Trong đám cưới, tùy từng địa phương có rất nhiều điều kiêng kị: Kiêng cưới ngày cùng tháng tận, kiêng dừng xe khi đi đón dâu, kiêng phụ nữ ngồi lên giường cưới, kiêng mẹ chồng chạm mặt con dâu…
Nhiều người thấy vô lý nhưng ít người dám làm trái vì lo ngại cô dâu chú rể “đứt gánh giữa đường”. Vì sao lại có những kiêng kị này?
Theo quan niệm của người Việt, ngày cưới hỏi nên kiêng chọn vào ngày mùng 1, Rằm hay năm cùng tháng tận… Đôi lúc chuyện kiêng kị đó cũng gây ra không ít những phiền toái cho các cặp đôi.
Nhất quyết không cho cưới vào ngày Rằm
Yến đang theo học thạc sỹ tại Nhật nên chỉ về nước trong dịp nghỉ hè. Yến và Duy yêu nhau đã 7 năm. Ban đầu gia đình Yến muốn con học xong thì về tổ chức lễ cưới nhưng vì con gái “đeo ba lô ngược” nên đành đồng ý. Gia đình Duy lại rất mừng vì có thể tổ chức lễ cưới sớm cho con.
Hai gia đình bàn nhau tổ chức đám cưới gấp, gộp ăn hỏi và lễ cưới chính vào một ngày cho cô dâu đỡ mệt và tiện an thai. Mọi chuyện trong quá trình chuẩn bị lễ cưới diễn ra rất nhanh nhưng chỉ riêng việc chọn ngày cưới là trục trặc. Gia đình Duy không câu nệ, chỉ tránh ngày Rằm, mùng 1, còn nhà Yến muốn chọn ngày tổ chức đám cưới vào cuối tuần để họ hàng về ăn cưới đông đủ.
Đắn đo, tìm chọn, nhờ thầy xem ngày mãi gần chục lần, hai bên vẫn không thống nhất được ngày. Chả là những ngày cuối tuần đều rơi vào ngày Rằm, mùng 1. Bố mẹ Duy nghe vậy giãy nảy lên nhất quyết không chọn vì bảo đó là những ngày đại kỵ không được cưới. Cưới vào những ngày này, sau này vợ hoặc chồng không chết bất đắc kỳ tử thì con cái cũng què quặt ốm đau, tiền của trong nhà tự theo nhau đội nón ra đi hết.
Dù không đồng tình kiêng kỵ đó nhưng Yến và Duy vẫn để thuận theo ý bố mẹ. Cuối cùng, gia đình thống nhất được một ngày thứ Sáu để tổ chức hôn lễ. Báo hại Yến ốm một trận vì ngày cưới sát ngày bay sang Nhật thi hoàn thành khóa học.
Dù có kiêng kỵ nhiều thứ trong đám cưới nhưng vợ chồng sống với nhau không biết chia sẻ thì đời sống hôn nhân khó yên lành. (Ảnh minh họa)
Cũng quan niệm không nên làm việc trọng đại vào ngày cuối năm nên anh Hoàng Minh, ở huyện Thanh Miện (Hải Dương) đứng ngồi không yên. Minh và bạn gái yêu nhau đã lâu nhưng gia đình phản đối, khi thuận rồi thì vướng cuối năm nên gia đình lại nhất quyết không cho cưới vì bảo năm cùng tháng tận không tốt. Mặc Minh hết lời giải thích nhưng cô bạn gái vẫn giận dỗi vì sợ bố mẹ anh lại không đồng ý. Vậy là hai người mâu thuẫn. Minh cho rằng, bạn gái ích kỷ không thông cảm cho gia đình anh. Còn bạn gái anh thì cho rằng, gia đình đang lấy cớ vậy để hoãn đám cưới không chịu cưới cô.
Vì sao kiêng chọn cưới ngày mùng 1, Rằm?
Ông Đỗ Khuê (Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam) cho rằng, ngày mùng 1 và Rằm theo Nho giáo không chỉ kiêng kị tình dục mà còn phải kiêng kị cả sát sinh. Ngày cưới mọi người tề tựu, chúc phúc cho cô dâu, chú rể, sát sinh cỗ bàn linh đình sẽ phải giết hại nhiều sinh linh. Chưa kể ngày này còn cúng tế mời gia tiên về dự, có những “năng lượng lạ” kích hoạt tính “Tham - Sân - Si” gây ra nhiều rắc rối, không nên làm.
