Câu hỏi đặt ra là, vì sao trẻ con cũng biết chê tiền mừng tuổi của người lớn ít, rồi không nhận những đồng tiền lẻ kiểu như không phải tiền polime?
Nguyên nhân là ở đâu nếu không phải người lớn và suy nghĩ của họ đã ‘dạy’ cho những đứa trẻ chưa biết tiêu tiền có tư tưởng, tiền mừng tuổi ít thì không thích và không muốn nhận?
Nhớ có lần, sự thật luôn, tôi đến nhà người bạn chơi. Khi tôi mừng tuổi cho trẻ đồng 10 nghìn. Có một cậu nhỏ chạy đến, cầm lấy tờ tiền tôi mừng tuổi, nhìn một lúc rồi cậu ấy hô lên với mấy đứa bên cạnh: “Tiền của tớ là tiền polime các cậu ạ, mẹ tớ bảo polime thì nhận, tiền giấy thì thôi”. Tôi hốt hoảng khi nghe những lời ấy. Lúc đó, cả mấy người lớn đều đứng đó, ai cũng nghe thấy đứa trẻ nói. Lẽ ra, người ngại không phải là tôi mà phải là bố mẹ của đứa trẻ. Nhưng sao, tôi lại thấy ngại thế, ngại vô cùng.
Ngại vì có phải, mình mừng tuổi ít quá bị chê. Ngại thứ hai là vì, tại sao người lớn lại dạy cho trẻ những điều đó. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ, tiền mừng tuổi chỉ là một tục lệ, chỉ là cách để mang lại may mắn cho nhau, khiến cho người khác vui. Trẻ con có tiền mừng tuổi thì thích thú, hồ hởi. Nhưng chỉ cần là nhận phong bao lì xì, chúng cũng đã nên vui, nên thích rồi chứ đâu phải mở ra xem rồi hét toáng lên là ít hay nhiều?
Còn có lần, đến là buồn khi tôi chứng kiến, những đứa trẻ khi được lì xì, không cần giữ bao lì xì, vừa được người lớn đưa đã mở ra xem tiền bên trong là bao nhiêu ngay lập tức. (Ảnh minh họa)
Người lớn chắc chắn đã dạy cho chúng điều này, hoặc là có nói chuyện với nhau mà không chú ý tới con trẻ để tư tưởng phân biệt tiền nhiều, tiền ít lọt vào trong tiềm thức của trẻ. Và bây giờ thì, chúng mặc nhiên, những đồng tiền nhỏ sẽ không nhận, hoặc có nhận thì cũng nhận trong tâm thế không vui vẻ gì.
Còn có lần, đến là buồn khi tôi chứng kiến, những đứa trẻ khi được lì xì, không cần giữ bao lì xì, vừa được người lớn đưa đã mở ra xem tiền bên trong là bao nhiêu ngay lập tức. Buồn hơn là, hôm ấy, thấy một bác già già đưa tờ 5 nghìn mới cứng ra mừng tuổi. Cô bé gái cầm lấy và hô lên ‘tiền 5 nghìn à, ai mừng tuổi 5 nghìn thời này nữa bác’. Trời ạ, tôi thảng thốt. Tại sao một cô bé mới có mấy tuổi lại nói được câu đó. Nếu không phải bố mẹ chúng thường nói chuyện với nhau hay người lớn thường chẹp miệng mà nói ‘thời này còn ai mừng tuổi 5 nghìn nữa’ thì sao chúng bị ảnh hưởng như vậy? Trẻ em không thể nói những câu như thế nếu không nghe thấy người lớn nói chuyện hoặc do người lớn dạy dỗ.
Đáng buồn vì tư tưởng của người lớn thật sự là như vậy, tức là coi trọng tiền bạc, chỉ thích tiền bạc mà không nghĩ đến chuyện lì xì chỉ là một nét văn hóa đẹp.
Nếu như người lớn chúng ta có tư tưởng, mừng tuổi là phải nhiều tiền thì mới thể hiện được tấm lòng của mình, thì mong rằng, hãy ngừng ngay lại. Vả lại, đừng bao giờ nói chuyện tiền bạc trước mặt trẻ em, cũng đừng dạy cho chúng việc phân biệt mệnh giá tiền lớn nhỏ khi chúng còn quá bé. Hãy cho trẻ sống đúng với tuổi của chúng. Để chúng biết được rằng, được mừng tuổi chính là một điều vui, điều may mắn, lộc đến khi Tết về. Hãy nhớ như vậy để ngay từ bây giờ, con cái được giáo dục tốt nhất và được rèn cho tư tưởng tốt nhất. Đừng làm vẩn đục tâm hồn trong sáng của con trẻ chỉ vì lối suy nghĩ thiển cận của những người làm ông bà, cha mẹ.