Bệnh nhi Phạm Xuân L. lên mạng xem hướng dẫn cách làm pháo nổ, khi đang nhồi thuốc ở tư thế kẹp quả pháo vào trong đùi thì pháo phát nổ.
Tai nạn thương tâm do pháo tự chế
Bác sĩ Lưu Đức Thọ - Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - cho biết bệnh viện vừa qua đã thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ bàn tay và ghép da trên đùi cho một bệnh nhi 13 tuổi.
Trước đó, vào khoảng 15h30 ngày 30/12/2019, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận nam sinh Phạm Xuân L. (sinh năm 2006, ở xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải và tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực, 2 bên mắt.
Bệnh nhi Phạm Xuân L. dập nát bàn tay phải và tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực, 2 bên mắt.
Người nhà bệnh nhi kể, trước khi xảy ra sự việc, nam sinh này đã lên mạng xem hướng dẫn cách làm pháo nổ. Em L. sử dụng hàng chục bao diêm làm thuốc pháo. Khi đang nhồi thuốc ở tư thế kẹp quả pháo vào trong đùi thì pháo phát nổ.
Ngay sau khi L. nhập viện, các bác sĩ tiến hành cấp cứu và phẫu thuật tạo mỏm cụt bàn tay phải, phẫu thuật ghép da đùi phải, thu nhỏ tổn thương khuyết hổng đùi trái chờ ghép da.
Bác sĩ Lưu Đức Thọ thông tin, bệnh nhi hiện ổn định hơn, đang được theo dõi và điều trị tiếp.
Ngày 10/1/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh N.H.Đ.D. (lớp 9), trú tại huyện Kim Thành, Hải Dương nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, D. đã xem cách chế thuốc nổ trên youtube, sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ tự chế KCl03, lưu huỳnh về làm theo. Trong quá trình nghiền thuốc đã bất ngờ phát nổ khiến cho D bị chấn thương nghiêm trọng.
D. nhập viện với đa chấn thương: Dập nát cẳng bàn tay phải, vết thương cẳng tay trái, đứt gân duỗi cổ tay quay và đa vết thương phần mềm cẳng chân hai bên.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tài - Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải đồng thời cắt lọc, nối gân, làm sạch và khâu vết thương phần mềm.
Một ngày sau mổ, tình trạng D. đã ổn định, tỉnh táo, hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Chấn thương chung.
Ngày 12/1/2020, Ths. Bs. Đặng Thị Phương - Phó Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp trẻ N.Đ.M. sinh năm 2007 trú tại xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào cấp cứu trong tình trạng cả 2 mắt bị cháy lông mi, bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I do tự chế pháo nổ tại nhà.
Theo lời kể, trẻ đã xem clip hướng dẫn làm pháo trên internet và tự mua hoá chất về làm. Khoảng 10 giờ ngày 12/01 trẻ tự trộn 2 loại hóa chất lưu huỳnh và KCLO3 (10.000đ - 12.000đ/túi nhỏ) với than hoa làm pháo nổ và đốt thử bằng bật lửa. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên, chất nổ bắn vào mặt khiến trẻ đau rát trán, cả 2 mắt rát kèm cộm, đau, mắt không mở được. Sau tai nạn, trẻ đi rửa mặt và nằm nghỉ ngơi nhưng không đỡ. Thấy mắt đau rát nhiều trẻ đã gọi người nhà và được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ khám và chẩn đoán cả 2 mắt trẻ bị bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I, thị lực hai mắt đo được 7/10. Trẻ được rửa vết thương, tra thuốc kháng sinh, tăng cường dinh dưỡng giác mạc, băng mắt, sử dụng thuốc giảm đau và tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Ngoài những trường hợp trên, đầu tháng 1/2020 tại bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng đang điều trị tích cực cho hai trường hợp tổn thương nặng do chơi pháo tự chế.
Chuyên gia hướng dẫn cách xử trí khi bỏng pháo
Càng gần Tết Âm lịch 2020, trên cả nước xuất hiện càng nhiều những vụ bỏng, bị thương do pháo tự chế gây ra, trong đó có nhiều vụ tai nạn thương tâm để lại các di chứng bỏng nặng nề.
Trước thực trạng có nhiều bệnh nhân nhập viện do tai nạn từ pháo tự chế, Bác sĩ Phan Trường Tuệ - Điều dưỡng trưởng - Khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, hàng năm có tới hàng chục nghìn trẻ em ở nước ta bị bỏng. Số nạn nhân trẻ chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bị bỏng. Với trẻ em, bỏng là tai nạn thường gặp nhất.
