Năm 2024, dù lần đầu tiên ngành học này được thí điểm đào tạo nhưng đã có mức điểm chuẩn tương đối cao, dao động từ 24 - 26,96 điểm.
Ngày 14/6, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM ký quyết định đồng ý giao cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo thí điểm ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Đây là ngành học mới lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.
Theo thống kê, hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Trong tương lai, các doanh nghiệp này rất cần huy động nhiều nguồn nhân lực cho ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Vì vậy, chương trình đào tạo này được xây dựng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và trong tương lai.
Đây là năm đầu tiên Ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc được đào tạo tại Việt Nam
Chuyên ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc được tuyển sinh từ năm 2024 với 50 chỉ tiêu. Điểm xét tuyển dựa trên các khối/tổ hợp môn thi gồm: D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh), D14 (Văn - Sử - Tiếng Anh), DD2 (Toán - Văn - tiếng Hàn), DH5 (Văn - Sử - Tiếng Hàn).
Chương trình đào tạo này không chỉ giúp người học am hiểu về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc mà còn nắm chắc kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại cũng như các kiến thức về quản lý, quản trị hiện đại. Khác với ngành Kinh doanh thương mại thông thường, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc mở ra hướng đi mới cho người học trong việc hòa nhập dễ dàng giữa bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu hoá hiện nay, đặc biệt là với đối tác Hàn Quốc tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Cụ thể, sinh viên ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc được đào tạo 2 khối kiến thức chuyên ngành về Hàn Quốc học và kinh doanh thương mại qua nhiều môn học như: Kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Hàn, tiếng Hàn trong kinh doanh thương mại, văn hóa đại chúng và công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, quản trị nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp, hành vi khách hàng, quản trị rủi ro...
Sau khi hoàn thành chương trình Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, nếu đáp ứng yêu cầu về số tín chỉ; sinh viên hoàn toàn có thể nhận thêm bằng đại học chính quy ngành Hàn Quốc học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hoặc bằng đại học chính quy ngành quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế - Luật.
Cơ hội việc làm tương lai rộng mở, đa lĩnh vực
TS. Phạm Trung Tuấn - Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, nhà trường quyết định đích hướng đến là đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở trên đất nước Hàn Quốc.
Dù là ngành mới nhưng đây hứa hẹn là ngành có triển vọng trong tương lai với cơ hội việc làm hấp dẫn
Cơ hội việc làm của ngành học này cũng khá rộng. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Kinh doanh thương mại Hàn Quốc có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu viên, chuyên viên phân tích thị trường, trợ lý giám đốc, quản lý nhân sự, thư ký, thư ký văn phòng, phiên dịch viên, phiên dịch mảng kinh doanh thương mại cho doanh nghiệp Hàn Quốc hay doanh nghiệp Việt Nam có đối tác Hàn Quốc…
Các bạn cũng có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu giảng dạy tiếng Hàn hay giảng dạy các lĩnh vực liên quan Kinh doanh thương mại Hàn Quốc ở các trường Đại học, Cao đẳng, các viện và các trung tâm nghiên cứu…
TS. Tuấn cũng khẳng định, với vốn kiến thức nhận được khi theo đuổi ngành học này cho phép người học có sự chuyển ngành sau khi ra trường. Nếu như các bạn trẻ không làm việc trong các doanh nghiệp của Hàn Quốc vẫn có cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nhận xét, đây là ngành học tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Là năm đầu tiên đào tạo, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc sử dụng 5 phương thức tuyển sinh gồm:
Phương thức 1: Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT); Ưu tiên tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2024 (theo quy định của ĐHQG-HCM);
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển theo Quy định của ĐHQG-HCM
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả tốt nghiệp kỳ thi THPT năm 2024
Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM năm 2024
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên các cách thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài (Ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh/thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố); xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao,…
Ngày 18/8, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy bằng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn các khối xét tuyển dao động từ 22 đến 28,88 điểm.
Đặc biệt, ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc dù lần đầu tiên được thí điểm đào tạo nhưng đã có mức điểm chuẩn tương đối cao, dao động từ 24 - 26,96 điểm. Trong đó, khối khối D01 là 26,36 điểm; khối D14 là 26,96 điểm; khối DD2 và khối DH5 là 24 điểm.