Theo WHO, mẹ và con vẫn nên được thực hiện tiếp xúc da kề da, được ở cạnh nhau, chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, đặc biệt là bú mẹ ngay sau sinh.
Từ trước đến nay, sữa mẹ luôn được coi là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và vô giá nhất đối với trẻ sơ sinh. Trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất mà những thực phẩm khác không thể có được.
BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết, sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại siêu vi, trong đó có siêu vi gây bệnh cúm mùa (influenza virus), tiêu chảy (rotavirus), viêm đường hô hấp (RSV) và bại liệt (polio virus)...
Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những axít béo đặc biệt và một số loại monoglycerides giúp sữa mẹ có tác dụng chống lại virus. Các thành phần chất béo kháng virus này không bị huỷ khi đun nóng sữa mẹ lên.
Mẹ và con được thực hiện tiếp xúc da kề da và bú tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thực tế cho thấy, sản phụ và trẻ sơ sinh luôn ở cạnh nhau nên thường tiếp xúc cùng một loại các loại vi trùng, virus. Vậy khi mẹ bị cúm có phải ngưng cho con bú không?
Câu trả lời của BS Từ Anh là không cần phải ngưng cho bú. Virus cúm không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng.
Ngay cả virus corona cũng không có trong sữa mẹ. Khi mẹ bị cúm, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại virus cúm nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang chích vaccin cho trẻ.
Trước câu hỏi, mẹ bị cúm thì phải làm gì khi muốn tiếp tục cho con bú, BS Từ Anh khuyên người mẹ bị cúm phải mang khẩu trang và rửa tay đủ 6 bước theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới, bằng nước và xà phòng trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ có thể chạm vào.
Khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay và rửa ngay sau đó. Nếu mẹ mệt mỏi không thể cho bú trực tiếp thì có thể vắt sữa mẹ ra để cho con uống. Lưu ý trước khi vắt sữa cũng phải rửa tay đúng cách.
Nếu trẻ bị cúm, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ cho rằng trẻ vẫn nên được bú mẹ. Bởi lẽ, khi trẻ bệnh thì sữa mẹ ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn bổ sung kháng thể, các thành phần miễn dịch khác giúp bé mau khỏi bệnh. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có nhiều nước và vitamin là những thứ trẻ đang bệnh cần được bổ sung.
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với bú mẹ khi mẹ mắc COVID-19
- Mẹ thuộc diện nghi ngờ, có thể hoặc xác định mắc COVID-19 vẫn nuôi trẻ theo khuyến cáo chung dành cho trẻ nhỏ (bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu) song song với thực hành các biện pháp cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm.
- Nếu mẹ xác định mắc COVID-19 và có triệu chứng hô hấp phải mang khẩu trang y tế khi cho trẻ bú mẹ và chăm sóc theo phương pháp Kangaroo, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc trẻ, thường xuyên rửa và sát khuẩn các bề mặt đã chạm vào.
- Nếu mẹ mắc COVID-19 nặng hoặc bị các biến chứng của bệnh, không thể cho trẻ bú trực tiếp thì nên vắt sữa mẹ và đảm bảo an toàn khi chuyển sữa này cho con.
- Mẹ và con vẫn nên được thực hiện tiếp xúc da kề da, được ở cạnh nhau, chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, đặc biệt là bú mẹ ngay sau sinh, dù mẹ đang nghi ngờ, có thể hoặc xác định mắc COVID-19.