'Mẹ chọn nốt trường đại học cho con đi'

Ngày 22/07/2015 09:25 AM (GMT+7)

"Tôi cho con quyền tự quyết thì nó bảo: Con chẳng biết mình thích gì, mà từ trước đến giờ mẹ toàn quyết định chuyện học hành của con nên mẹ chọn nốt trường đại học con đi” – chị Hằng than thở.

Từ trước đến giờ toàn mẹ quyết định…nên giờ chọn hộ con đi

Nếu điểm đúng như kết quả con tự tính sau đợt thi thì Nam (con chị Hằng, Hà Đông, HN) được 24 điểm cho 3 môn: Toán, Lý, Hóa. Với số điểm này, Nam có khá nhiều lựa chọn nhưng cậu bé đành nhờ mẹ giúp.

Tỏ ra khá lo lắng, chị Hằng gọi cho tôi những mong tìm được lời khuyên. Chị bảo, mình trước không được học hành tử tế nên thiệt thân, giờ chỉ có 2 đứa con nên bằng mọi giá phải cho con học đại học. Thế nhưng, đến giờ khi con nói điểm thi của con có thể đỗ vào vài trường đại học chị lại băn khoăn không biết cho con học ngành nào.

#039;Mẹ chọn nốt trường đại học cho con đi#039; - 1

Nhiều học sinh đang đứng trước ngã ba đường

“Với tổng điểm ấy con có thể vào được Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính viễn thông… Tôi cho con quyền tự quyết thì nó bảo: Con chẳng biết mình thích gì, mà từ trước đến giờ mẹ toàn quyết định chuyện học hành của con nên mẹ chọn nốt trường đại học cho con đi” – chị Hằng than thở.

Theo chị Hằng thì quả tình suốt 18 năm bên con nhưng chị chưa bao giờ thấy con tỏ ra thích thú một công việc gì ngoài… nấu nướng. Nhưng chị lại nghĩ, là thằng đàn ông lại không phải quá dốt nát chẳng lẽ suốt ngày úp mặt vào bếp, người ướp toàn hành mỡ?

Chưa kể, mặc dù con rất thích nấu ăn nhưng món nào cũng dở: Khi thì quá nhiều dầu, lúc lại quá nhiều mắm, đường hay quá nhiều hành tiêu… Thế nên dù nhiều người khuyên cho con đi học nấu ăn, chị Hằng gạt ngay ý định đó.

“Chị ít tiếp xúc với bên ngoài, nên không cập nhật thông tin, cô xem có trường nào khi tốt nghiệp vừa có việc làm lại có thu nhập tốt chị đăng ký cho cháu học. Mà chắc chắn cháu đủ điểm học đại học cô nhé”- chị Hằng dặn với theo tôi.

Trường hợp chị Hằng chỉ là ví dụ điển hình của việc chọn nghề cho con của nhiều gia đình hiện nay. Còn Mai, cựu sinh viên ĐH quốc gia cho biết: Không chỉ mình em, nhiều bạn khác nối đuôi nhau vào giảng đường, mù mờ về tương lai, sự định hướng của bố mẹ đôi khi lại bẻ cong ước mơ của con cái để rồi đến khi tốt nghiệp ra trường cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu, làm gì với tấm bằng kia?

Bởi bản thân em học đại học cũng theo ý mẹ, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, loay hoay xin việc mãi không xong; em đành cất tấm bằng nơi góc tủ và đi học may. Ở môi trường mới này, em đã tìm được đam mê bên những đường cắt, những mẫu áo, váy thời trang… Em thực sự tiếc 4 năm vô ích ở giảng đường đại học.

Mai cho biết thêm, cậu em trai vừa học hết lớp 12. Cũng như lần trước, bố mẹ lại “đánh phủ đầu” ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của em, để ép em thi quản trị kinh doanh. Ngày nào mẹ cũng nói đi nói lại là em phải đỗ vào trường đại học này, trường đại học kia mới mong thành công được. Mai lo lắng cho rằng, em trai như đang đi vào vết xe đổ của mình, giống như trồng cây mà không biết sau này sẽ thu hoạch quả gì? Còn bố mẹ chẳng khác gì người trồng cây, chăn nuôi nhưng không biết tương lai đầu ra của cây trái, vật nuôi ở đâu?

Nếu để chính các em quyết định?

Lý giải tình trạng này, TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhìn nhận, lỗi một phần do bản thân các em không nhận thức được mình thực sự thích điều gì, khả năng mình đến đâu trong khi bố mẹ lại quá bảo bọc con mình.

TS Hà cho rằng, chọn được công việc phù hợp là cách để các em vui sống khi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, để thấy mình có giá trị khi cảm nhận được niềm vui từ những cống hiến cho xã hội.  

Vì thế, “chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là các bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải", thầy Hà thẳng thắn bày tỏ.

Để quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê hay theo xu thế thời thượng, các em cần biết các nguyên tắc: chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn ngành, nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ; không chọn ngành xã hội không có nhu cầu và chọn nghề đáp ứng được những giá trị bản thân, coi trọng và có ý nghĩa.

“Muốn làm nghề gì trước hết bản thân phải thích nó, tức là hứng thú với công việc trong nghề, nếu không thích thì đừng chọn. Chúng ta không thể thay đổi nghề dễ như thay đổi cái áo được. Hơn nữa, ta không dễ gì đến với nghề khác theo sở thích của bản thân mình ngay sau khi ta đã chán nghề đã chọn…

Đối với người lao động, chỉ có niềm đam mê, hứng thú với công việc mới có thể giúp học vượt qua những khó khăn của nghề nghiệp, giúp họ ngày càng hoàn thiện nghề nghiệp để có được một sự nghiệp vững chắc” – TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo TS Hà thì trước khi quyết định chọn nghề, các em hãy tự đặt ra cho mình câu hỏi “tôi làm được nghề gì?” và tìm câu trả lời bằng cách tự kiểm tra năng lực học tập, năng khiếu, tính cách của mình có phù hợp với các yêu cầu của nghề đặt ra hay không.

TS Hà cũng  lưu ý, có nghề mình thích nhưng không làm được, có nghề mình không thích (do chưa hiểu giá trị và ý nghĩa của nghề) nhưng trong nhiều trường hợp, sự hứng thú, say mê đối với nghề dần được hình thành trong chính quá trình lao động làm việc trong nghề nghiệp đó.

ĐỂ TRA CỨU ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT QG NĂM 2015

SOẠN TIN: DIEM SỐBÁODANH gửi 8702

VD: Thí sinh thi ở cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, SBD là BKA000345, soạn tin:

DIEM BKA000345 gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Theo Ngô Châu Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan