Đó là mong ước của một số nàng dâu vì sợ cảnh về quê ăn Tết ở nhà chồng.
Đấy, làm cả năm cả tháng chỉ mong có một cái Tết được nghỉ ngơi thoải mái, được vui vẻ bên gia đình bố mẹ, con cái. Thế nhưng, có những người lại sợ Tết đến mật xanh mật vàng, sợ tới nỗi thà không có Tết còn hơn, thà cả năm cứ làm triền miên rồi khi nào mệt quá xin nghỉ phép vài ngày. Xem chừng họ là những người say mê công việc, ham làm việc tới mức quên ngày tháng, nhưng không phải nhé. Vì đó là những nàng dâu, đặc biệt là những nàng dâu mới.
Sắp đến Tết, chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Gần Tết mà tôi đã sút đi mất 4 kg trong vòng có 2 tuần lễ. Thế mà trước đây, tôi tha hồ thể dục, đi lại nhiều, chạy bộ nhiều mà không giảm được kí nào. Cái thời con gái chỉ mong có chuyện làm sao cho đẹp dáng mà không đủ kiên trì. Khi lấy chồng rồi thì chẳng muốn cũng tự nhiên xuống cân. Nhưng xuống nhất là mấy ngày gần Tết, đặc biệt là khi biết tin mẹ chồng bắt năm nay về quê ăn Tết cả 9 ngày nghỉ. Tính ra 9 ngày nghỉ mà ở nhà mẹ đẻ thì sung sướng biết bao. Nhưng chỉ cần nghĩ tới cảnh phải ăn nằm ở nhà chồng, phục vụ từng bữa ăn, tiệc tùng, khách khứa thì chắc ốm mất ”.
Sắp đến Tết, chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: Gần Tết mà tôi đã sút đi mất 4 kg trong vòng có 2 tuần lễ. (ảnh minh họa)
Xem ra không phải chỉ có chị Thanh mà còn rất nhiều cô con dâu sợ cảnh về nhà chồng ăn Tết. Có người con tính chuyện đi du lịch nước ngoài để trốn Tết ở nhà chồng. Có chị còn giả bệnh để được nghỉ ngơi vài ngày, chỉ cố gắng về ngày mùng 1 cho phải phép với bố mẹ. Có chị còn ốm lăn lóc mà không phải ốm giả vì áp lực về nhà chồng, sợ hãi từ việc nấu nướng, giao tiếp, cơm cháo cho bố mẹ chồng, rồi họ hàng nhà chồng. Rồi lại sợ cái chuyện làm không tốt, bị người ta soi mói, bàn tán rất chi là mệt. Thú thực, nghe ra thì hơi quá nhưng hoàn toàn là sự thật bởi các nàng dâu truyền tai nhau câu chuyện con dâu mẹ chồng. Thế nên, trong tư tưởng, ai cũng nghĩ mẹ chồng là một khái niệm gì đó rất mơ hồ và thật sự rất dữ.
Còn trường hợp của chị Lành (Gia Lâm) cũng thật điển hình. Chị bắt chồng giả ốm mấy ngày Tết và ăn vạ, nếu chồng không làm theo lời chị, chị sẽ uống thuốc ngủ, không thì sẽ bỏ về nhà ngoại ly thân. Chồng chị vốn yêu và chiều chị, dù không muốn tin lời vợ nhưng cũng sợ vợ dỗi, nếu không làm theo vợ giận vài tuần thật nên đành tuân thủ. Thế là, chồng phải gọi về báo với bố mẹ con ốm nặng, không về ăn Tết được. Đợi con khỏe lại sẽ về, mà may ra chỉ về trong ngày được thôi.
Thế là, chồng phải gọi về báo với bố mẹ con ốm nặng, không về ăn Tết được. Đợi con khỏe lại sẽ về, mà may ra chỉ về trong ngày được thôi. (ảnh minh họa)
Sau tiếng cúp điện thoại của chồng, chị cười rú lên và vỗ tay hân hoan hạnh phúc như trẻ con bắt được tiền. Thật ra, chị không phải là đứa con dâu không biết điều. Chị vẫn thường xuyên về chơi, điện thoại hỏi thăm bố mẹ chồng và cho quà cáp các cụ liên tục. Chỉ là chị không muốn đợt Tết nhất đông đúc này chị phải ra mặt vì chị hiểu, mấy bà cô nhà chồng cực kì lắm chuyện. Từ chuyện mừng tuổi, từ chuyện quà Tết, rồi lại chuyện cư xử, rửa bát, quét nhà mà không nhanh nhẹn cũng bị người ta mang sang xóm làng kể. Thế nên chị nhất định không muốn về. Đâu phải chị khó chịu với bố mẹ chồng, nên cũng mong bố mẹ thông cảm cho chị dù chị cũng có chút áy náy nhưng biết làm sao được.
Đúng là cái ranh giới mẹ chồng con dâu còn quá lớn, không biết bao giờ mới xóa bỏ được. Người ta cứ đương nhiên tạo ra rào cản ấy và tự làm cho cuộc sống khó khăn hơn. Dù vậy, các nàng dâu cũng nên nhớ một điều, không phải mẹ chồng nào cũng khó. Hãy thử một lần đặt địa vị làm con gái của mẹ, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Chỉ có như thế mẹ chồng con dâu mới gần nhau được. Đừng sợ hãi mà tự tạo khoảng cách để rồi ranh giới ấy ngày càng xa.