Đã và đang học tập ở nước ngoài, nhiều du học sinh cho biết, chương trình học tiếng Anh ở Việt Nam thiếu cái quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp.
Mới đây, bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của bạn Võ Thị Mỹ Linh (nickname Va Li), sinh 1989 đã dành được nhiều quan tâm của bậc phụ huynh. Sau một thời gian ở Nepal, Mỹ Linh nhận ra được sự khác biệt rõ rệt trong cách dạy tiếng Anh giữa Nepal và Việt Nam.
Cụ thể như, sách giáo khoa của Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 5 liên tục nhắc lại câu chào hỏi thông thường một cách nhàm chán, sách viết toàn câu chuyện của Tom, Peter, Marry... những cái tên không phải của người Việt... Bức thư của Mỹ Linh chia sẻ trên trang cá nhân được hơn 21.000 lượt thích, gần 1.000 lượt chia sẻ và gần 2.500 bình luận. Trong đó, đại đa số mọi người tán thành nhận định của Mỹ Linh.
Sách dạy tiếng Anh ở Nepal (Ảnh: Mỹ Linh)
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nepal là một quốc gia thuộc địa của Anh nên tất nhiên sẽ nói Tiếng Anh trôi chảy. Chuyện lặp đi lặp lại nội dung ở Việt Nam được lý giải là sau nghỉ hè, học sinh học cần ôn lại kiến thức cũ, ôn lại các cấu trúc cũ chứ không phải học lặp lại.
PV đã phỏng vấn nhiều du học sinh Việt tại các nước để có cái nhìn khách quan hơn trong việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam:
Cao Phương Anh - từng học khoa tiếng Anh, đại học Batangas, Philippines
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thứ 2 ở Philippine và họ nói theo kiểu Anh-Mỹ. Học sinh, sinh viên bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh trong nhà trường. Người dân thì ai cũng nói tiếng Anh và họ nói rất dễ nghe, trừ những âm có chữ "tr". Giao tiếp họ rất tốt mặc dù ngữ pháp không phải ai cũng giỏi. Sau một thời gian học tập tại đây, mình có thể tự tin nói trôi chảy hơn.
Trong khi đó ở Việt Nam, không biết ở các thành phố lớn thế nào nhưng học sinh ở các tỉnh lẻ chủ yếu học ngữ pháp chứ không giao tiếp nhiều, không có môi trường thực hành. Đó là một thiếu sót.
Thêm nữa, lên cấp 3 học lại kiến thức cấp 2, lên đại học, sinh viên lại học lại kiến thức cũ rích của cấp dưới. Trừ "dân chuyên Anh" được học sâu hơn nhưng cuối cùng vẫn chú trọng ngữ pháp.
Lê Quỳnh Hương - thạc sỹ, đại học Hertfordshire, Anh.
Hồi đầu mới học tiếng Anh mình không biết bắt đầu từ đâu. Do không ở thành phố lớn nên học trong trường không đủ và vô cùng chán, chủ yếu dạy ngữ pháp.
Lên đại học bắt đầu học thêm nhưng có quá nhiều trung tâm, nhiều khóa học thành ra mình cũng không biết chọn thế nào. Nhất là mình lớn rồi mới học nên thấy càng khó hơn.
Không biết bây giờ sách giáo khoa có gì mới không nhưng phải công nhận một điều rằng, sau khi học xong phổ thông, điều đọng lại trong mình chỉ là mấy cấu trúc ngữ pháp cơ bản và những câu chào.
Sau khi sang bên này, mình mới thấy các thầy cô ngày xưa dạy phát âm sai toe toét, sai trầm trọng. Điều đáng nói là thầy cô lại dạy sai những âm cơ bản. Học sinh thì thụ động học từ mới theo cô giáo là chính, không được luyện giao tiếp, kể chuyện hàng ngày.
Mình đã quyết định sang Anh du học vì muốn cải thiện tiếng Anh. Sang đây gặp nhiều bạn nước ngoài, mình rút ra được điều quan trọng rằng, mình không cần nói chuẩn như người bản xứ mà cái chính là để người khác hiểu được ý mình nói. Người Việt mình ngại nói, gặp người nước ngoài thì im re nhưng người nước ngoài rất tự tin giao tiếp và không ngại đặt câu hỏi.
