Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, có những thí sinh chỉ vì thiếu 0,5 điểm mà ngậm ngùi “dừng cuộc chơi”, trong khi có những thí sinh khác lại cầm chắc 3,5 điểm ưu tiên khu vực làm lợi thế xét tuyển.
Thí sinh tị nạnh
Đang trong giai đoạn đua tranh gắt gao để giành tấm vé nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ, ngoài chuyện mệt mỏi vì rút - nộp hồ sơ, mòn mỏi “canh” điểm trên trang web của các trường. Thí sinh còn bất an khi cơ hội vào ĐH của mình bị ảnh hưởng khi gặp nhiều trường hợp được cộng điểm ưu tiên, điểm khu vực.
Bộ GD&ĐT quy định 7 đối tượng ưu tiên xét tuyển. Điểm cộng ưu tiên, khu vực sẽ từ 0,5 đến 3,5 điểm. Ảnh: Q.Anh
Thí sinh Lê Quỳnh Anh (ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Em dự thi kỳ thi quốc gia được 22,5 điểm, đến nay em đã nộp hồ sơ vào 2 trường, mà trường nào em cũng cảm thấy thiệt thòi, tủi thân bởi quy định điểm ưu tiên khu vực. Có bạn được cộng 1 điểm, nhưng có bạn được cộng những hơn 3 điểm. Em bị trượt không phải vì năng lực mà do không được cộng điểm nào so với các bạn ấy”.
Tương tự, thí sinh Trần Thu Hương (ở ngõ 162 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cũng không hài lòng về cộng điểm, Thu Hương chia sẻ: “Chỉ 0,5 điểm thôi là đã có hàng trăm, thậm chí cả nghìn thí sinh bị loại vì kém điểm rồi, đằng này biết bao nhiêu bạn giống như em thi chung đề, chung cụm thi vậy mà chiếu theo khu vực, nhiều bạn lại được cộng điểm. Như thế là không công bằng, có bạn cũng ở thành phố của tỉnh hẳn hoi, có khó khăn, hay bất lợi học tập gì đâu mà vẫn được cộng điểm?. Một số bạn còn được cộng thêm mấy điểm, chẳng khác gì “được” thi hơn 1 môn”.
Không chỉ riêng Quỳnh Anh và Thu Hương có chung cảm giác nói trên, theo ghi nhận từ kỳ xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH, CĐ năm nay có rất nhiều thí sinh cũng cho rằng kỳ thi này chung đề, chung ở cụm thi do trường ĐH tổ chức, nhưng khi đỗ tốt nghiệp, đủ điểm sàn của Bộ GD&ĐT và tham gia kỳ xét tuyển ĐH, CĐ chung trong toàn quốc lại có sự phân biệt, “ưu ái” cộng điểm từ 0,5 đến 3,5 điểm đối với đối tượng ưu tiên; khu vực. Riêng thí sinh ở các thành phố trực thuộc Trung ương lại không được hưởng chính sách này.
Nên bóc tách khu vực cộng điểm
Kết quả thông báo tạm thời của trường ĐH Luật Hà Nội (ngày 6/8) cho thấy có nhiều thí sinh được cộng 3,5 điểm ưu tiên, khu vực.
Không đành lòng với các quy định có phần bất công, nhiều thí sinh đã bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân, các trang mạng xã hội trong suốt mấy ngày qua. Thậm chí, một số thí sinh còn “chế ảnh” về sự thiệt thòi, thiếu công bằng trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ với các tựa đề như: “Chỉ vì ở thành phố lớn mà chịu trượt”, “Chỉ vì không ở nông thôn mà trượt”, “Được 23,5 điểm vẫn thua bạn 22,0 điểm vì bạn ấy ở miền núi”...
Trên thực tế, chính sách cộng điểm ưu tiên, khu vực của Bộ GD&ĐT duy trì từ nhiều năm nay, bởi so sánh về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội thì các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vẫn thiệt thòi hơn các bạn ở thành phố. Ưu tiên cộng điểm cho các thí sinh nhằm khích lệ, động viên một số đối tượng dự thi và đỗ ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thực tế của kỳ tuyển sinh năm nay đã khác, thí sinh dùng kết quả để xét tuyển nên tính cạnh tranh, ganh đua hết sức căng thẳng, ở cùng mức điểm đã có hàng nghìn thí sinh. Nên nếu chỉ hơn kém 0,5 điểm là đã vượt cả nghìn thí sinh.
Đánh giá về chính sách cộng điểm trong tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2015, TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác Thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết: “Chủ trương cộng điểm ưu tiên, khu vực nhằm tạo cơ hội học tập cho các thí sinh có cơ hội học tập thấp, vùng gặp nhiều khó khăn, gia đình chính sách... Thí sinh ở thành phố lớn không được cộng điểm vì các em đi học thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khu vực cộng điểm cũng cần được bóc tách ra thành khu vực và điểm cộng cũng không nên nhiều. Tránh trường hợp thí sinh có điểm cộng quá cao, dẫn tới chất lượng học tập không đảm bảo”.
Còn một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên cần phải được tính toán lại, có những em ở thành phố trực thuộc tỉnh cũng được cộng điểm, có những em thuộc đối tượng ưu tiên được cộng điểm quá cao... vì thế tạo ra một cuộc cạnh tranh thiếu công bằng.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT cũng có các chính sách ưu tiên khác như: Cử tuyển, học sinh thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn được xét tuyển thẳng vào ĐH không cần thi tuyển. Hơn nữa, nói rằng các thí sinh ở địa phương sau khi ra trường sẽ quay về xây dựng quê hương cũng là thiếu cơ sở, vì đa phần trong số này tốt nghiệp đại học là “bám trụ” lại các thành phố lớn.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 sẽ tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên, cộng điểm khu vực cho các thí sinh. Theo đó, sẽ cộng điểm cho thí sinh thuộc: Khu vực 1, Khu vực 2 - Nông thôn, Khu vực 2. Bộ GD&ĐT cũng quy định 7 đối tượng ưu tiên xét tuyển. Điểm cộng ưu tiên, khu vực sẽ từ 0,5 đến 3,5 điểm. |