được và những gì chúng ta muốn cho tương lai. 40 là một trong những cột mốc quan trọng để bạn đạt được những thành tựu tài chính nhất định.
Tất nhiên, mỗi người đều có hành trình của riêng mình nên đừng đánh đồng việc mình không đạt được mọi thứ trong một độ tuổi nhất định với việc là một kẻ thất bại. Hãy đảm bảo rằng bạn đã và sẽ nỗ lực hết mình với những gì bạn có. Có câu nói rằng: “Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ hai chính là ngay hôm nay”.
Dưới đây là 7 mục tiêu tài chính bạn nên đặt ra cho mình trước tuổi 40:
1. Giải phóng bản thân khỏi nợ người tiêu dùng
40 là độ tuổi mục tiêu tuyệt vời để bạn chốt sổ với bất kỳ khoản nợ nào đã tích lũy trong những năm trước. Điều này có thể bao gồm nợ thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô, vay sinh viên. Bạn có thể coi trả nợ mua nhà là một ngoại lệ, tất nhiên xóa sổ nó càng sớm sẽ càng tốt.
Khi xử lý được các khoản nợ này, không bị chúng làm giảm giá trị tài sản ròng và tiêu tốn tiền từ ngân sách hàng tháng, bạn sẽ có thể đẩy nhanh tiến độ của mình để đạt được tất cả các mục tiêu tài chính khác trước 40 tuổi.
2. Có quỹ dự trữ khẩn cấp
Cuộc sống có rất nhiều khúc quanh và quỹ khẩn cấp sẽ là thứ giúp bạn sẵn sàng đón nhận chúng. Mục tiêu tốt bạn nên đạt được trước năm 40 tuổi là có ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ khẩn cấp này.
Mục đích chính của quỹ khẩn cấp là giúp bạn thanh toán các chi phí cơ bản trong trường hợp không may bạn mất việc hoặc không thể làm việc, giảm thu nhập trong một khoảng thời gian. Số tiền tương đương 6 tháng chi phí sinh hoạt này sẽ cho bạn thời gian để thực hiện kế hoạch mới cho mình mà không cần phải vay nợ hoặc bán bớt các khoản đầu tư. Quỹ khẩn cấp cũng có thể được sử dụng để chi trả cho những khoản như chi phí y tế, sửa chữa xe, nhà đột ngột…
3. Tăng số tiền tiết kiệm hưu trí của bạn
Nếu bạn bắt đầu làm việc ở độ tuổi 20 và hy vọng nghỉ hưu ở độ tuổi 60 thì độ tuổi 40 chính là thời điểm giữa chừng hoàn hảo để đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị cho những nhu cầu trong tương lai của mình.
Theo các chuyên gia, bạn nên cố gắng tiết kiệm được số tiền trị giá ít nhất gấp 3 lần thu nhập năm trong tài khoản hưu trí ở tuổi 40. Điều đó có nghĩa là nếu bạn kiếm được 50 triệu đồng/năm thì bạn nên tích lũy được 150 triệu trong tài khoản hưu trí.
Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nếu bạn có thể bắt đầu sớm, chỉ một số tiền nhỏ cũng có thể tăng lên nhanh chóng. Ví dụ: Nếu bạn đầu tư hơn 10 nghìn đồng/ngày từ khi 22 tuổi, bạn sẽ có 150 triệu đồng vào năm 40 tuổi với giả định lợi nhuận trung bình là 8%. Và 10 nghìn đồng là con số mà ai cũng có thể tiết kiệm một cách dễ dàng phải không?
4. Đánh giá lại các mục tiêu cá nhân
Vì mọi người đều có con đường riêng của mình nên mục tiêu tài chính của bạn vào năm 40 tuổi có thể không giống với mục tiêu của người khác. Điểm cốt lõi là mục tiêu cần phản ánh điều quan trọng đối với bạn và lập kế hoạch cho những điều đó.
Bạn có muốn mua một ngôi nhà (hoặc sửa chữa, xây cao hơn)? Bạn muốn nghỉ hưu sớm? Đi du lịch thế giới? Có một khoản tiền để con có thể đi du học nước ngoài?
Hãy đánh giá xem các mục tiêu cá nhân liệu còn phù hợp với bạn của hôm nay, bạn đã đi được bao nhiêu phần chặng đường rồi và có cần bất kỳ điều chỉnh nào không.
5. Xem xét bảo hiểm
Khi bạn sắp sinh nhật tuổi 40, đây là thời điểm tuyệt vời để xem xét thêm một số loại bảo hiểm mới (bên cạnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe):
Bảo hiểm nhân thọ
Nếu bạn có người phụ thuộc là con cái hoặc người khác, bảo hiểm này sẽ đảm bảo hơn cho cuộc sống của họ khi bạn gặp bất trắc. Bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng đối với tài chính của gia đình bạn nếu có điều không may xảy ra. Bạn có thể tìm hiểu xem mình nên đầu tư cho bảo hiểm có thời hạn hay bảo hiểm trọn đời.
Bảo hiểm thương tật dài hạn
Nếu bạn bị tai nạn và mất khả năng làm việc, bảo hiểm này sẽ giúp bạn trang trải các chi phí. Bảo hiểm thương tật dài hạn có thể bảo hiểm cho bạn trong nhiều năm, không giống như bảo hiểm thương tật ngắn hạn chỉ bảo hiểm cho bạn trong một thời gian ngắn. Có thể hiểu một cách đơn giản, loại hình bảo hiểm này giống như khoản bảo vệ cho tiền lương trong trường hợp bạn không thể làm việc.
Bảo hiểm chăm sóc dài hạn
Tất cả chúng ta đều hy vọng có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh nhưng nhiều người trong số chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ khi đã lớn tuổi. Bảo hiểm này bao gồm các loại hỗ trợ và chăm sóc mà bảo hiểm y tế nói chung không có.
6. Đầu tư vào sức khỏe
Hãy đầu tư vào bản thân và sức khỏe của bạn chính là một trong những mục tiêu tài chính quan trọng trước 40 tuổi. Đây là sự kết hợp giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu tài chính. Luôn nhớ rằng sức khỏe là một trong những nguồn lực quý giá nhất của bạn và có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của bạn. Hãy dành thêm thời gian và tiền bạc ngay từ bây giờ để khỏe mạnh hơn và ít tốn kém chi phí y tế những năm sau này.
Quan tâm đến sức khỏe của bạn có thể giúp bạn tiết kiệm tiền đóng bảo hiểm y tế, hóa đơn y tế, giúp bạn khỏe mạnh hơn để tận hưởng nhiều điều của cuộc sống. Tập thể dục thường xuyên, xây dựng lối sống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng là những điều cơ bản mà bạn nên làm.
7. Hiểu về tài chính và đầu tư cá nhân
Đôi khi, việc có người khác quản tiền cho mình như vợ/chồng hoặc có cố vấn tài chính tư vấn cho đường đi nước bước khiến bạn không còn muốn quan tâm xem phải xử lý những đồng tiền của mình thế nào. Tất nhiên, có được sự hỗ trợ và tư vấn cá nhân hoặc chuyên nghiệp đó rất tốt nhưng bạn cũng cần có những hiểu biết cơ bản về tài chính và đầu tư cho bản thân. Điều này sẽ giúp bạn không bị rơi vào tình huống dễ bị tổn thương trong tương lai.
“Hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tệ nhất” chính là điều chúng ta đang nói ở đây. Việc ở đây và đọc bài viết này đến những dòng cuối cùng là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy bạn đã có động lực và đang thực hiện các bước để tiến tới thành công.