Thu nhập của bạn là bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn chưa tiết kiệm hiệu quả và hoàn toàn có thể tiết kiệm được nhiều hơn khi khắc phục những vấn đề này.
Bạn không biết mình tiêu bao nhiêu
Bạn có thực sự biết mình đang chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng không? Nếu câu trả lời là không, bạn đang thực sự tiết kiệm chưa hiệu quả và hoàn toàn có thể tiết kiệm được nhiều hơn nữa.
Hãy theo dõi chi tiêu của bạn để có cái nhìn tổng quát hơn về những đồng tiền của mình. Bạn có thể sử dụng một trong các ứng dụng lập ngân sách hoặc theo dõi chi tiêu với bảng tính Excel hoặc chỉ đơn giản là viết nhật ký. Bạn theo dõi chi tiêu của mình thông qua phương tiện nào không quan trọng, điều quan trọng là bạn hiểu số tiền mình đang chi tiêu.
Bạn tự nhủ mình sẽ tiết kiệm nhiều hơn khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn
Mọi người đều có ảo tưởng rằng khi họ kiếm được nhiều tiền hơn thì họ sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên sự thật lại ít khi diễn ra như vậy. Bạn có thể đơn giản là nhìn tới những người trúng số. Đa phần họ đều nhanh chóng “đốt” sạch số tiền khổng lồ mình may mắn có được bởi dù có nhiều tiền hơn nhưng họ chưa bao giờ học cách tiết kiệm.
Hãy bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt. Điều này sẽ hình thành cho bạn những thói quen tốt để gửi tiền vào ngân hàng hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác. Ngay cả khi bạn chỉ tiết kiệm được một chút tiền do thu nhập hạn chế, bạn đang phát triển các kỹ năng cần thiết để tiết kiệm tiền tốt hơn và khi bạn thực sự cải thiện được thu nhập, khoản tiết kiệm của bạn sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Bạn mua chỉ vì thích
Trong thời buổi công nghệ phát triển như ngày nay, việc mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc thậm chí một cái chạm tay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự dễ dàng, tiện lợi này cũng đang khiến chúng ta mua sắm theo sở thích hơn là vì nhu cầu.
Bạn có phải là người thích mua sắm trực tuyến? Ngay cả khi tủ quần áo chật rồi, bạn vẫn thấy mình chưa có đủ và không ngừng mua quần áo. Việc bội chi thực sự rất dễ xảy ra nếu như bạn không có kế hoạch cụ thể cho việc tiêu tiền.
Nếu bạn là một người như vậy, đừng lo lắng. Hãy thay đổi bằng việc tạo nên những thói quen tốt hơn. Bước đầu tiên bạn cần làm là kiềm chế tất cả các giao dịch mua sắm bốc đồng. Đừng đến cửa hàng để mua bánh mì rồi bước ra với cả tá đồ khác không liên quan trên tay. Luôn đảm bảo bạn có danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm và bám sát danh sách đó.
Bên cạnh, trước khi mua hàng, hãy thực sự suy nghĩ về lý do tại sao bạn lại cần chi tiền cho sản phẩm đó. Bạn thực sự cần nó không hay chỉ đơn giản là thấy hay hay và muốn mua? Khi bạn cân nhắc kỹ lưỡng hơn, những đồng tiền của bạn sẽ được chi tiêu hợp lý hơn.
Bạn không có quỹ khẩn cấp
Bạn có khoản tiền sẵn sàng cho trường hợp nếu không may ngày mai xe của bạn bị hỏng hóc, mái nhà cần sửa chữa hoặc muôn vàn điều bất ngờ khác xảy ra không? Không gì tệ bằng việc vướng vào một tình huống bất ngờ và nhận ra rằng bạn không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí.
Để chuẩn bị cho những điều bất ngờ, hãy tiết kiệm tiền cho quỹ khẩn cấp của bạn. Theo nguyên tắc chung, bạn nên tiết kiệm số tiền trong quỹ này tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt. Tất nhiên, con số này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mức độ ổn định của công việc, số người phụ thuộc, tình trạng sức khoẻ...
Bạn không có kế hoạch tiết kiệm
Bạn có biết mình thực sự muốn tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng không? Đây là một câu hỏi cần có câu trả lời rõ ràng, cụ thể. Nhiều người để tháng này đến tháng khác trôi qua mà không thực sự suy nghĩ về khoản tiết kiệm của mình. Đừng mắc phải sai lầm đó.
Hãy nghĩ về các mục tiêu tài chính của bạn và xác định số tiền bạn muốn tiết kiệm mỗi tháng. Có nhiều yếu tố bạn nên cân nhắc khi nghĩ đến việc tiết kiệm bao nhiêu, bao gồm tuổi tác, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân...
Một khi bạn đã có ý tưởng về số tiền bạn muốn tiết kiệm, bạn sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn với một kế hoạch tiết kiệm đơn giản và thực tế. Kế hoạch này sẽ thúc đẩy bạn, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Bạn chưa bắt đầu đầu tư
Có một bí mật mà giới siêu giàu không muốn bạn biết: Những người giàu nhất thế giới kiếm ra phần lớn thu nhập không phải từ công việc hàng ngày mà là từ đầu tư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người siêu giàu kiếm được nhiều tiền hơn thông qua lãi vốn và cổ tức từ các khoản đầu tư hơn là từ tiền lương của họ. Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn cần phải bắt đầu đầu tư.
Nếu bạn đã lo được tất cả các chi phí của mình và quỹ khẩn cấp, phần tiền còn lại nên được sử dụng dưới hình thức đầu tư. Nếu bạn còn cảm thấy lo lắng và e ngại, hãy bắt đầu từ khoản đầu tư nhỏ. Nghiên cứu các kênh đầu tư khác nhau, rủi ro và lợi nhuận. Và một điều luôn phải nhớ chính là đa dạng hoá danh mục đầu tư, không để tất cả trứng vào cùng một giỏ.
Đầu tư phụ thuộc nhiều vào tâm lý. Khi bạn đã quen với việc đầu tư những đồng tiền mình tiết kiệm được và nhìn thấy nó tăng lên, bạn sẽ tạo ra một vòng lặp tích cực để khuyến khích tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.
Trở thành một người tiết kiệm giỏi cũng giống như việc bạn học những thứ khác bởi đó là câu chuyện về tư duy. Một khi đã quen với việc tiết kiệm thường xuyên, bạn sẽ thấy việc tiết kiệm và khiến tiền làm việc cho mình dễ dàng hơn nhiều. Nếu bạn có thể xác định những phần mình cần cải thiện trước, bạn sẽ dần trở thành người tiết kiệm giỏi và ngày càng tạo ra nhiều của cải hơn cho tương lai.