Từ năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với 3 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội thông qua vào phiên bế mạc chiều 28/11 với 397 đại biểu tán thành (đạt 79,88%).
Ông Đào Trọng Thi
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện ngành giáo dục có một chương trình, một bộ sách giáo khoa nhưng đã xuất hiện những hạn chế như chưa phù hợp với nhiều địa phương, chưa phát huy tính sáng tạo của giáo viên.
Uỷ ban Văn hoá Giáo dục cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham gia biên soạn sách giáo khoa. Bộ sẽ chỉ đạo các nhà giáo, nhà khoa học hiểu biết, có kinh nghiệm biên soạn. Chính phủ xây dựng hội đồng quốc gia thẩm định SGK công bằng, được Uỷ ban đổi mới giáo dục quốc gia thông qua, làm việc một cách độc lập. Chương trình, SGK phải được thiết kế phù hợp với đa số đội ngũ giáo viên và cơ sở trường lớp.
Từ năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với 3 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân tích, việc thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa (SGK) dùng chung cho cả nước có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế như nội dung SGK chưa phù hợp với đối tượng học sinh các vùng, miền và thực tiễn các địa phương, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên và các nhà trường.
Quốc hội nhất trí đề nghị xây dựng chương trình mềm dẻo, linh hoạt của Chính phủ. Cơ quan giải trình lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để bảo đảm tính khả thi. Tỷ lệ thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng cần phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải trình, số tiền Chính phủ đưa ra chỉ là dự toán kinh phí xây dựng chương trình, biên soạn 1 bộ SGK; thẩm định chương trình và SGK; thực hiện những công việc cần thiết và trực tiếp liên quan đến tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình và SGK mới. Còn khoản tiền bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đổi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giao dục… được bố trí ở 2 đề án khác trong chương trình hành động của Chính phủ.
Quốc hội sẽ giám sát kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm của Chính phủ.