Trần Mai Hà - từng học khoa truyền thông, đại học Queensland, Úc
Thực ra chương trình học tiếng Anh hiện nay của học sinh thế nào mình không quan tâm lắm. Nhưng sau khi đi du học nước ngoài thì mình thấy rằng, cách dạy học tiếng Anh ở Việt Nam có điểm tốt và điểm chưa tốt. Có điều tập trung vào học ngữ pháp nhiều không phải là không tốt vì học sinh Việt Nam được người nước ngoài khen vì nắm vững ngữ pháp, viết câu chắc chuẩn do được rèn rũa, đào tạo bài bản. Đôi khi người Việt còn hơn người bản xứ, kiểu như người Việt có người viết tiếng Việt rất... lấc cấc thì người nước ngoài nếu không được đào tạo bài bản cũng viết lấc cấc như vậy.
Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng, hồi xưa đi học mình rất yếu về nghe nói vì không được thực hành. Học sinh thì 4 năm cấp 2, năm nào cũng "How are you?" với lại "Where are you from?". Rồi "nhai đi nhai lại" Peter và Mary... Trong khi đó, cô giáo nói tiếng Anh không hay, toàn học trên sách vở, hỏi cái gì ngoài giáo trình là cô chịu. Giáo viên tiếng Anh mà không giao tiếp nổi với người nước ngoài.
Một du học sinh ở Mỹ
Theo mình quan sát, dường như ở nhà trường Việt Nam hiện nay người ta ít chú trọng đến việc dạy các kỹ năng đọc viết giao tiếp cơ bản trong cuộc sống, công việc mà tập trung nhiều vào việc dạy thứ ngữ pháp được công thức hóa một cách rối rắm, thứ từ vựng bị tách ra khỏi ngữ cảnh. Ngoài ra, nhiều lớp học (nhất là học thêm) cũng tập trung vào cách học theo kiểu luyện bài tập, học để thi, chứ ít chú trọng vào học để dùng được tiếng Anh.
Để theo được những lớp học này thì người học hoặc phải rất kiên trì, hoặc phải có khiếu ngôn ngữ rất tốt. Ngoài ra, ngay cả khi đã nắm vững những thứ đó, đến khi cần sử dụng trong thực tế nhiều người cũng rất lúng túng, ngay cả những thao tác đọc viết giao tiếp đơn giản. Trong cuộc sống thông thường, ngay cả người bản xứ họ cũng ít khi dùng đến những cấu trúc ngữ pháp phức tạp mà người ta hay dạy trong các lớp học tiếng Anh phổ thông.
Nói như vậy không phải là các bài học ngữ pháp và từ vựng này là hoàn toàn không cần thiết. Có những cấu trúc ngữ pháp, từ vựng ít gặp trong cuộc sống nhưng biết thì vẫn tốt. Tuy vậy ta chỉ nên học nó khi đã tương đối thuần thục những thứ đơn giản, thông dụng. Lúc đó những bài học ngữ pháp, từ vựng này có thể dùng để biết thêm những khía cạnh tinh tế của ngôn ngữ, để dùng được tiếng Anh trong ngữ cảnh rộng hơn hay trong các hoạt động chuyên môn, v.v..
Sự khó khăn với việc học tiếng Anh diễn ra với nhiều học sinh ở nhiều nước nói chung chứ không chỉ riêng Việt Nam. Việc cải thiện tình trạng này cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Chúng ta có thể tham khảo chương trình học, sách giáo khoa của các nước xem họ dạy ngoại ngữ như thế nào, lý do đằng sau việc dạy đó, rồi áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh và học sinh Việt Nam.
Tuy nhiên để cải thiện việc dạy học tiếng Anh, chương trình học chỉ là một phần, phần còn lại phụ thuộc rất nhiều vào thầy cô giáo. Người ta có thể soạn ra một chương trình rất tốt nhưng nếu thầy cô dạy không tốt thì kết quả cuối cùng cũng rất hạn chế. Do đa số thầy cô ở Việt Nam được đào tạo từ các trường sư phạm, cho nên cũng phải rất chú ý đến khâu đào tạo giáo viên trong các trường này, không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng giảng dạy môn học đặc thù này.
Phan Hải Đăng - Giảng viên Khoa Cơ khí Kỹ thuật, Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc
Ở các trường Việt Nam chúng ta hay học ngữ pháp trước, rồi đến viết và nghe nói. Tuy nhiên, đó là một quy trình hơi ngược. Tiếng Anh cần phải được học như người Việt Nam ta học tiếng Việt (hay bất cứ ai học một ngôn ngữ mới).
Mình đang dạy bằng tiếng Anh tại khoa Cơ khí Kỹ thuật - Đại học quốc gia Pusan. Nhìn chung sinh viên ở đây nghe giảng bằng tiếng Anh cũng ổn. Hàn Quốc học tiếng Anh cũng giống Việt Nam là chú trọng ngữ pháp và từ vựng. Thế nên sinh viên nghe thì ổn, còn nói và viết thì chưa tốt lắm. Tuy nhiên, so với Việt Nam thì họ hơn hẳn.