Các nhà tâm linh không chọn cưới vào ngày mùng 1 và Rằm, vì đó là ngày lễ của Phật, kiêng “quan hệ” vào ngày đó vì có thể đem đến những vận hạn không may. Ngày nay quan niệm đó không còn nặng nề, nhưng vẫn tồn tại. Nhiều cặp tân nương, tân lang vẫn được các cụ già dạy kiêng khem và đại kỵ chuyện ấy vào ngày Rằm, mùng 1. Trong sách “Tố nữ kinh” có viết: Cấm kỵ giao hợp vào những ngày mùng 1, ngày rằm, ngày cuối tháng âm lịch. Phạm vào những cấm kỵ này khi sinh con cái ra sẽ bị thương tổn, còn mình thì "không giương lên được", trong mình lúc đó bị giục hỏa thiêu trung - nghĩa là hỏa thị dục thiêu đốt tâm can nên nước tiểu phát ra có màu đỏ hay màu vàng đậm nhiều khi mang thêm bệnh di tinh, giảm tuổi thọ.
Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), vào những ngày trăng tròn (tức ngày Rằm), áp lực máu bên trong cơ thể và bên ngoài huyết quản có sự chênh lệch (bên trong huyết áp thấp, bên ngoài áp lực không khí cao) dễ làm nảy sinh những tai biến trong hệ thống tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng, có khi gây ra tử vong bất ngờ (y học gọi là đột quỵ). Vì thế người xưa đã than rằng: “Nguyệt viên nhân khuyết” (Trăng tròn người khuyết - khi trăng tròn thì con người rất dễ mất mạng), số các vụ tự sát, rối loạn tâm thần, các hành vi phạm tội, ăn cắp, trấn lột thường xảy ra vào ban đêm, vào các ngày trăng tròn (ngày rằm). Vì vậy người ta kiêng cưới hỏi vào dịp này.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình – Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân cho rằng, trong phong tục cưới hỏi trước nay vẫn có câu rằng: "Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông". Vì vậy, ngày giờ tổ chức lễ cưới được tính toán dựa trên giờ tuổi của cô dâu là chủ yếu. Ngoài ra, một số gia đình truyền thống cũng kiêng không tổ chức lễ cưới vào các ngày nhất định theo văn hóa vùng miền. Miền Bắc kiêng cưới vào ngày cuối tháng hay đầu tháng âm lịch, còn người miền Nam kiêng cưới vào ngày Rằm, mùng 1 hoặc ngày Phật đản vì đó là những ngày ăn chay. Vì vậy mời ăn tiệc mặn ngày này khách là Phật tử có thể dự mà không ăn.
Thực tế, việc kiêng kỵ này là theo yếu tố tâm linh. Còn việc cưới vào những ngày này không đem lại hạnh phúc thì không hẳn. Hạnh phúc gia đình yên ấm, suôn sẻ cả đời không phụ thuộc vào ngày đẹp mà phụ thuộc vào cách sống của các cặp vợ chồng. Vì vậy, dù có kiêng kỵ nhiều thứ trong đám cưới, chọn ngày có tốt đến mấy nhưng khi sống với nhau mà không cảm thông, chia sẻ với nhau thì đời sống hôn nhân khó yên lành. Nếu như vợ chồng mà hòa thuận thì xấu cũng chuyển thành tốt.
Những quan niệm về chọn ngày cưới Quan niệm làm đám cưới vào ngày đẹp thì cuộc sống sau này thuận lợi, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc nên nhà nào cũng nhờ xem kỹ giờ, ngày, tháng, năm cho tốt và hợp tuổi cho hai vợ chồng. Ngày cưới ngoài hợp mạng, hợp tuổi còn chọn ngày cưới vào ngày Hoàng đạo, tránh những ngày Hắc đạo, Tam tai, Sát chủ… Theo các thầy tử vi, cưới hỏi vào ngày có sao Cô thần, Quả tú, Không phòng, cô dâu sẽ cô quạnh, hiếm con... Chọn được ngày đẹp đón dâu, còn phải chọn giờ Hoàng đạo để chú rể xuất phát. Tới nhà cô dâu cũng phải giờ Hoàng đạo mới được vào đón dâu. Đón xong về đến nhà chú rể lại phải chờ giờ Hoàng đạo mới được vào nhà. Đặc biệt kiêng kỵ cưới vào năm cô dâu ở tuổi kim lâu – tuổi có số đuôi là 1, 3, 6, 8 để tránh những rủi ro như hôn nhân tan vỡ, con cái hiếm muộn, khó nuôi… Ngoài ra, tháng 7 Âm lịch, với tích Ngưu Lang Chức Nữ chia ly, cộng với thời tiết mưa bão nên cũng ít người chọn. |