Những hướng dẫn đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ sớm lấy lại được vóc dáng, vẻ đẹp sau thời gian bầu bí.
Nám da, ngực sệ, bụng chảy mỡ... biết bao vấn đề cơ thể sau sinh khiến các bà mẹ buồn phiền và lo lắng. Thực ra, nếu biết cách làm đẹp sau sinh, các mẹ hoàn toàn có thể lấy lại nhan sắc thời son trẻ.
1. Sẹo sinh mổ
Mặc dù hầu hết các vết sẹo mổ sẽ mờ dần và chỉ còn như đường kẻ chì trong vòng 1-2 năm, chúng sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Chỉ có cách là xử lí chúng càng sớm thì càng tốt để chúng càng mờ và khó phát hiện hơn.
Bạn có thể trị chúng bằng các loại kem đặc trị hay miếng dán làm mờ sẹo. Đắt tiền hơn có thể dùng phương pháp trị sẹo bằng tia laze. Dù dùng phương pháp nào bạn cũng nên thận trọng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước vì cơ địa mỗi người khác nhau, ứng với từng cách điều trị khác nhau
Chống chỉ định dùng các sản phẩm từ vitamin E. Các loại kem dưỡng ẩm có thể giúp làm da bạn trông tươi trẻ hơn và mát xa da mặt với chúng có thể làm mềm sẹo. Tuy nhiên, vitamin E không thể thay đổi được thành phần collagen trong da, do đó mà dùng các loại kem này không có tác dụng làm sẹo mờ đi được.
2. Ngực sệ
Trong quá trình bà mẹ mang thai và cho con bú, các hooc môn đã làm mô ngực phát triển và vùng da xung quanh bị giãn để thích nghi với hoàn cảnh này. Sau giai đoạn này, các mô bị co lại nhưng làn da thì không đàn hồi nữa gây ra hiện tượng ngực chảy xệ sau sinh. Đó là lí do vì sao nhiều chị em đua nhau đi nâng ngực sau sinh với mong muốn lấy lại "đôi gò bồng đảo" như thời còn son rỗi.
Tuy nhiên, thay vì dùng dao kéo, chị em nên luyện tập thường xuyên giúp nâng và tôn dáng ngực lên, an toàn hơn dùng dao kéo mà lại tốt cho sức khỏe.
Một chiếc áo ngực chuyên dùng cho bà mẹ sau sinh là cực kì cần thiết (Ảnh minh họa)
Một số bài tập hiệu quả như hít đất, nằm tập tạ (chest fly), kéo tạ đòn (pull-over), tập đẩy ngực (chest press)...Không dùng kem hay thuốc làm săn ngực vì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng có tác dụng lấy lại sự đàn hồi của da cả.
Đừng quên sử dụng áo ngực chuyên dụng cho bà mẹ sau sinh. Một chiếc áo ngực vừa vặn, chất vải tốt, thấm hút mồ hôi, không có gọng kim loại có tác dụng nâng đỡ và bảo vệ ngực trước sức nặng của bầu sữa, tạo dáng cho ngực, tránh tình trạng ngực bị sệ thêm và giúp bạn thoải mái hơn khi vận động, tập luyện.
3. Nám da
70% chị em phụ nữ gặp phải vấn đề này từ khi mang thai. Sự biến động của hooc môn gây ra những vết sạm đáng ghét trên trán, má, môi,... Các vết này thường sẽ mờ đi sau sinh nhưng không biến mất hoàn toàn. Có trường hợp vết nám ở lại vĩnh viễn trên mặt.
Nám da là vấn đề khá phức tạp, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để được kê đơn dùng các loại kem đặc trị, thường là kem có chiết xuất từ steroid và tretinoin. Đặc biệt, nên tránh nắng, tuyệt đối không tiếp xúc với ánh nắng vào giờ cao điểm, khi đi ra ngoài phải bôi kem chống nắng vì ánh nắng là nguyên nhân khiến nám da càng phát triển hơn. Mẹ cũng có thể sử dụng những loại mặt nạ chữa nám da để trả lại làn da trắng hồng sau sinh.
Nên tránh nắng, tuyệt đối không tiếp xúc với ánh nắng vào giờ cao điểm, khi đi ra ngoài phải bôi kem chống nắng vì ánh nắng là nguyên nhân khiến nám da càng phát triển hơn. (ảnh minh họa)
4. Bụng chảy sệ
Sau khi sinh, hầu như tất cả phụ nữ đều không giữ được vòng eo thon gọn như xưa, mà thay vào đó là vòng eo quá khổ, mỡ bụng chảy xệ, da bụng nhăn nheo.
Tập cardio là một hình thức tập luyện hiệu quả, giúp chị em giảm hẳn mỡ bụng, lấy lại được vóc dáng thon gọn. Cardio exercise là bất kì những bài tập làm tăng nhịp tim của bạn ở một mức độ nào đó và duy trì nó trong một khoảng thời gian nào đó theo ý muốn của bạn. Ngoài việc chuyên về tăng cường sức khỏe cho tim, cải thiên hệ thông mạch máu, cardio là 1 loại bài tập đốt calories cao, vì thế mà giảm mỡ bụng cực hiệu quả. Những hình thức cardio phổ biến: chạy bộ, đạp xe , chạy trên máy elliptical machine, leo cầu thang, chèo thuyền, nhảy dây, chạy địa hình,...
5. Chứng giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ là một vấn đề rất phổ biến. Hơn 40% phụ nữ trong quá trình mang thai gặp vấn đề giãn tĩnh mạch ở chân, bắp đùi,... Ngoài hình dạng tĩnh mạch ngoằn nghèo mất thẩm mỹ xuất hiện ở chân, thì các triệu chứng như phù chân, đau và yếu; nặng chân xuất hiện, đặc biệt vào cuối ngày. Một số truờng hợp có đổi màu sắc ở vùng cổ chân. Sau sinh, tình trạng giãn tĩnh mạch có thể được cải thiện nhưng có những trường hợp, tình trạng này không biến mất hoàn toàn.
Để hạn chế giãn tĩnh mạch chân, chị em cần lưu ý:
- Tránh những tư thế gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân, hoặc đi giày cao gót. Khi nằm nên kê chân cao 10-15 cm.
- Tập hít thở sâu và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng cách tập thể dục.
- Mang bít tất thun hoặc một loại băng thun chuyên dụng có tính đàn hồi giúp cho tuần hoàn máu được tốt hơn.