Phân tích về những tác nhân bỏng nào hay gặp nhất ở trẻ em, bác sĩ nói: Nước nóng và thức ăn nóng là tác nhân gây bỏng hàng đầu ở trẻ em, chiếm tới 60% các nguyên nhân gây bỏng ở trẻ. Tiếp sau là bỏng do lửa và do điện… vài năm gần đây xuất hiện nhiều người bệnh là trẻ lớn bỏng pháo lứa tuổi 15 – 17 chiếm tới khoảng 80% - 90% tổng số người bỏng pháo, đây là lứa tuổi tò mò đa số cháu trả lời sau bỏng là muốn làm thí nghiệm… thích khám phá tìm hiểu nhưng lại chưa ý thức được mối nguy hại khi pháo nổ và có thể bủng cháy và bỏng trong khi các cháu làm thí nghiệm thường các cháu làm trộm tại nhà.
Có tới 70% các trường hợp bị bỏng là trẻ em nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có mức sống thấp, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Tổn thương do bỏng thuốc pháo thường gặp bỏng ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp nên sau khi sơ cứu đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý cấp cứu đúng.
Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ và chức năng vận động ảnh hưởng đến học tập và khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Trong khi, các cháu đều đang ở độ tuổi học đường. Tuy nhiên, bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
Chuyên gia hướng dẫn xử lý sau khi bị bỏng: càng sớm càng tốt ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (15 – 20 độ C) sạch, dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch trong khoảng thời gian khoảng 20 phút trong trường hợp nước không sạch lắm vẫn có thể sử dụng ưu tiên hàng đâu là thật sớm, nước mát sẽ giúp làm giảm nhiệt độ tại chỗ, hạn chế rối loạn vi tuần hoàn tại chỗ do đó hạn chế bỏng sâu, giảm đau cho bệnh nhân và tránh được việc hình thành nốt phỏng: Lưu ý không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh để chườm lên vết bỏng. Mùa lạnh hoặc bỏng vùng mặt có thể lấy khăn ướt đắp lên vết bỏng.
Bác sĩ Phan Trường Tuệ nhấn mạnh: “Đừng mất thời gian để tìm kiếm một loại thuốc nào đó để bôi hay xịt lên vết bỏng trong khi để mất cơ hội sử dụng nước mát. Các thuốc thời điểm này chưa có tác dụng mấy. Thậm chí dùng sai còn gây thêm bỏng sâu, đau đớn và nhiễm khuẩn, không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng không những không có tác dụng mà chúng còn làm cho vết bỏng sâu thêm, nhiễm khuẩn và bệnh nhân đau đớn hơn”.
Sau khi ngâm nước dùng gạc sạch đắp lên vết bỏng và băng ép vùng bị bỏng vừa phải. Vùng mặt nếu không bong được có thể bị hở.
Vài năm gần đây xuất hiện nhiều người bệnh là trẻ lớn bỏng pháo lứa tuổi 15 – 17 chiếm tới khoảng 80% - 90% tổng số người bỏng pháo. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ khuyến cáo
Trên thực tế, việc tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên các trang mạng đã có từ nhiều năm nay, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho các học sinh và sinh viên, nhiều trường hợp để lại các di chứng bỏng rất nặng nề. Hàng năm, truyền thông đã liên tiếp cảnh báo về các tai nạn do tập chế tạo thuốc nổ... Tuy nhiên, đến nay loại tai nạn này vẫn không hề giảm mà vẫn xảy ra nhiều và để lại hậu quả thương tâm cho các bạn trẻ tuổi học đường, hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội.
Từ góc độ chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo, do đặc điểm của tai nạn do pháo tự chế chưa có xu hướng giảm trong dịp gần Tết cổ truyền của dân tộc. Để được đón chào năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như gia đình, nhà trường và bản thân các học sinh ở lứa tuổi học đường nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ gây ra cho bản thân và xã hội, để cùng nhau có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc nổ gây nguy hại cho gia đình và xã hội.
Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó. Vì vậy, các bác sĩ cảnh báo: Vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, nhà trường và gia đình cần giáo dục và phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Các bác sĩ cảnh báo tai nạn bỏng do pháo để lại hậu quả thương tâm cho các bạn trẻ tuổi học đường, hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội. Dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm có nhiều trường hợp nghịch pháo dẫn đến chấn thương và chủ yếu là chấn thương bàn tay, nhiều bệnh nhân phải cắt cụt một phần chi thể.