Từ thân phận của cô con dâu, cô trở thành sủng phi của người cha chồng Đường Huyền Tông, sau đó lại là mối tình vụng trộm đầy tai tiếng với người con nuôi trẻ tuổi An Lộc Sơn.
Người ta thường nhắc đến Dương Quý Phi là “một trong tứ đại mỹ nhân” Trung Hoa, và điều đặc biệt hơn nữa chính là việc nàng đã vượt qua ba ngàn giai nhân cung cấm để chiếm trọn trái tim Đường Huyền Tông. Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng với sắc nước hương trời, trong cuộc đời của mình, Dương quý phi cũng để lại nhiều tiếng xấu. Từ thân phận của cô con dâu, cô trở thành sủng phi của người cha chồng Đường Huyền Tông, sau đó lại là mối tình vụng trộm đầy tai tiếng với người con nuôi trẻ tuổi An Lộc Sơn. Và cũng có một điều về nàng khiến người đời thắc mắc, đó là tại sao đệ nhất mỹ nhân một thời đó lại không được sắc phong Hoàng hậu?
Không được làm hoàng hậu vì loạn luân?
Dương Quý Phi, tên thật là Dương Ngọc Hoàn sinh ngày 1-6-719, chết năm 756, tại Thục Quận (Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc). Sinh ra trong một gia đình quan lại, Dương Ngọc Hoàn sớm đã không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền, nàng chuyên tâm học đàn hát, lại có sắc đẹp trời ban (người ta ví von nàng đẹp đến nỗi mỗi khi nàng ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn), nàng sớm được chọn là Thọ vương phi cho hoàng tử thứ 18 của Đường Minh Hoàng là Thọ Vương Lý Mạo.
Dương Quý Phi 'người đẹp hoa nhường', tranh của Hosoda Eishi đầu thế kỷ 19 tại viện bảo tàng Anh.
Năm năm sau, Đường Huyền Tông mới trông thấy Ngọc Hoàn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Huyền Tông liền say mê vẻ đẹp giai nhân tuyệt sắc của nàng. Bất chấp lễ giáo phong kiến, hoàng đế truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi.
Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Sau đó, Huyền Tông lại sai Cao Lực Sĩ chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.
Hết 5 năm, Đường Huyền Tông ban lệnh cho Ngọc Hoàn được hoàn tục, rồi triệu vào cung, chính thức sắc phong làm Quý phi. Chuyện này khiến Hoàng thọ vương Lý Dục vô cùng uất hận.
Trong xã hội phong kiến coi trọng lễ giáo, loại phụ nữ bại hoại luân thường này làm gì có tư cách làm Hoàng hậu “mẫu nghi thiên hạ”? Đường Huyền Tông không thể phong, mà Dương Ngọc Hoàn cũng không nhắc. Do đó mãi đến lúc mất, Dương Ngọc Hoàn vẫn chưa được lập làm Hoàng hậu.
Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng, đó chỉ là cách nhìn nhận của những người từ triều Tống trở về sau. Triều Đường với tư tưởng tương đối cởi mở, không có quan niệm luân thường như thế, quan hệ hôn nhân thời đó cũng tương đối tự do. Đường Cao Tông Lí Trị đã lấy phi tử của Đường Thái Tông Lí Thế Dân là Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu, đây là “con lấy mẹ kế”. Con đã có thể lấy mẹ kế thế thì cha chồng đương nhiên có thể lấy con dâu!
Không được làm hoàng hậu vì vô sinh?
Dương Quý Phi cưỡi ngựa, tranh của Tiền Tuyển.
Một số ý kiến khác cho rằng, Dương Ngọc Hoàn không thể lên ngôi hoàng hậu vì bao nhiêu năm hưởng ân sủng vẫn không thể sinh một mụn con. Lập hậu và việc trọng đại của đất nước, người lên ngôi phải là người toàn vẹn, con đẻ của hoàng hậu sẽ được lập làm thái tử, sau này kế nghiệp đế vương. Vì vậy, ngôi vị hoàng hậu thường do quan hệ huyết thống mẫu-tử mà nên. Dương Ngọc Hoàn một thời gian dài không sinh con, ngôi vị hoàng hậu cũng một thời gian dài không có người đảm đương. Đại thọ 61 tuổi, Đường Huyền Tông đã viết chiếu thư lập Ngọc Hoàn làm Phi, chứ không phải làm hoàng hậu.
Mặc dù chỉ là Phi, nhưng trong hậu cung bà được gọi là “Nương tử”, tương đồng với Hoàng hậu bấy giờ. Và cho dù có được sắc phong Hoàng hậu hay không, e rằng đối với Dương Ngọc Hoàn cũng không còn quan trọng, bởi lẽ, tam cung lục viện, ba ngàn giai nhân, trong lòng của Đường Huyền Tông, nàng đã là hoàng hậu duy nhất!
Dương Quý Phi, tranh lụa của Takaku Aigai tại bảo tàng mỹ thuật SEIKADO BUNKO.
Tuy nhiên, kết cục của Dương Quý phi ra sao thì cho tới nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người nói rằng, Dương Quý phi đã treo cổ tự tử bằng một dải lụa trắng treo trên cành cây lê bên ngoài của dịch trạm Mã Ngôi. Người ta đã vội vàng đem chôn cất Dương Quý Phi ngay bên lề đường để tiếp tục cuộc rút chạy. Giả thiết thứ hai cho rằng, Dương Quý phi không bị Huyền Tông ép chết, mà bị chết trong đám loạn quân. Giả thiết thứ 3 thì lại khẳng định, Dương Ngọc Hoàn không chết nhưng sau đó phải sống lưu lạc trong dân gian. Một giả thiết đậm chất truyền kỳ hơn, nói rằng, Dương Quý phi không chết ở Mã Ngôi mà được một nô tỳ thế mạng rồi chạy sang Nhật Bản, thọ 68 tuổi mới qua đời!